Từ trước Tết đâu chừng nửa tháng, nhiều gia đình đã sửa sang lại nhà cửa. Tôi còn nhớ, những ngày áp Tết, bố tôi lại đạp chiếc xe cọc cạch xuống tận chợ thị trấn để mua ve về trang trí.
Ngày đó, ve xanh, ve vàng là phổ biến hơn cả. Và cứ y rằng, khi thấy bố tháo tung cái chổi chít cũ mòn ra, rồi buộc vào một cây trúc cán dài, là bọn trẻ chúng tôi biết rằng, Tết đang ngập ngừng đâu đó.
Màu xanh lá mạ làm cho ngôi nhà thêm sáng sủa và mang khí tượng của mùa Xuân, còn màu vàng tranh lại là lớp áo mới rất hợp cho ngôi nhà với cái sân gạch đỏ.
Một sáng sớm nghỉ học, bố đánh thức mấy chị em tôi dậy sớm, mỗi người mỗi việc, đứa khiêng bàn ghế, giường tủ, đứa chạy lăng xăng để ông sai vặt.
Rồi từng nhát chổi đầu tiên thẫm nước ve màu in trên tường nhà, ngay ngắn, thẳng tắp. Năm nào cũng vậy, quét nhà xong là đến lượt quét lại cái tường hoa thấp thấp, rồi nếu vẫn còn dư nữa thì bố tôi lại quét cả lên các chậu hoa. Chắc ông nghĩ, chúng cũng xứng đáng được mặc áo mới một lần.
Tết quê, niềm vui đến không chỉ trong những ngày từ mồng 1 đến mồng 4, mà cái háo hức của những ngày áp Tết lớn hơn nhiều.
Nhộn nhịp, tất bật nhất là ngày 30, năm nào mà tháng thiếu chỉ có 29 ngày, thì còn tíu tít nữa. Mọi công việc hầu như phải xong trước buổi chiều để tối đến chỉ còn lo hoàn thiện, trau chuốt lại.
Chiều 30, mẹ tôi thường đun một nồi nước mùi già thật to cho cả nhà cùng tắm. Mẹ bảo, làm vậy để tẩy trần, đón năm mới với nhiều may mắn. Chiều tối, thông thường tôi làm nhiệm vụ giữ chân con gà trống thiến cho bố cắt tiết, trước lúc cắt, bố bảo: “Tao hóa kiếp cho mày nhé! Tao hóa kiếp cho mày nhé!”.
Ngày bé chẳng hiểu mô tê gì, tôi cứ tưởng bố nói chuyện với tôi, trong khi mắt lại nhìn mãi con gà. Sau này mới hiểu, đó là thói quen của người quê khi giết mổ một con vật mình nuôi.
Năm nào cũng vậy, sau bữa cơm chiều 30, tôi chỉ loanh quanh ở nhà một lúc, rồi như kiến bò chảo nóng, tôi lại tụ tập ở địa điểm nào đó đã hẹn trước với đám bạn. Cả đám lên kế hoạch chơi bời cho mấy ngày Tết và đêm 30 là đêm để họp bàn, nghị sự. Con bạn làm thủ quỹ của xóm vanh vách đọc các khoản chi tiêu, từ tiền liên hoan, ăn uống, cho đến tiền thăm hỏi, hiếu hỉ… Cả nhóm lại hào hứng góp tiền duy trì quỹ xóm cho cả năm sau với rất nhiều kế hoạch hoành tráng (nhưng chưa năm nào thực hiện được, trừ việc mỗi năm liên hoan một hay hai bận).
Ảnh Shutterstock
Đêm 30, người quê có thói quen xem tivi để thức đợi giao thừa. Tivi ngày cuối năm có nhiều cái hay, điều lạ, thường thì các ông bố, bà mẹ và các cụ già chăm chú bên màn hình. Bố mẹ tôi thì hay sốt ruột, cứ loanh quanh hết bếp lại trên nhà, rà soát các thứ để chuẩn bị cho mâm cúng. Năm thì con gà, năm thì cái chân giò lợn, đơn giản thôi, nhưng đó là công việc mà các cụ mất ối thời gian. Cùng những cái Tết, tôi dần cảm nhận được sự linh thiêng, nghiêm túc đó.
Rồi còn những điều cấm kỵ, năm nào mẹ tôi cũng dặn đi, dặn lại, chắc bà sợ đám con đoảng hay quên, nhỡ gây ra điều gì không hay thì mất giông và mang tiếng. Nào là trong mấy ngày Tết, nhà cửa quét xong chỉ được vén rác vào góc nhà, nào là cấm sang nhà hàng xóm vào buổi sáng mồng 1, sợ chưa ai xông nhà thì mất giông, nào là cấm xin lửa, nào là nghĩa vụ những ngày Tết là phụ giúp bố mẹ trông nhà, đón khách,...
Năm nào cũng vậy, từ tối 28, 29, mẹ tôi đã ngâm sẵn mấy cân gạo nếp, đãi sẵn đỗ xanh, để sớm mai, khi mấy chị em tôi còn say ngủ là bà đã dậy đãi gạo, vớt lên cái rá tre to cho ráo nước, đun sẵn nồi nhân đậu xanh. Bố tôi thì sắp xếp lại mớ lá rong, cẩn thận cắt từng chiếc, xếp ngay ngắn để phân loại và gói bánh vuông, bánh dài.
Khi bố gói bánh thì thường bật lên một đĩa nhạc vàng với dăm ba bài ca xưa cũ, kiểu như: “Xuân này con không về”, “Thư Xuân trên rừng cao”, “Mừng tuổi mẹ”..., bọn tôi thì cứ loanh quanh bên nồi nhân đỗ, thi thoảng lại bốc, nhót một miếng đỗ xanh cho vào miệng ngon lành.
Năm nào nhà cũng gói ngần ấy cân nếp, nhưng mẹ tôi thường đồ thừa nhân, phần để cho chị em tôi có cái ra ngóng vào trông, phần để còn nấu chè với mật mía cho mấy chị em và đám trẻ con trong xóm.
Ảnh Shutterstock
Rồi nồi bánh chưng cũng sôi lên ùng ục, khói thẽ thọt lan tỏa, quẩn lên ngọn cây nhãn. Những gốc tre, gốc củi được để dành cả năm giờ phát huy tác dụng trong việc tạo nên một nồi bánh thật rền, thật kỹ. Thường thì ban đầu, khi đun nồi bánh thấy lăm tăm sủi bọt, bố tôi sẽ dừng cho củi, để nồi bánh và bếp nghỉ chừng một giờ. Sau đó đun vừa lửa cho sôi liên tục, bên cạnh luôn có một nồi nước nóng để chế thêm. Bố bảo, đun vậy vừa nhanh, bánh lại rền và lâu lại gạo. Chỉ từ những việc nhỏ nhoi như thế, tôi thấy mình cũng học được nhiều điều.
Quê tôi vẫn giữ được nhiều nề xưa, nếp cũ. Sáng mồng 1, hầu hết các gia đình đều đi chúc Tết nội, ngoại, mọi người đi bộ quanh làng, tiếng cười nói, chào hỏi, chúc Tết râm ran. Những đại gia đình đông con, nhiều cháu, có khi có đến mấy chục người, các cụ già không giấu nổi niềm vui trong ánh mắt, đám trẻ nhỏ tung tăng, còn những người nhỡ tuổi thì lại điềm tĩnh đến lạ.
Nhà tôi nằm trong những gia đình có “tông to, họ lớn”, với cụ tổ là người duy nhất được phong danh hiệu “Lưỡng quốc Thượng thư” (ở cả Việt Nam và Trung Quốc), đấy cũng chính là điều mà con cháu dòng họ thêm kính, thêm yêu và tự hào. Năm nào cũng vậy, vào đêm giao thừa hay ngày mồng 1, các gia đình đều lên nhà thờ tổ thắp nén nhang, vừa tỏ lòng thành kính, vừa xin cụ phù hộ, độ trì cho một năm hanh thông và may mắn.
Trong các ngày Tết, các cụ già cả trong làng vẫn kể cho con cháu nghe về những sự tích, những điều hay, câu chuyện tốt đẹp mà quê tôi có được. Đó là một làng quê với đầy đủ tam thanh: Tiếng đọc thơ, bình văn của kẻ sĩ, tiếng thoi reo lách cách của thôn nữ và tiếng nô đùa của con trẻ.
Những ngày Tết quê luôn mang lại nhiều cảm xúc và những dư vị khó quên. Ngày Tết quê tôi giờ cũng có nhiều đổi thay, nhưng những nề xưa, nếp cũ may mắn vẫn được duy trì và được các thế hệ cháu con tiếp nối.
Hôm nay, ngồi tại mảnh đất Thủ đô ngàn năm văn hiến trong một ngày áp Tết, tôi lại muốn viết vài dòng về Tết quê, Tết xưa, Tết nay, bởi tôi luôn thầm cám ơn những nếp quen đó đã giúp tôi chống chọi với bao giông bão cuộc đời, giữ được cho mình một tâm hồn bình tâm và thanh thản.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com