Chiến lược nào cho Ngân hàng Chính sách xã hội đến 2030?

Chiến lược nào cho Ngân hàng Chính sách xã hội đến 2030?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngày 10/5/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 622/QĐ-TTg về kế hoạch hành động quốc gia thực hiện chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, theo đó đặt ra các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Việt Nam, trong đó có vai trò của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH).

Cơ hội và mục tiêu

Thông tin về sự hiệu quả trong hoạt động của NHCSXH giai đoạn 2011 - 2020, TS. Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) minh chứng qua những con số.

Theo đó, tốc độ tăng trưởng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách bình quân đạt 9,82%/năm, dư nợ đến cuối năm 2020 gấp 2,5 lần so với cuối năm 2010, với gần 6,5 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách đang còn dư nợ.

Tổng hòa chung cả giai đoạn 2011 - 2020, vốn tín dụng chính sách đã giúp trên 21,5 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, gần 3,7 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho trên 2 triệu lao động từ Quỹ quốc gia về việc làm…

Góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2011 - 2015 từ 14,2% xuống 4,25%, giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều từ 9,88% năm 2016 xuống dưới 2,9% năm 2020. Chất lượng tín dụng chính sách tại NHCSXH luôn được đảm bảo: tỷ lệ nợ quá hạn các chương trình tín dụng chính sách đến cuối năm 2020 là 0,23%/tổng dư nợ, giảm 0,75% so với năm 2010. Tỷ lệ nợ quá hạn của NHCSHX luôn thấp hơn nhiều so với mục tiêu tại Chiến lược phát triển NHCSHX giai đoạn 2010 - 2020 là dưới 3%.

Tuy nhiên, với bối cảnh mới nảy sinh nhiều diễn biến phức tạp, khó lường như thời điểm hiện nay, hoạt động của NHCSXH Việt Nam sẽ phải thích ứng với một số thách thức sâu hơn, đặc biệt thách thức về nguồn lực tài chính cho mở rộng chức năng và chất lượng hoạt động.

Trong chiến lược phát triển của NHCSXH chỉ ra những cơ hội từ xu thế phát triển của nền kinh tế, bên cạnh cơ hội từ điều chỉnh luật pháp, cơ chế chính sách.

Trong đó, chú trọng sử dụng tín dụng chính sách thay thế cho các hình thức cấp phát tới các đối tượng là hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác - vốn là những khách hàng truyền thống và thân thuộc với NHCSXH.

“Khi các chính sách được triển khai, NHCSXH sẽ có một khối lượng lớn khách hàng được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi. Khi Chính phủ thực hiện chính sách Chính phủ điện tử, NHCSXH còn được chia sẻ nguồn dữ liệu quốc gia, giúp quản lý vốn tín dụng chính sách hiệu quả hơn”, một lãnh đạo cao cấp NHCSXH cho biết.

Bên cạnh đó, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động mạnh mẽ tới sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, khoa học công nghệ hiện đại đang dần được ứng dụng vào mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội.

Trong đó, ngành ngân hàng là một trong những lĩnh vực chứng kiến những tác động mạnh mẽ từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với sự ra đời của hàng loạt công nghệ mới ứng dụng trong lĩnh vực tài chính.

Trước những thuận lợi đặt ra, mục tiêu tổng quát là tăng cường nguồn lực cho NHCSXH để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách theo các nội dung của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Nâng cao năng lực hoạt động của NHCSXH để phát triển theo hướng tự chủ, ổn định, bền vững, đủ năng lực để thực hiện tốt tín dụng chính sách xã hội của Nhà nước cho các đối tượng chính sách xã hội theo quy định.

Cụ thể, tăng cường nguồn lực cho NHCSXH để thúc đẩy tăng trưởng vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước cho mục tiêu an sinh xã hội, giảm nghèo bình quân hàng năm khoảng 10%; cơ cấu nguồn vốn theo hướng ổn định, tự chủ, trong đó nguồn ngân sách nhà nước cấp theo lộ trình đến năm 2025 đạt 40%/tổng nguồn vốn, tiến tới đến năm 2030 đạt 50%/tổng nguồn vốn.

Nguồn lực cấp cho NHCSXH được tổng hợp vào vốn đầu tư công trung hạn theo Luật Ngân sách Nhà nước và Luật Đầu tư công.

Đồng thời, đẩy mạnh nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương theo Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư.

Theo đó, phấn đấu đến năm 2030, nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương chiếm 15%/tổng nguồn vốn. Tăng nguồn vốn huy động, trong đó nguồn vốn từ phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh chiếm từ 30%/tổng nguồn vốn. Phấn đấu tỷ lệ nợ quá hạn dưới 2%/tổng dư nợ.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế đánh giá cao NHCSXH trong việc thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách xã hội được Chính phủ giao và các chương trình tín dụng do các địa phương, các tổ chức, đơn vị giao vốn ủy thác. Đảm bảo 100% đối tượng chính sách xã hội đủ điều kiện có thể tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, phát huy hiệu quả theo mục tiêu các chương trình tín dụng.

Ngoài ra, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng và bảo toàn nguồn vốn. Kết hợp đồng bộ khi thực hiện các chương trình tín dụng với tập huấn, tuyên truyền, chuyển giao khoa học kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm của chính quyền địa phương.

Nâng cao khả năng tự chủ

TS. Tô Đức, Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo nhận định, trong quá trình triển khai các chương trình tín dụng chính sách đối với người nghèo và các đối tượng chính sách cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế.

Một trong những tồn tại là nguồn lực từ ngân sách nhà nước cấp phát cho nguồn vốn một số chương trình tín dụng chính sách đôi khi còn chậm, chưa đảm bảo kế hoạch đã được phê duyệt, chưa đồng bộ đối với một số chính sách làm ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn vay.

Ông Đức nêu quan điểm, các địa phương cần ưu tiên bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Hỗ trợ về cơ sở vật chất, địa điểm, trang thiết bị, phương tiện làm việc nhằm nâng cao năng lực hoạt động của NHCSXH. Các địa phương thuộc khu vực dân tộc thiểu số và miền núi cần xây dựng dự án đặc thù, phù hợp với điều kiện, đặc điểm của từng địa phương, vùng miền.

Theo ông Đức, cần bố trí vốn đầu tư phù hợp đạt hiệu quả thiết thực. Vốn tín dụng chính sách xã hội được đảm bảo theo hướng đáp ứng đủ nhu cầu vay của hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số để thực hiện dự án sản xuất - kinh doanh phát huy hiệu quả cao nhất.

Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước duy trì tiền gửi 2% tại Ngân hàng Chính sách xã hội.

TS. Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước

Ngoài ra, phối hợp hiệu quả giữa các hoạt động khuyến công, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ sản xuất đồng bộ theo chuỗi từ sản phẩm đầu vào đến sản phẩm đầu ra, giúp hộ nông dân mạnh dạn đầu tư, yên tâm sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa có chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường mở.

Tương tự, PGS.TS. Tô Ngọc Hưng, Hiệu trưởng Trường đại học Hòa Bình cho rằng, cần bảo đảm đủ nguồn vốn tài chính để tăng tính chủ động trong thực hiện các chính sách tín dụng. Nguồn vốn cho các chương trình chính sách của Nhà nước tới người nghèo thông qua NHCSXH hiện nay đã và sẽ tiếp tục đóng vai trò tiên quyết trong việc đưa tín dụng ưu đãi tới những người nghèo đang cần vốn để vươn lên trong cuộc sống.

“Do vậy, Nhà nước cần bảo đảm cấp đủ nguồn vốn cho các chương trình, nhưng NHCSXH cũng không chỉ dừng lại ở việc trông chờ vào nguồn vốn ngân sách, nguồn vốn ủy thác từ địa phương, mà bản thân cần phải đa dạng hóa các nguồn vốn thông qua nhiều phương thức huy động phù hợp với điều kiện thực tế”, ông Hưng nói.

Từ phía Ngân hàng Nhà nước, TS. Nguyễn Tuấn Anh cho biết, cơ quan quản lý sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung nguồn vốn ngân hàng cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn, gắn kết tín dụng chính sách với tín dụng thương mại nhằm tạo điều kiện cho các hộ nghèo và đối tượng chính sách khi hết thời gian vay vốn ưu đãi có thể tiếp cận với nguồn vốn tín dụng thương mại, giúp người dân ổn định làm ăn, thoát nghèo bền vững.

“Tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước duy trì tiền gửi 2% tại NHCSXH; bố trí các nguồn vốn phù hợp đầu tư trái phiếu do NHCSXH phát hành góp phần tạo nguồn vốn ổn định, dài hạn thực hiện các chương trình tín dụng chính sách”, TS. Nguyễn Tuấn Anh nói.

Dẫu vậy, PGS.TS Ngô Tuấn Nghĩa, Viện trưởng Viện Kinh tế chính trị học (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) khuyến nghị, trong dài hạn, NHCSXH bên cạnh việc nâng cao khả năng tự chủ cần tính tới việc sẵn sàng trong cạnh tranh đấu thầu các nguồn lực tín dụng chính sách xã hội khi mà việc thực hiện các cam kết quốc tế về tự do hóa tài chính theo yêu cầu của quá trình hội nhập trở thành bắt buộc thực hiện. Cần sớm có những trù tính về xu hướng này để luôn ở thế chủ động thực hiện tốt các chương trình chi tiêu của Chính phủ về an sinh xã hội thông qua yêu cầu của các thể chế hội nhập mà Việt Nam là thành viên.

Tin bài liên quan