Số liệu tăng trưởng việc làm của Mỹ trong tháng 12/2023 và tháng 1/2024 đã giảm mạnh, củng cố kỳ vọng của các nhà đầu tư về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất vào tháng 6, trong khi dữ liệu khu vực đồng euro cho thấy tăng trưởng tiền lương và lợi nhuận đang giảm bớt.
Chủ tịch Fed Jerome Powell trong tuần này đã cho biết rằng, Mỹ “không còn xa” để tự tin bắt đầu giảm chi phí đi vay.
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde cũng cho biết, các nhà hoạch định chính sách đã “bắt đầu thảo luận về việc rút lại quan điểm hạn chế”, ăn mừng “tiến triển tốt hướng tới mục tiêu lạm phát”, ngay cả khi “chúng tôi chưa đạt được mục tiêu đó”.
Ludovic Subran, nhà kinh tế trưởng tại công ty bảo hiểm Allianz cho biết: “Tôi thấy các nhà hoạch định chính sách rất ôn hòa…Câu hỏi bây giờ là liệu Fed có đợi đến tháng 9 để cắt giảm lãi suất hay không”.
Dữ liệu việc làm mới nhất của Mỹ cho thấy nền kinh tế đã tạo thêm 275.000 việc làm trong tháng 2, mặc dù vượt dự báo nhưng mức giảm lớn so với tháng trước đó đã củng cố kỳ vọng rằng đợt cắt giảm đầu tiên có thể diễn ra vào tháng 6.
Tại khu vực đồng euro, dữ liệu quý IV/2024 cho thấy chi phí lao động đơn vị và tỷ suất lợi nhuận tăng với tốc độ chậm hơn, làm giảm bớt lo ngại rằng các công ty đang thúc đẩy lạm phát bằng cách đẩy chi phí lao động cao hơn thông qua việc tăng giá mạnh.
Các thị trường đã giảm bớt kỳ vọng vào một loạt đợt cắt giảm lãi suất vào năm 2024 do lạm phát ở châu Âu tỏ ra khó khăn hơn dự kiến và thị trường lao động Mỹ vẫn mạnh mẽ một cách đáng ngạc nhiên.
Nhưng gần đây tình thế đã đảo ngược. Các thị trường hiện đang định giá rằng Fed và ECB sẽ có tới bốn lần cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản trong năm nay. Ngân hàng trung ương Anh (BoE) dự kiến sẽ thực hiện đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên vào mùa hè này khi thống đốc Andrew Bailey lưu ý “những dấu hiệu đáng khích lệ” về lạm phát.
William Vaughan, Phó giám đốc danh mục đầu tư tại Brandywine Global cho biết: “Bây giờ, bạn đã biết ECB nói rằng tháng 4 sẽ có kế hoạch cắt giảm lãi suất và nếu không thì chắc chắn là vào tháng 6…Đó là một sự thay đổi rõ rệt về giọng điệu vào tháng trước và dữ liệu tiền lương yếu hơn ủng hộ quan điểm ôn hòa đó”.
Vào thứ Sáu (8/3), bộ ba người ấn định lãi suất của ECB đã củng cố quan điểm đó. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Pháp François Villeroy de Galhau cho biết, việc cắt giảm lãi suất có thể xảy ra vào tháng 4 hoặc tháng 6. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Phần Lan Olli Rehn cho biết, rủi ro của việc cắt giảm quá sớm đã “giảm đáng kể”. Ngay cả Thống đốc Ngân hàng Trung ương có quan điểm diều hâu của Áo Robert Holzmann cũng cho biết việc thay đổi lãi suất “có thể đang được chuẩn bị”.
Frederik Ducrozet, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế vĩ mô tại Pictet Wealth Management cho biết: “Điều thay đổi trong tuần này là họ dường như đang lấy lại niềm tin vào các mô hình và dự báo của chính mình, điều này đưa họ đến gần hơn với đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên”.
Tuy nhiên, vẫn có một số nhà hoạch định chính sách vẫn duy trì quan điểm diều hâu. Tại Mỹ, Neel Kashkari, Chủ tịch Fed Minneapolis và Raphael Bostic, Chủ tịch Fed Atlanta cho rằng sức mạnh của nền kinh tế Mỹ có nghĩa là Fed không cần phải cắt giảm lãi suất nhiều như các nhà hoạch định chính sách cho là cần thiết, khi họ dự báo sẽ có ba lần cắt giảm lãi suất trong suốt năm nay.
Joachim Nagel, người đứng đầu Bundesbank của Đức thừa nhận rằng, “khả năng ngày càng tăng là chúng ta có thể chứng kiến việc cắt giảm lãi suất trước kỳ nghỉ hè”, nhưng cảnh báo không nên “rơi vào trạng thái hưng phấn quá sớm”.