Chiến thuật đường vòng của Chủ tịch Tasco

Chiến thuật đường vòng của Chủ tịch Tasco

(ĐTCK) Sự kiện ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch CTCP Tasco, một doanh nghiệp đại chúng, vốn không thuộc “họ” Giao thông Vận tải, được bầu vào vị trí Chủ tịch Tổng công ty Xây dựng Thăng Long, mới được cổ phần hóa, hồi đầu năm nay được giới đầu tư chú ý. Ông Dũng được đánh giá là một doanh nhân có tầm, có bản lĩnh, để chèo lái các doanh nghiệp đầu tàu.

Đi bằng hai chân

Tasco là doanh nghiệp từng thuộc Bộ Xây dựng, khi cổ phần hóa vào năm 2000 chỉ có vốn điều lệ 7 tỷ đồng và là doanh nghiệp có quy mô rất nhỏ. Từ năm 2001, dưới tài chèo lái của ông Dũng, doanh nghiệp đã phát triển nhanh, mạnh và hiện có vốn điều lệ 846 tỷ đồng. Tháng 4 vừa qua, doanh nghiệp đã phát hành thành công 200 tỷ đồng, huy động vốn từ phát hành riêng lẻ. Ông Dũng là 1 trong 24 doanh nhân tiêu biểu được vinh danh tại Giải thưởng Bản lĩnh doanh nhân lập nghiệp E&Y 2011.

Có thế mạnh trong ngành xây lắp, song ông Dũng không chỉ bó hẹp hoạt động của Công ty với các dự án đường giao thông. Vài năm trước, ông định hướng, Tasco sẽ tham gia vào lĩnh vực cầu, một trong hai “chân” quan trọng của hệ thống hạ tầng. Cuối năm 2013, Tasco bỏ ra 79 tỷ đồng mua cổ phần Tổng công ty Xây dựng Thăng Long (TLG) trong đợt IPO để chuyển đổi mô hình hoạt động từ DNNN sang công ty cổ phần.

Bên cạnh Tasco, nhóm các nhà đầu tư cá nhân cũng bỏ ra số tiền khá lớn để đầu tư vào doanh nghiệp, tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại TLG hiện chỉ còn 35%. TLG là một thương hiệu mạnh trong lĩnh vực xây dựng công trình giao thông, từng trúng thầu nhiều dự án hạ tầng lớn. Bằng cách đi đường vòng, ông Dũng và Tasco đã bước một chân vững chắc vào lĩnh vực nhiều tiềm năng này.

Không chỉ TLG, tại ĐHCĐ 2014 đầu năm nay, ông Dũng cho biết, Tasco sẽ bỏ vốn vào nhiều doanh nghiệp ngành giao thông khác. “Để nâng cao năng lực thi công cầu, HĐQT quyết định tìm kiếm để tham gia liên doanh, liên kết hoặc góp vốn cổ phần vào các tổng công ty nhà nước có năng lực và thương hiệu mạnh trong lĩnh vực cầu, mà Bộ Giao thông Vận tải có chủ trương cổ phần hóa vào năm 2014”, ông Dũng nói.

Giới phân tích tài chính đánh giá, đây là bước đi khôn ngoan của Chủ tịch Tasco, bởi thời điểm này, giá bán cổ phiếu doanh nghiệp ngành giao thông thường chỉ xoay quanh mệnh giá. Trong khi đây lại là những doanh nghiệp “có số có má” trong ngành, có thể giành được các hợp đồng xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng lớn của đất nước, mà các doanh nghiệp “tay mơ” không thể chạm tới. Trong định hướng phát triển, Tasco sẽ tham gia đấu thầu các dự án lớn trong cả nước, nên việc huy động và chứng minh vốn điều lệ với các chủ đầu tư là rất quan trọng và cấp thiết. Riêng năm 2014, các dự án BOT mới (Tasco dự kiến ký hợp đồng năm 2014) có tổng mức đầu tư 2.000 tỷ đồng, thực hiện bằng vốn vay và vốn tự có. Cộng với các dự án đang triển khai, năm 2014, doanh nghiệp cần vốn 2.748 tỷ đồng; trong đó, nhu cầu vốn chủ sở hữu bổ sung là 504 tỷ đồng. 

Với thực trạng của TTCK hiện nay và cổ phiếu doanh nghiệp có thị giá xoay quanh mệnh giá, ông Dũng và Tasco phải tạo được niềm tin rất lớn với đối tác, mới mong huy động vốn thành công. Tháng 4/2014, Công ty đã phát hành riêng lẻ 200 tỷ đồng thành công, tới đây dự kiến phát hành thêm 304 tỷ đồng nữa. Đây là bài toán không đơn giản, nếu cá nhân ông Dũng không đủ uy tín và tầm để nhà đầu tư tin tưởng bỏ vốn vào DN.

Không ngại thay đổi

Đã có nhà báo hỏi về nền nếp được duy trì ở Tasco, trước giờ làm việc, nhân viên có giờ thể dục tập trung, rằng đây có phải cách làm hình thức và do ý chí chủ quan của ông Chủ tịch, ông Dũng thủng thẳng: “Nhân viên được thoải mái lựa chọn cơ mà!”. Đây là một nét văn hóa khá đặc sắc tại doanh nghiệp, với mục đích tạo ra tinh thần sảng khoái, bắt đầu ngày làm việc thật hiệu quả của Công ty.

Khuyến khích nhân viên thoải mái làm việc, sáng tạo, song ông Dũng cũng là người rất nghiêm khắc và không kém phần quyết liệt trong điều hành. Đầu năm nay, Tasco thay Tổng giám đốc, nhân sự mới có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư và có tuổi đời khá trẻ, 38. Việc thay Tổng giám đốc có nhiều nguyên nhân, song một trong những nguyên nhân chính là Tổng giám đốc cũ đã không hoàn thành tốt vai trò của mình. Năm 2013, kết quả kinh doanh của Tasco sụt giảm mạnh. Doanh thu đạt 707 tỷ đồng, tương đương 47,1% so với kế hoạch năm và bằng 62,7% mức thực hiện trong năm 2012. Lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 10,9 tỷ đồng, bằng 6,8% kế hoạch và bằng 25% năm 2012.

Kết quả trên một phần do năm 2013 Chính phủ vẫn tiếp tục cắt giảm đầu tư công, hạn chế việc khởi công các dự án mới; thị trường bất động sản còn trầm lắng, nợ xấu cao. Đặc biệt, trong kế hoạch lợi nhuận năm 2013 bao gồm phần lớn là lợi nhuận của dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ mới Phủ Lý – Mỹ Lộc theo hình thức BT, tại ngày 31/12/2013, dự án đã hoàn thành và thông xe kỹ thuật, nhưng chưa đủ điều kiện ghi nhận doanh thu và lợi nhuận. Song nếu chiểu theo tinh thần “Không bao giờ được thỏa mãn, không bao giờ chịu lùi bước và làm mọi cách có thể để vượt qua thách thức” mà ông Dũng đã dày công xây dựng ở Tasco, thì CEO cũ đã không “tròn vai”.

Một trong những thông điệp vị chủ tịch này gửi tới CEO và Ban Tổng giám đốc mới là “quan tâm và làm tốt hơn nữa công tác giao việc và ủy quyền để giảm tải công việc, tập trung vào công tác quản lý để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh”.

Năm 2014, Tasco đặt kế hoạch lợi nhuận tăng tới 14 lần so với thực hiện năm 2013. Có lẽ bởi vậy mà dù đã thiết lập được hệ thống quản trị như ông Dũng từng chia sẻ “Chủ tịch đi vắng cả tháng, doanh nghiệp vẫn vận hành tốt”, ông cũng phải sát sao hơn. Chính phủ dự kiến chi mạnh hơn cho đầu tư công là một lợi thế của Tasco, song thách thức đối với doanh nghiệp vẫn không ít. Ngoài sức ép cạnh tranh từ những nhà thầu lớn như Vinaconex, Tổng công ty Sông Đà, HUD..., Tasco còn phải đối mặt với tình trạng nợ đọng. Chủ đầu tư các dự án có vốn Nhà nước thường thanh toán chậm vì nhiều lý do, khiến Công ty thường xuyên phải duy trì hệ số nợ ở mức cao, với tỷ trọng nợ ngắn hạn là chủ yếu để tài trợ vốn lưu động trong hoạt động kinh doanh thường ngày. Trong khi đó, hợp đồng BOT và BT mà Công ty đang đảm nhận và được giao vận hành các công trình sau khi hoàn thành để tạo nguồn thu bù đắp chi phí thường kéo dài trong nhiều năm và phụ thuộc vào nhiều yếu tố như lưu lượng giao thông, thuế, phí… Kiểu đầu tư “bỏ tiền tấn, nhặt tiền lẻ” này khiến hiệu quả sản xuất - kinh doanh khó có đột biến, mà chỉ được ghi nhận dần qua các năm.

Với các dự án đổi đất lấy hạ tầng mà Tasco đã và đang triển khai, nguồn thu hoặc lợi nhuận lại phụ thuộc rất lớn vào diễn biến của thị trường bất động sản.            

Tin bài liên quan