Thỏa thuận thương mại giai đoạn một giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa được ký kết, dù đã được Tổng thống Mỹ Donald Trump giới thiệu từ tháng 10.
Việc này khiến giới doanh nghiệp càng cảm thấy thiếu chắc chắn về tương lai.
Mỹ thậm chí còn đang cứng rắn hơn với Trung Quốc trong vấn đề Hong Kong – thành phố có tầm quan trọng rất lớn với Bắc Kinh. Vài giờ trước khi Diễn đàn Kinh tế Mới khai mạc tại Trung Quốc hôm thứ năm (21/11), các nghị sĩ Mỹ thông qua dự luật Dân chủ và Nhân quyền Hong Kong.
Theo đó, Mỹ sẽ đánh giá hàng năm về việc liệu Hong Kong có đủ tự chủ để tiếp tục hưởng các ưu đãi thương mại và kinh tế hay không. Trung Quốc đã lên tiếng chỉ trích dự luật này.
Tại diễn đàn ở Trung Quốc, cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger nhận định hai nước đang "tiến gần đến Chiến tranh lạnh".
Xung đột không được giải quyết có thể gây ra các vấn đề "còn tồi tệ hơn" Thế chiến I. Phó chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn cũng kêu gọi hai nước từ bỏ "tâm lý Chiến tranh lạnh".
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm qua cho biết muốn có một thỏa thuận dựa trên "sự bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau". Dù vậy, kể cả khi thỏa thuận này được ký kết sớm, ý nghĩa nó mang lại có thể cũng không lớn.
"Khi nhìn vào nội dung thỏa thuận, tôi cảm giác như chúng ta chỉ đang trèo ra khỏi cái hố mình vừa tự đào", Anja Manuel – nhà phân tích tại hãng tư vấn RiceHadleyGates cho biết trên CNN. Đồng ý gỡ bỏ thuế nhập khẩu và khôi phục việc mua nông sản chỉ giải quyết những vấn đề "tự chúng ta tạo ra".
Nếu không có tiến triển có ý nghĩa, các doanh nghiệp vẫn sẽ giảm đầu tư, kéo tụt tăng trưởng toàn cầu.
Và kể cả nếu Mỹ và Trung Quốc đạt thỏa thuận về các vấn đề liên quan đến thương mại, một số chuyên gia cho rằng vẫn còn nhiều vấn đề lớn hơn cần giải quyết, như đảm bảo cạnh tranh công bằng về các tiến bộ công nghệ, ví dụ 5G hay trí tuệ nhân tạo.
Do dự và thận trọng là không khí bao trùm diễn đàn tại Bắc Kinh tuần này. Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp cố gắng không tỏ ra bênh vực hay phản đối bên nào.
Còn một số lại không ngần ngại chỉ trích. Cựu chuyên viên đàm phán thương mại Mỹ Charlene Barshefsky cho rằng Trung Quốc đã chuyển từ "hàng thập kỷ mở cửa và cải cách sang chủ nghĩa trọng thương", "trợ cấp lớn, bảo hộ thương mại và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ".
Barshefsky cũng nhận định quan hệ giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới sẽ vẫn còn nhiều thách thức, dù có thỏa thuận thương mại hay không.
"Mức độ căng thẳng vẫn sẽ tăng lên theo thời gian, khi Mỹ và Trung Quốc ngày càng đối đầu nhiều hơn", bà cho biết.
Việc này sẽ gây khó cho hàng nghìn doanh nghiệp đang phải dựa vào thị trường Trung Quốc để có hàng tỷ USD doanh thu. Các công ty nước ngoài vốn từ trước đến nay đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, do Trung Quốc hỗ trợ mạnh tay cho doanh nghiệp nước này.