Chiến tranh công nghệ Trung - Mỹ ra sao khi các nước đang phát triển chọn bên?

0:00 / 0:00
0:00
Mỹ và Trung Quốc sẵn sàng cạnh tranh gay gắt về công nghệ mạng và truyền thông ở các nước đang phát triển, nơi đóng vai trò ngày càng lớn trong mạng lưới toàn cầu trong thập niên tới.
Lựa chọn hệ thống viễn thông của các nước đang phát triển sẽ tác động đến quỹ đạo phát triển của các nhà cung cấp mạng lớn nhất thế giới và có thể biến thập niên tới trở thành thập niên quyết định của cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung. Ảnh tư liệu: AFP

Lựa chọn hệ thống viễn thông của các nước đang phát triển sẽ tác động đến quỹ đạo phát triển của các nhà cung cấp mạng lớn nhất thế giới và có thể biến thập niên tới trở thành thập niên quyết định của cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung. Ảnh tư liệu: AFP

Lý giải cho nhận định trên, giới phân tích cho rằng hơn một nửa dân số toàn cầu đang bị hạn chế hoặc không có quyền truy cập Internet, nhưng số quốc gia đang phát triển được kết nối internet sẽ tăng lên trong thập niên tới.

Nhật báo South China Morning Post dẫn nhận định của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) rằng, xu hướng trên có thể định hình lại các mạng lưới toàn cầu khi 9 trong số 10 siêu đô thị toàn cầu mới sẽ xuất hiện ở châu Á và châu Phi vào năm 2030 và hai châu lục này được dự báo sẽ chiếm 90% mức tăng dân số toàn cầu vào năm 2050.

Trong Báo cáo "Mạng lưới toàn cầu năm 2030" (Global Networks 2030) công bố tháng trước, Trung tâm CSIS lưu ý rằng, lựa chọn hệ thống viễn thông của các nước đang phát triển "sẽ tác động đến quỹ đạo phát triển của các nhà cung cấp mạng lớn nhất thế giới" và có thể biến thập niên tới trở thành thập niên quyết định của cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung.

"Các quốc gia có thể bị mắc kẹt bởi chi phí thay thế cao khi sử dụng các thiết bị (công nghệ - BTV)", báo cáo của CSIS nêu rõ. Các chuyên gia CSIS cho rằng, khi nền kinh tế của các quốc gia này phát triển lên, các công ty công nghệ sẽ giành thị phần và điều này sẽ quyết định các khoản đầu tư vào nghiên cứu và phát triển của họ.

Trong cuộc cạnh tranh ở các thị trường đang phát triển, Trung Quốc đã nâng cấp tầm nhìn của mình bằng dự án "Con đường tơ lụa số" - một phần trong chiến lược đầu tư cơ sở hạ tầng của Bắc Kinh, Sáng kiến "Vanh đai, Con đường" (BRI). Được công bố vào năm 2015, "Con đường tơ lụa số" cung cấp cho các quốc gia các khoản viện trợ cải thiện mạng lưới viễn thông, phạm vi phủ sóng internet băng thông rộng, thương mại điện tử, và hệ thống thanh toán di động.

Theo đó, Trung Quốc đã ký các biên bản ghi nhớ với ít nhất 16 quốc gia ở châu Phi, châu Á, Mỹ-Latinh, Trung Đông, và châu Âu. Dự án "Con đường tơ lụa số" đã xây dựng hơn 30 tuyến cáp quang đất liền xuyên biên giới và hơn 10 tuyến cáp ngầm dưới biển quốc tế với các quốc gia trong "Vành đai, Con đường". Hơn nữa, khoản viện trợ của Bắc Kinh cho cơ sở hạ tầng kỹ thuật số tại châu Phi đã vượt qua khoản chi của các nước châu Phi, các tổ chức đa phương, và các nước G7 cộng lại.

Ông Lu Chuanying, Giám đốc Trung tâm quản trị không gian mạng quốc tế tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải đánh giá, các công ty công nghệ Trung Quốc có sức cạnh tranh tốt hơn doanh nghiệp Mỹ. "Các nước đang phát triển cần những sản phẩm giá rẻ, trong khi giá cả các sản phẩm Trung Quốc lại thấp hơn", ông Lu Chuanying lý giải.

"Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng của những quốc gia này thường kém phát triển, đòi hỏi thiết bị phải hoạt động được trong điều kiện địa lý và môi trường khí hậu đặc biệt hoặc khắc nghiệt. Doanh nghiệp Trung Quốc có lợi thế trong việc đáp ứng các yêu cầu này, vì các ứng dụng của Trung Quốc được thiết kế đáp ứng yêu cầu đa dạng và phức tạp", vị chuyên gia nêu.

Mặc dù Mỹ vẫn chưa đưa ra tầm nhìn về các mạng lưới toàn cầu, nhưng báo cáo của CSIS đã xác định một số lợi thế mà Washington vượt trội hơn so với Bắc Kinh trong lĩnh vực này do Mỹ nắm trong tay các viện nghiên cứu hàng đầu, công ty điện toán đám mây hàng đầu thế giới, cùng các đối tác và đồng minh có "mối quan hệ lịch sử và thương mại sâu sắc tại các thị trường mới nổi quan trọng".

"Về vấn đề viện trợ cho các nước đang phát triển, Mỹ có lợi thế ở cấp chiến lược và chính sách, vì những khoản viện trợ đó từ lâu đã trở thành một trong những chiến lược quốc tế quan trọng của nước này", ông Lu Chuanying nói.

Ông Zhang Ruoyu, giảng viên kỹ thuật viễn thông tại Đại học Khoa học và Công nghệ Nam Kinh đánh giá, Mỹ và Trung Quốc có thể phô diễn những thế mạnh khác nhau, dù chuỗi cung ứng đôi khi có sự chồng chéo giữa các quốc gia. Vị này nói: "Mỹ sở hữu một số công nghệ cốt lõi độc quyền trong lĩnh vực viễn thông mà Trung Quốc không có. Nhưng do dòng chảy sản xuất, Mỹ đang phụ thuộc vào Trung Quốc hoặc một số nước Đông Nam Á trong lĩnh vực này".

"Thách thức lớn của Trung Quốc trong việc quảng bá sản phẩm của mình tại các nước đang phát triển, là làm thế nào để đảm bảo chất lượng của thiết bị và chi phí được duy trì ở mức thấp", ông Zhang Ruoyu nêu.

Tin bài liên quan