Đây là một trong những ý tưởng được Chủ tịch UBCK Nhà nước Trần Văn Dũng, Chủ tịch SSI Nguyễn Duy Hưng cùng một số chuyên gia bàn luận tại cuộc tọa đàm do ndh.vn tổ chức vừa qua.
Chủ tịch UBCK cho biết, các quy định liên quan đến công bố thông tin (CBTT) trên thị trường chứng khoán Việt Nam là theo chuẩn mực quốc tế, thậm chí có những quy định cao. Chẳng hạn, theo chuẩn mực quốc tế, DN phải công bố báo cáo tài chính hàng quý, hàng năm có kiểm toán. Còn tại Việt Nam, DN niêm yết phải công bố thêm báo cáo 6 tháng soát xét.
Mặc dù khuôn khổ pháp lý chặt chẽ, nhưng số DN vi phạm CBTT vẫn nhiều. Năm 2018, UBCK đã ban hành gần 400 quyết định xử phạt, trong đó hơn 50% là vi phạm CBTT. Bên cạnh đó, chất lượng quản trị công ty chưa cao. So sánh giữa ASEAN hay ASEAN 6 thì quản trị công ty của các DN Việt Nam ở mức thấp nhất.
Theo ông Phan Lê Thành Long, Giám đốc Viện Quản trị Công chứng Úc, nhiều đơn vị CBTT có “vấn đề”, nhưng quy trình pháp luật không thể bắt bẻ. Hiện nay, những bất cập không chỉ đến từ vấn đề thực hành công bố BCTC, mà còn đến từ chính hệ thống, đặc biệt là chuẩn mực kế toán. Cụ thể, Việt Nam đang nằm trong 12 quốc gia đi một con đường riêng về kế toán, chứ không theo chuẩn quốc tế. Đây là vấn đề khiến DN niêm yết gặp vướng mắc trong công bố báo cáo tài chính, dẫn đến chất lượng báo cáo cũng bị ảnh hưởng.
Tại Mỹ, mỗi năm có khoảng 300 trường hợp bị Ủy ban Chứng khoán buộc phải trình bày lại báo cáo tài chính, nhưng ở Việt Nam thì chưa có trường hợp nào như thế, bởi khó có thể giám sát được chất lượng CBTT tài chính thế nào.
Về thông tin phi tài chính, ngoài báo cáo tài chính còn có báo cáo thường niên, báo cáo bất thường…, nhưng tính minh bạch và độc lập trong CBTT chưa cao. Đặc biệt, CBTT trong tương lai (thông tin dự báo như trong bản cáo bạch), vốn được các chủ thể tham gia thị trường dựa vào đó để ra quyết định nhiều nhất, nhưng nội dung này chưa được kiểm chứng, chưa có một quy định cụ thể, hoặc khuyến khích minh bạch hóa thông tin trong tương lai.
Ông Trần Đình Cường, Tổng giám đốc Ernst & Young Việt Nam kiến nghị, cơ quan quản lý cần thể hiện vai trò lớn hơn đối với thị trường, tăng cường kiểm tra, giám sát sẽ giảm được những ý đồ không tốt của các chủ thể tham gia. Bà Nguyễn Thị Nguyệt Anh, chuyên gia về quản trị công ty của Tổ chức Tài chính Quốc tế đánh giá, cốt lõi của vấn đề đến từ quản trị công ty, do đó cần quan tâm tới mô hình quan trị của DN.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch SSI cho rằng, rất nên nâng chuẩn các DN trong VN30, VNX50 bằng việc yêu cầu phải kiểm toán bởi các công ty uy tín nhất để cải thiện niềm tin của nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư ngoại về TTCK Việt Nam. “Khi chúng ta xây dựng tốt nhóm đầu thì sẽ các DN khác đi theo, giống như nhiều năm trước đây, chúng ta đã nỗ lực kêu gọi các DN lên niêm yết”, ông Hưng nói. Cùng với đó, có các chế tài xử phạt nặng hơn đối với đối tượng vi phạm như cấm huy động vốn lần tiếp theo, cầm hành nghề…, chứ không chỉ đơn thuần dừng lại ở việc phạt tiền.
Chủ tịch UBCK nhìn nhận, để cải thiện chất lượng CBTT, mỗi thành viên tham gia thị trường đều cần phải thay đổi. UBCK đang cân nhắc đánh giá tác động của việc nếu yêu cầu các DN trong VN30, VNX50 áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế sẽ ra sao. Về kiểm toán, hiện có 27/30 DN trong VN30 có Big4 kiểm toán, đây cũng là điểm UBCK sẽ cân nhắc trong nỗ lực nâng chuẩn minh bạch trên thị trường.
Theo Chủ tịch UBCK, để thị trường minh bạch, nỗ lực của một đơn vị riêng lẻ nào đều không đủ, quan trọng nhất là “phải đi cùng nhau”, cơ quan quản lý, cơ quan kiểm toán, báo chí, các tổ chức độc lập, nhà đầu tư… Thực thi “chiến lược hình quả mít” với sự nỗ lực của các mắt xích, chắc chắn sẽ cải thiện sự minh bạch trên TTCK Việt Nam