VN-Index đã tăng 20,5%, gấp đôi lãi suất tiết kiệm. Có tới 11/16 quỹ cổ phiếu nước ngoài đầu tư vào Việt Nam tăng giá trị tài sản ròng trên 20%, trong đó có quỹ thậm chí tăng hơn 40%.
Cũng là quỹ ngoại, có quỹ huy động thêm 15 triệu USD (hơn 300 tỷ đồng) vào quỹ, một con số đáng để tự hào sau nhiều năm ròng NĐT ngoại lắc đầu với lời mời gọi bơm thêm vốn từ các quỹ . Có quỹ đã trả cổ tức cho cổ đông 12 - 13% trong năm.
Không chỉ quỹ chuyên đầu tư cổ phiếu mà cả quỹ trái phiếu, như của Dragon Capital đã lãi đến 15%. Dù lợi suất trái phiếu đã đảo chiều tăng trở lại từ hồi tháng 5 (đồng nghĩa giá trái phiếu giảm), nhưng Dragon Capital biết cách kiếm lời!
Thế nhưng, bức tranh về quỹ nội lại không mấy sáng sủa! Cả ngành quản lý quỹ nội có 47 công ty quản lý quỹ, 6 công ty đã giải thể hoặc ngừng hoạt động trong năm qua, 19 công ty làm ăn thua lỗ tính đến thời điểm gần nhất là cuối quý III/2013. Có 13 quỹ đóng nội đã khép lại trong năm với tổng vốn điều lệ 7.500 tỷ đồng.
Tất nhiên, sự ra đi nào cũng sẽ được bù đắp, đã có gần 10 quỹ đóng ra đời thay thế, nhưng số vốn khởi điểm của những quỹ này chỉ bằng 1/10 số vốn đã “ra đi”.
Các nhà quản lý quỹ ngoại phấn khởi chia sẻ với báo giới và NĐT: “Chúng tôi đã cảm thấy lạc quan hơn” (Công ty Quản lý quỹ VAM - báo cáo cập nhật tháng 12/2013), “Tôi tin rằng, cuối cùng thì những miếng ghép lớn cần thiết cho một năm Ngựa thành công cũng đã được đặt đúng chỗ” (trích lời lãnh đạo một quỹ châu Âu chia sẻ riêng với ĐTCK, số ngày 13/1).
Còn nhà quản lý quỹ nội, tất cả vẫn là sự thận trọng trong từng lời bình luận tại các diễn đàn.
TTCK 2012 đã tăng, thị trường 2013 còn tăng mạnh hơn, và thị trường 2014 đang được nhận định tiếp tục tăng. Theo khảo sát bạn đọc trên www.tinnhanhchungkhoan.vn, hơn 3/4 số người trả lời tin tưởng VN-Index 2014 sẽ trên mức 600 điểm.
Thị trường là như vậy, cơ hội là có, và tất nhiên câu hỏi dành cho các quỹ là: tại sao?
Vấn đề nằm ở chính lý do các quỹ nội ra đời. Có cảm giác một phần không nhỏ số quỹ ra đời không để kiếm một cơ hội kinh doanh. Họ ra đời chỉ để… ra đời, phục vụ hay quản lý tiền cho các ông chủ là các doanh nghiệp lớn trong nước, và cho những “đại gia”.
Vì lý do trên, các quỹ này không cần quảng bá, dù nguyên tắc buộc phải quảng bá thì mới huy động được vốn. Cũng vì lý do này mà không ngạc nhiên khi báo cáo kết quả kinh doanh (cập nhật đến hết tháng 9/2013), không ít công ty không thu được một đồng doanh thu nào từ hoạt động quản lý quỹ hay quản lý danh mục đầu tư. Ngay cả trong số 22 công ty có lãi, cũng chỉ có khoảng chục công ty lãi nhờ hoạt động quản lý tiền cho NĐT.
Quỹ là nơi phải chứng tỏ sự chuyên nghiệp trên cả chuyên nghiệp, có vậy NĐT mới tin tưởng gửi tiền cho quỹ. Nhưng để đạt trình độ này, dường như quỹ nội còn rất thiếu. Thế nên, những quỹ dù lập ra với mong muốn không chỉ phục vụ cho các “ông chủ” vẫn gặp khó.
Khó ở chỗ chứng minh họ là “dân chuyên nghiệp”, thế nên khó huy động vốn. Khó huy động vốn thì khó kiếm cơ hội đầu tư. Khó kiếm cơ hội đầu tư thì khó có lãi. Khó có lãi thì khó chứng mình mình là “đầu tư chuyên nghiệp”….
Ngành quỹ nội, bao giờ thoát vòng luẩn quẩn? Không ai biết!