Chiến thắng nỗi sợ hãi

(ĐTCK) Đặc thù của một thị trường mà số lượng nhà đầu tư cá nhân, lướt sóng chiếm đa số đã một lần nữa thể hiện rõ trong phiên giao dịch ngày 8/5 khi VN-Index rơi tự do, giảm 33 điểm do ảnh hưởng thông tin liên quan đến vấn đề biển Đông.
Chiến thắng nỗi sợ hãi

Giám đốc một CTCK 100% vốn nước ngoài cho biết, ông nhận được nhiều cuộc điện thoại, đặc biệt là của các nhà đầu tư quốc tế gọi hỏi về lý do vì sao thị trường Việt Nam giảm mạnh thế. Sau khi nghe nói lý do chủ yếu là tâm lý, nhiều nhà đầu tư đã nhận định: “Đây là cơ hội mua vào”. Chỉ số P/E của TTCK Việt Nam sau phiên giảm điểm mạnh đã điều chỉnh về mức tương đối thấp, còn khoảng gần 13 lần so với mức 16 đến 20 lần của thị trường trong khu vực.

Trong số đó, có những cổ phiếu cơ bản mà P/E chỉ khoảng 8-9 lần và có một số cổ phiếu DN vừa và nhỏ mà lượng tiền mặt tương đương giá trị vốn hóa. Cổ phiếu của DN lớn và những DN giá rẻ là 2 mục tiêu cùng được ưu tiên số 1 của các nhà đầu tư nước ngoài hiện nay. Vị giám đốc này cũng tiết lộ, một đối tác nước ngoài vừa hoàn thành mục tiêu mua hơn 30% cổ phần của một công ty trong lĩnh vực giáo dục.

Phiên giảm điểm mạnh ngày 8/5 mang lại cơ hội mua vào ở mức giá hấp dẫn cho nhiều nhà đầu tư tổ chức và cá nhân chuyên nghiệp. Tâm lý hoảng hốt quá mức được xem là rủi ro lớn nhất của thị trường, nhưng không ai có thể phủ nhận, mức giá giảm mạnh hôm 8/5 là điểm bắt đầu cho nhà đầu tư trung hạn và dài hạn.

Đợt “chảy máu” lần này đã sớm được cầm lại nhờ phản ứng kịp thời của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và sự trấn an từ các chuyên gia đầu ngành. Thông cáo báo chí cộng với cảnh báo với đối tượng làm giá của UBCK phát đi chiều ngày 8/5 ngắn gọn nhưng súc tích cho thấy, UBCK đã có kinh nghiệm và có khả năng ứng phó kịp thời trong bối cảnh thị trường hoảng loạn. Trước đó, thị trường cũng từng trải qua một số cú sốc lớn, chẳng hạn cú sốc từ thông tin Bầu Kiên bị bắt hay tin đồn liên quan đến Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà bị bắt hồi đầu năm 2013…

Theo dõi sát giao dịch ngày 8/5 có thể thấy, thị trường có lúc đã phục hồi tương đối nhưng sau đó là giảm mạnh dưới áp lực bán. Điều đó phản ánh diễn biến tâm lý khác nhau trên thị trường, khi nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp đã mua vào và sau đó có chút chững lại khi thị trường phản ứng quá mức với thông tin biển Đông. Sau sự chững lại, họ tiếp tục hành động mua vào nên thanh khoản thị trường tăng vọt, với trên 3.800 tỷ đồng được chuyển nhượng.

Nhà đầu tư đã bán vội vàng cuối tuần qua sẽ hối tiếc? Câu trả lời là chắc chắn, khi thị trường bình tâm và vững vàng trong các phiên tới, chiến thắng nỗi lo ngại mang tên “biển Đông”.

Tin bài liên quan