Hình ảnh và thông điệp về quê, đón Tết xuất hiện mọi nơi. Khắp các cửa ô, con phố chính, đường trục, đường xuyên tâm, các thị dân túa ra khắp nơi, mọi nẻo. Trong đó, phần nhiều như những cánh thiên di tìm về quê cha, đất tổ. Số khác, tranh thủ đôi chiều chợ, kiếm thêm một cái Tết đủ đầy hơn.
Với Hà Nội, tôi chỉ là kẻ ngụ cư. Theo nghề mãi chẳng giàu. Thậm chí, có đôi lần, tôi thử đổi vận sang làm nghề khác, nhưng loay hoay mãi, 15 năm ở đất Thủ đô tôi vẫn chưa thể kiếm cho mình mảnh đất cắm dùi.
Thi thoảng nghĩ cũng thấy tủi.
Cách đây vài hôm, anh bạn thân gọi điện bảo: “Bao giờ ông về thế? Về hai thằng xuống thị trấn làm cây quất cho nó xuân nhỉ. Mà nhà mới tát ao, đang giam con trắm đen ngon lắm, để lâu sợ nó gầy”.
Rồi còn mấy cuộc điện thoại nữa, mà câu nào phía đầu dây bên kia cũng hỏi: Khi nào thì về? Chuẩn bị Tết nhất đến đâu? Được ở nhà lâu không?,…
Sau những cuộc điện như thế, cùng với nhìn vô số gương mặt rạng rỡ, những ánh mắt lấp lánh niềm vui trên đường về quê, cái niềm tự hào của một người quê lại trỗi dậy.
Tôi có khá nhiều bạn ở Hà Nội, là dân gốc ở đây. Qua nhiều lần trò chuyện, đôi khi tôi cảm giác được sự thèm thuồng rõ rệt của hai phía. Người phố muốn được có quê, để có nơi đi, chốn về. Người quê lại khát khao có nhà ở phố. Riêng những ngày cuối năm này, nếu người phố có được cái thong dong, tự tại thì người quê tuy tất bật, nhưng lại rạng rỡ những niềm vui.
Nhà tôi ở quê, đất từ thời các cụ, tuy chẳng đến mức cò bay gãy cánh nhưng cũng đủ có được mấy gian nhà, một cái sân gạch, một mảnh vườn trồng đủ các loại rau và cây trái. Tôi thấy, thế là đủ.
Nghe các cụ kể, ngày trước đất ở quê rộng lắm. Người ta có thể xin nhau vài chục mét đất. Cả người cho và người nhận đều thấy điều đó bình thường như chuyện xin/cho nhau mớ rau, con cá. Càng ngày, đất quê càng chật hơn, dân số thì đều đều giãn nở, chỉ có đất bao năm vẫn vậy, chẳng đẻ thêm được tẹo nào. Vì thế, đất quê cũng có giá hẳn lên.
Bữa trước về quê, lên trên bến xe ngồi tám chuyện, mới biết, giờ chẳng phải chỉ ở Hà Nội, đất quê mảnh đẹp giờ cũng tiền tỷ.
Bà bác tôi (tôi hay gọi vui là hãng thông tấn vỉa hè), nhà ngay cạnh bến bảo:
- Trước đất ở đây có ai ngó ngàng, từ ngày có bến xe, rồi đất Bác cũng được cắm làm nhà. Đất nhà ở cũng lan dần ra chỗ đất ruộng. Miếng đất ngã tư kia, có giá hơn 2 tỷ đồng.
Tiền tỷ là một khái niệm còn khá xa lạ với người dân quê, ngày trước, kể cả mua lô đất cũng chỉ tính bằng chỉ vàng, cây vàng hay tấn thóc. Giờ thì, đất đẹp là tiền tỷ. Thế mới biết, câu nói của các cụ ngày xưa: “Tấc đất tấc vàng” là chính xác vô cùng.
Quê tôi áp sông Hồng, người ta hay dùng khái niệm trong đê, ngoài đê để chỉ các khu dân cư, mà lành ranh chính là con đê làng to lừng lững. Nhà tôi ở trong đê, ngoài đê số gia đình ở ít hơn, phần vì đất ven sông chật chội, phần vì ngày xưa hay bão lũ, người ta không thích ở ngoài. Bên bến sông, là cả một xóm chài, khi đông cũng lên đến năm, sáu chục mái thuyền.
Người vạn chài sống khá vất vả. Một năm có 3 – 5 tháng họ dời đi nơi khác. Tôi nhớ không nhầm, họ lại neo thuyền sang phía bờ bên kia. Đó là vào những tháng mùa mưa, dòng sông lắm giông, nhiều lũ. Thời gian còn lại, họ lại về và làm sôi động cả một dải đê. Điều này lặp lại bao năm, tự nhiên như việc đám trẻ ngày ngày đi học trên con đường đê đầy sỏi. Chẳng mấy khiến ai bận tâm. Nhưng những ngày tạm cư bến khác, đứa trẻ nào đang theo học cũng lại đành dở dang. Có lẽ vì vậy mà đến tận những năm cuối 90, cả một cộng đồng đông đúc ấy mới chỉ có một người tốt nghiệp đại học.
Tôi có đứa bạn học cùng, từ lớp 3 đến lớp 5. Lên lớp 6 thì bỏ học. Sau này thi thoảng vẫn có dịp gặp nhau. Nếu với người mặt đất, việc sinh được mấy cậu con trai, sau nỗi mừng vui là cả nỗi lo mua đất, cất nhà, thì tương tự, với dân vạn chài, lại là cấu chuyện sắm con thuyền mới.
Giữa sông có xã tên gọi Tân Đức (trước thuộc quản lý hành chính của huyện Ba Vì, nhưng đến năm được bàn giao về thành phố Việt Trì, Phú Thọ). Cách đây chừng mười lăm năm, bãi lở Tân Đức bị dòng sông “ăn”mất khá nhiều đất, thế là có cả một cuộc di cư lớn. Dân xã Tân Đức được bố trí tái định cư rải rác ở các xã trong huyện, cả ở các tỉnh khác. Nhà nước hỗ trợ đất, tiền làm nhà.
Cùng đận đó, rất nhiều dân vạn chài cũng thích lên bờ. Họ ồ ạt mua đất, cất nhà. Ấy nhưng vài năm sau, hình như cái trào lưu lên mặt đất sống lắng xuống, nhiều người dân vạn chài, cả người Tân Đức lại một lần nữa “chuyển nhà”. Kẻ quay về với con thuyền lênh đênh trên sông nước, người tìm về với mảnh đất lúc lở, lúc bồi ngày nào hoặc khu định cư mới do thành phố Việt Trì bố trí.
Dường như với dân vạn chài, bao đời sịnh ra, lớn lên và cả mất đi gắn với mặt sông, cái bước chân bông bênh không thích hợp lắm với nhà đất. Tôi cứ bị cảm giác, người ta đã hình thành thói quen, nếp nghĩ tự bao đời, dù muốn thay đổi lắm, nhưng cái tiếng gọi của nguồn cội, của cái gốc sâu xa vẫn luôn thao thức. Và với họ, có lẽ mảnh đất cắm dùi không quá quan trọng, vì ván thuyền chính là mặt đất vững chãi, quen thuộc, thân thương nhất.
Chiều 23 Tết, nhìn ánh mắt đám trẻ vạn chài náo nức chờ năm mới (dù họ chủ yếu theo đạo Thiên chúa) tôi lại cảm thấy cái háo hức của Tết đã đến thật gần với tất cả mọi người. Và trong lúc đưa ông Táo về trời, tôi cũng vẫn xin cầu như mọi năm, có điều, năm nay không còn quá tha thiết chuyện kiếm mảnh đất cắm rùi nữa, mà xin nhiều hơn cho sức khỏe cả gia đình, cho công việc hanh thông.
Trộm nghĩ, thế cũng nhiều rồi.