Việt Nam đang xây dựng định hướng chiến lược phát triển kinh tế dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và cải thiện năng suất lao động. Theo bà, những điều gì là quan trọng giúp cho nền kinh tế Việt Nam có thể thực hiện thành công chiến lược này?
Nhiều năm qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu kinh tế ấn tượng với tốc độ tăng trưởng GDP luôn đứng ở vị trí top đầu của khu vực Đông Nam Á.
Tuy vậy, trong bối cảnh những cơn gió ngược trên toàn cầu đang diễn ra được cho là những yếu tố dẫn đến triển vọng kinh tế trên toàn khu vực tiếp tục sụt giảm, trong đó khu vực Đông Nam Á và Việt Nam không nằm ngoài đà đi xuống này.
Theo báo cáo cập nhật tình hình kinh tế khu vực Đông Nam Á được ICAEW phối hợp với Oxford Economics công bố vào tháng trước, dự báo tăng trưởng của Việt Nam sẽ ở mức 6,3% vào năm 2020 và sau đó giảm xuống khoảng 6% mỗi năm trong giai đoạn 2020 - 2021.
Để tiếp tục giữ được tốc độ tăng trưởng cao và bền vững trong bối cảnh nền kinh tế thế giới kém sôi động, Việt Nam nên đặt mục tiêu ưu tiên vào nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua đổi mới sáng tạo nhằm tăng năng suất lao động.
Bên cạnh đó, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang là xu thế trên toàn thế giới, đem lại cơ hội cho các quốc gia như Việt Nam phát triển nền kinh tế nhanh và bền vững. Bởi vậy, việc đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ nhằm đổi mới sáng tạo trong mọi lĩnh vực của đất nước, từ lĩnh vực công cho đến khu vực doanh nghiệp cần phải được chú trọng.
Cụ thể, Việt Nam cần chú ý điều gì để tận dụng các cơ hội đến từ Cách mạng Công nghiệp 4.0?
Thế giới đang chứng kiến sự thay đổi nhanh chóng trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Nếu chúng ta nắm bắt được lợi thế và có sự chuẩn bị chu đáo trước sự thay đổi này thì sự phát triển của mỗi doanh nghiệp, mỗi nền kinh tế sẽ có lợi thế bứt phá lớn. Ngược lại, nếu các doanh nghiệp chuẩn bị chưa chuẩn bị tốt sẽ dẫn đến sự tụt hậu, ảnh hưởng đến sự phát triển chung của nền kinh tế quốc gia.
Như tôi đã đề cập ở trên, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội lớn giúp Việt Nam tiếp cận thành tựu công nghệ mới, tạo sự bứt phá cho nền kinh tế - xã hội cũng như hướng tới sự phát triển bền vững.
Chúng tôi đánh giá cao quyết tâm, nỗ lực và sự chủ động của Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng chính sách theo từng lộ trình cụ thể tham gia vào cuộc cách mạng này.
Chúng tôi tin tưởng rằng, chính sách thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên tất cả các ngành, lĩnh vực cũng như chuyển đổi số quốc gia, với trọng tâm là phát triển kinh tế số, tiến tới chính quyền số được triển khai thành công sẽ chắp cánh cho Việt Nam vươn lên trở thành một nước công nghiệp hiện đại trong thời gian ngắn nhất.
Vây, các doanh nghiệp nên làm gì để tận dụng được cơ hội này?
Cơ hội to lớn của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại cho các doanh nghiệp rất rõ ràng, nhưng để tận dụng được cơ hội này, cần sự chủ động và quyết liệt của các doanh nghiệp.
Trước hết, các doanh nghiệp cần không ngừng cập nhật các công nghệ tiên tiến để ứng dụng vào sản xuất, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và năng suất lao động.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh số hóa, ứng dụng công nghệ mới như Big Data, IoT… vào thay đổi quy trình làm việc, phương thức quản trị nhằm tiết kiệm chi phí, đồng thời thúc đẩy các quy trình hoạt động nhanh chóng hơn, từ đó nâng cao tính hiệu quả và tính cạnh tranh. Đây là những yếu tố tiên quyết giúp doanh nghiệp phát triển bền vững.
Tuy vậy, để có thể áp dụng và vận hành công nghệ hiện đại trong doanh nghiệp thì nguồn nhân lực trình độ cao đóng vai trò chủ chốt.
Điều này cho thấy, chiến lược dài hạn phát triển con người là điều kiện cần cho mỗi doanh nghiệp trong nền kinh tế 4.0.
Chẳng hạn, trong lĩnh vực tài chính, khi các dịch vụ tài chính có sự thay đổi dưới sự tác động của trí tuệ nhân tạo, blockchain, an ninh mạng và dữ liệu, người hành nghề kế toán cũng thay đổi vai trò và yêu cầu nhiều kỹ năng nghề nghiệp mới.
Cụ thể, sự hỗ trợ của công nghệ sẽ giúp giảm thời gian của kế toán viên trong những công việc lặp đi lặp lại như ghi chép sổ kế toán, lưu trữ, báo cáo và đối chiếu.
Như vậy, người làm kế toán có thể dành nhiều thời gian hơn cho những nhiệm vụ có giá trị cao như phân tích từ dữ liệu, tư vấn chiến lược cũng như các công việc đòi hỏi độ phức tạp và chuyên môn cao.
Nhưng để làm được điều này, các công ty phải liên tục đầu tư vào việc tái đào tạo, nâng cao trình độ của các chuyên gia kế toán và trao đổi với họ về lợi ích của chuyển đổi công nghệ nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững cho doanh nghiệp.
Một trong những nhiệm vụ ICAEW đề ra là đóng góp cho sự phát triển của các địa phương nơi Hiệp hội hoạt động. Bà có thể chia sẻ rõ thêm về điều này?
Kể từ khi thành lập năm 1880, chúng tôi đã luôn đặt mình ở vị trí trung tâm của nghề kế toán để bảo đảm sự tín nhiệm của ngành nghề này. Chúng tôi chia sẻ kiến thức, chuyên môn với các chính phủ, cơ quan quản lý, lãnh đạo doanh nghiệp trên toàn thế giới vì chúng tôi tin tưởng rằng nghề kế toán là một lực lượng có khả năng tạo ra những chuyển biến kinh tế tích cực cho toàn thế giới.
Trên thế giới hiện có hơn 1,8 triệu kế toán công chứng và học viên kế toán công chứng, trong số này có tới hơn 180.000 người là Kế toán công chứng ICAEW. Chúng tôi đào tạo, phát triển, hỗ trợ từng cá nhân trên để họ có được những kiến thức, giá trị bản thân để góp phần xây dựng nền kinh tế địa phương, toàn cầu một cách bền vững, có trách nhiệm, công bằng.
Ông Mark Billington, Giám đốc ICAEW khu vực Đông Nam Á (ngoài cùng bên phải) và ông Ed Vaizey, Đặc phái viên thương mại của Thủ tướng Anh (trái) trao chứng chỉ CFAB cho các học viên ICAEW.
ICAEW sẽ triển khai những chương trình và hoạt động nào tại Việt Nam trong thời gian tới, như là một phần trong nỗ lực giúp đất nước phát triển hơn nữa?
Tại Việt Nam, ICAEW xác định sứ mệnh của mình là góp phần thúc đẩy và nâng cao tính chuyên nghiệp của ngành tài chính, kế toán, kiểm toán bên cạnh việc đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp và cho nền kinh tế của Việt Nam.
Trong gần 5 năm chính thức hoạt động tại Việt Nam, sứ mệnh trên đã được ICAEW hiện thực hóa với nhiều hoạt động tập trung vào 3 mảng quan trọng, gồm: hợp tác với chính phủ, hợp tác với các tổ chức đào tạo và xây dựng cộng đồng vững mạnh những người hành nghề. Trong thời gian tới, chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động này.
Cụ thể, ICAEW vẫn tiếp tục hỗ trợ các cơ quan chính phủ, các nhà hoạch định chính sách thông qua việc đưa các chuyên gia quốc tế hàng đầu trong lĩnh vực này sang Việt Nam chia sẻ kiến thức chuyên môn, đồng thời góp phần nâng cao năng lực cán bộ thông qua các chương trình đào tạo và tiếp cận những nguồn tư liệu của ICAEW trên toàn cầu.
Chúng tôi đã có nhiều hoạt động hợp tác với Bộ Tài chính, Kiểm toán Nhà nước và mới nhất là Bản ghi nhớ hợp tác với Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm đẩy mạnh việc áp dụng khung trình độ quốc gia Việt Nam; đồng thời hợp tác thúc đẩy xây dựng chuẩn đầu ra cho chương trình đào tạo đại học ngành tài chính - kế toán đáp ứng các yêu cầu của ngành nghề.
Bên cạnh đó, ICAEW đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức đào tạo trong nước, các trường đại học nhằm nâng cao chất lượng giảng viên cũng như sinh viên của nhà trường nhằm theo kịp với sự phát triển ngành nghề của khu vực và thế giới.
Ngoài đưa vào đào tạo các chứng chỉ quốc tế được công nhận rộng rãi trên toàn thế giới của ICAEW cho sinh viên, chúng tôi còn hỗ trợ các em các khóa đào tạo kỹ năng mềm, hợp tác các doanh nghiệp tài chính hàng đầu thế giới để mở ra cơ hội nghề nghiệp quốc tế cho sinh viên Việt Nam.
Trong thời gian tới, chúng tôi vẫn tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và phát triển cộng đồng chuyên gia, kết nối các bên liên quan để cùng nhau chung tay giúp Việt Nam phát triển.
Mới đây, chúng tôi vừa phối hợp với UNDP tổ chức chương trình Outreach Day 2019 với chủ đề “17 Mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu” của Liên hợp quốc cho sinh viên tại Hà Nội và TP.HCM, nhằm tuyên truyền và nâng cao nhận thức cho thế hệ trẻ Việt Nam, cùng chung tay vào phát triển nền kinh tế của doanh nghiệp, của từng quốc gia và của toàn cầu một cách bền vững, đảm bảo sự cân bằng với các giá trị cộng đồng và xã hội.