BOTV, một trong những công ty có cam kết mua lại gói đầu tư với giá cực kỳ cao so với giá trị ban đầu.

BOTV, một trong những công ty có cam kết mua lại gói đầu tư với giá cực kỳ cao so với giá trị ban đầu.

Chiêu dụ dỗ kiếm tiền online ngày càng ảo diệu

Khi người dân bắt đầu cảnh giác với mô hình ponzi và các đồng tiền ảo, thì trên thị trường lại xuất hiện các chiêu dụ dỗ góp vốn mới, thông qua mua cổ phần, mở kênh Youtube, các kênh mua sắm…

Kinh doanh siêu lợi nhuận

Từ đầu năm đến nay, trên các trang mạng xã hội xuất hiện nhiều lời kêu gọi đầu tư với lợi nhuận kinh doanh hấp dẫn. Điểm khác của các mô hình này là mức siêu lợi nhuận 5-12%/tháng (60-144%/năm).

Để tạo niềm tin cho nhà đầu tư, các công ty này còn rất bài bản khi đưa ra những mô hình kinh doanh đang đi theo xu hướng hiện nay, như thương mại điện tử, lập kênh Youtube…

Gần đây, nhiều người cho biết, họ được chào mời tham gia vào dự án có tên là Omega. Dự án này được quảng cáo là đã có mặt ở 30 quốc gia thuộc 4 châu lục và là dự án kiếm tiền online ít rủi ro nhất năm 2019. Hai nhà sáng lập ở Ba Lan, mục tiêu là phát triển cộng đồng sử dụng nước uống mới có tên là Omega, mở chuỗi cà phê nhượng quyền sử dụng thứ nước uống này, cung cấp dịch vụ khảo sát trực tuyến…

Có hai gói đầu tư vào Omega gồm 6 tháng và 12 tháng, với lợi nhuận 5 - 6%/tháng. Số tiền đầu tư tối thiểu 50 euro, số tiền này được dùng để mua Bitbonds - loại tiền nội bộ của Omega. Nhà đầu tư có thể gửi tiền trực tiếp vào tài khoản công ty ở châu Âu, thanh toán bằng Bitcoin hoặc mua Bitbonds từ những người tham gia trong hệ thống.

Hoa hồng mà nhà đầu tư được hưởng là 6%, ngoài ra còn có hoa hồng cân nhánh nhị phân 6 - 9%. Tóm lại, nhà đầu tư không cần làm gì, chỉ cần rót tiền vào là có thể ngồi hưởng hoa hồng, có điều hoa hồng này chỉ được rót vào tài khoản mỗi ngày một chút, mức rút bị hạn chế và mỗi lần rút sẽ bị tính phí 5 euro, bất kể rút bao nhiêu.

Một dự án kiếm tiền online khác cũng đang được hô hào rầm rộ là BOTV - Công ty cổ phần Truyền thông và Giải trí có trụ sở tại TP.HCM. Theo đó, chỉ cần bỏ ra khoảng 1.000 USD, nhà đầu tư sẽ được công ty này lập một kênh Youtube có khả năng kiếm tiền với mức lợi nhuận cam kết là 12%/tháng, nhân đôi tài khoản trong 8 tháng. BOTV cam kết mua lại gói đầu tư với giá nhân đôi giá trị ban đầu.

Nếu nhà đầu tư không biết làm video, không làm Youtube, BOTV sẽ “làm hộ”, nhà đầu tư chỉ cần rót tiền và ngồi hưởng hoa hồng. Thậm chí, không cần bỏ vốn, nhà đầu tư tham gia hệ thống BOTV cũng có thể nhận hoa hồng nhờ việc xem video và lôi kéo người khác tham gia.

Khẳng định không lừa đảo, song nhìn vào mô hình này có thể thấy, bản chất của BOTV rất giống mô hình đa cấp.

Trên thực tế, xây dựng được một kênh Youtube được cấp chức năng kiếm tiền không hề đơn giản. BOTV kêu gọi hàng ngàn thành viên tham gia lập kênh Youtube và cam kết sau 8 tháng sẽ lãi gấp đôi là không khả thi.

Lấy tiền người sau trả cho người trước

Một kênh đầu tư kiếm tiền nhanh nữa dưới hình thức thương mại điện tử là BBI Mall. Được quảng cáo là ứng dụng kết nối người bán hàng và doanh nghiệp, tương tự như Lazada hay Shoppee, song cách thức hoạt động của ứng dụng này lại vô cùng dị biệt.

Theo đó, người tiêu dùng tải ứng dụng và mua hàng qua BBI Mall sẽ được tích điểm 100 - 200%. Theo đó, nếu người bán chiết khấu cho khách hàng 10%, BBI sẽ thưởng thêm gấp 10 lần. Tất nhiên, để hưởng ưu đãi, họ sẽ phải chuyển khoản 3,5 triệu đồng vào ví để được làm thành viên bạch kim. Số tiền này sẽ được quy đổi thành 3,5 triệu điểm, được sử dụng để mua sắm trên ứng dụng. BBI cho phép người dùng mỗi ngày được chuyển đổi 0,05% số điểm thành tiền mặt.

Lấy ví dụ, người tiêu dùng muốn mua chiếc ô tô 1 tỷ đồng trên BBI Mall, ngoài chuyển khoản 3,5 triệu đồng để làm thành viên, họ sẽ phải chuyển khoản vào đây 1 tỷ đồng để thanh toán. Trong trường hợp người bán chiết khấu 10% cho người mua, tức chiết khấu 100 triệu tiền mặt, BBI sẽ thưởng thêm 100% nữa, tức 1 tỷ đồng. BBI sẽ chuyển 100 triệu đồng và thưởng thêm 1 tỷ vào tài khoản tích điểm. Số tiền này sẽ được quy đổi mỗi ngày 0,05%  sang tiền mặt. Có nghĩa là, người mua sẽ được một chiếc ô tô (nếu việc mua bán này là có thực) và sẽ thu được thêm 1 tỷ đồng trong vòng 2 năm.

Tuy nhiên, theo nguồn tin của một nhà đầu tư, hầu hết những người tham gia ứng dụng này đều không mua bán gì, hoặc chỉ mua bán online nhỏ lẻ. Mục đích chính khi tham gia mạng lưới BBI là để kiếm lời.

Đơn cử, với ví dụ trên, nhà đầu tư lập hai tài khoản, rao bán mặt hàng ô tô ảo 1 tỷ và nạp vào ví 1 tỷ đồng để được hưởng thêm 1 tỷ điểm thưởng. Sau gần 2 năm, nhà đầu tư sẽ lấy lại 1 tỷ đồng tiền gốc bỏ ra và hơn 1 tỷ đồng còn lại sẽ được chuyển đổi tiếp tục thành tiền mặt trong 2 năm kế tiếp. Chưa kể, nếu tham gia giới thiệu thêm khách hàng mới, nhà đầu tư còn được tặng thêm tiền.

Nhân viên tư vấn của BBI cho biết, nguồn tiền khổng lồ trả cho khách hàng có được là nhờ các khoản tiền thu về từ khách hàng bạch kim được công ty lấy đi kinh doanh, sinh lời, ngoài ra còn doanh thu từ các lĩnh vực khác.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia tài chính, không có sàn thương mại điện tử trực tuyến nào mà có thể kinh doanh siêu lợi nhuận, khuyến mãi “khủng” cho khách hàng như vậy được. Cũng như các mô hình trên, BBI có dấu hiệu của mô hình kinh doanh đa cấp, lấy tiền người sau trả tiền người trước.

Trong bối cảnh các hình thức lừa đảo kiếm tiền online nở rộ với chiêu thức núp bóng các mô hình kinh doanh mới, các chuyên gia cảnh báo, nhà đầu tư phải rất thận trọng với các mô hình kinh doanh siêu lợi nhuận, cảnh giác khi xuống tiền. Trên thực tế, các công ty quảng cáo siêu lợi nhuận thường “sập” trong vòng dưới 1 năm kèm theo tiền tỷ của nhà đầu tư cũng bị bốc hơi.

Tin bài liên quan