Chiến lược đầu tư theo lạm phát bị ảnh hưởng khi Fed thay đổi lập trường

Chiến lược đầu tư theo lạm phát bị ảnh hưởng khi Fed thay đổi lập trường

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Reflation trade (giao dịch theo kỳ vọng lạm phát) từng thống trị thị trường tài chính kể từ khi vắc xin Covid-19 xuất hiện vào năm ngoái hiện đã bị dập tắt sau khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) bất ngờ báo hiệu sự thay đổi lập trường của mình về lạm phát.

Giá hàng hóa giảm trong khi giá trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ dạn dài tăng cao hơn sau khi các quan chức Fed trong tuần này phản ứng với dữ liệu lạm phát mạnh bất ngờ bằng cách đưa ra dự báo của họ về thời điểm có thể bắt đầu tăng lãi suất sớm hơn kỳ vọng. Đồng USD cũng có tuần tăng tốt nhất kể từ tháng 9/2020 vào thứ Sáu (18/6).

Sự thay đổi lập trường của Fed đánh dấu một bước thụt lùi lớn đối với các nhà đầu tư. Vì kỳ vọng Fed sẽ không sớm tăng lãi suất, giới đầu tư đã đổ xô mua chứng khoán để có thể được hưởng lợi từ lạm phát cao hơn và đặt cược rằng sự kết hợp của chính sách tài khóa và tiền tệ đặc biệt dễ dàng và nền kinh tế toàn cầu hồi phục sau đại dịch Covid-19 sẽ khiến giá cổ phiếu tiếp tục tăng.

Quan điểm mới của các quan chức Fed đã làm dấy lên nghi ngờ về mức độ áp lực lạm phát thực sự mà Fed sẵn sàng chịu đựng. Fed cũng báo hiệu rằng họ sẽ sớm bắt đầu thảo luận về thời điểm giảm chương trình trái phiếu trị giá 120 tỷ USD/tháng.

"Nếu bất kỳ lúc nào Fed nhận ra sự đột ngột của lạm phát và họ đưa ra những chính sách để kiềm chế lạm phát, tại sao bất kỳ nhà đầu tư nào lại lo lắng về lạm phát dài hạn quá cao? Fed càng lo ngại về lạm phát quá cao, thì thị trường càng không nên quan tâm", Michael Pond, người đứng đầu nghiên cứu liên quan đến lạm phát toàn cầu tại Barclays cho biết.

Krishna Guha, phó chủ tịch Evercore ISI cho biết, các động thái bán tháo tại thị trường chứng khoán Mỹ hôm thứ Năm (17/6) đã xảy ra khi một số nhà đầu tư buộc phải cơ cấu danh mục khi thị trường đi ngược lại với kỳ vọng của họ.

Bên cạnh đó, giá nguyên liệu thô cũng sụt giảm mạnh trong tuần này. Chỉ số Hàng hóa Bloomberg đã giảm hơn 4,5% trong tuần này, đây cũng là tuần tồi tệ nhất của giá hàng hoá kể từ khi đại dịch xuất hiện.

Giá đồng đã giảm hơn 7,5% trong tuần này trong khi gỗ xẻ giảm gần 15%. Giá vàng cũng chịu áp lực giảm 4,5% trong tuần này.

Giá hàng hóa cũng bị đè nặng bởi đồng USD tăng giá. Mặt khác, giá kim loại đã bị ảnh hưởng bởi quyết định giải phóng một số kim loại dự trữ chiến lược của Trung Quốc để giúp kiềm chế giá.

“Sức mạnh của đồng USD gần đây đã dẫn đến áp lực bán tháo ở các mặt hàng được sản xuất tại thị trường mới nổi. Tuy nhiên, các chiến lược gia ngoại hối của chúng tôi đã xem tác động của cuộc họp Fed như một cơn gió thoảng qua. Họ tiếp tục dự báo sự suy yếu của đồng USD trên diện rộng do đồng tiền này định giá cao và sự phục hồi kinh tế toàn cầu đang ngày càng mở rộng”, Jeff Currie, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa tại Goldman Sachs cho biết.

Tuy nhiên, một số tài sản khác đã được hưởng lợi. Lợi tức Kho bạc Mỹ dài hạn và các chứng khoán khác được hưởng lợi từ áp lực giảm lạm phát như trái phiếu doanh nghiệp được đánh giá cao, đồng USD và nhiều cổ phiếu công nghệ lớn.

Lợi tức trái phiếu trái phiếu Mỹ kỳ hạn 30 năm đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2 và ở mức 2,07% vào thứ Sáu (18/6), giảm so với mức 2,21% trước cuộc họp của Fed do giá trái phiếu tăng mạnh.

Quy mô của sự thay đổi trên thị trường trái phiếu lớn nhất thế giới là một dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư đang bắt đầu đặt câu hỏi về cam kết của Fed đối với chế độ nhắm mục tiêu lạm phát mới linh hoạt hơn. Kể từ năm ngoái, Fed đã cho biết họ sẽ để lạm phát vượt quá mục tiêu 2% để cân bằng thời kỳ lạm phát thấp.

Tuy nhiên, bất chấp những động thái sau cuộc họp Fed vừa qua, một số nhà đầu tư vẫn giữ niềm tin với giao dịch dựa vào kỳ vọng lạm phát.

Mark Dowding, giám đốc đầu tư của BlueBay Asset Management cho biết, kế hoạch giảm bớt việc mua tài sản của Fed cuối cùng sẽ ảnh hưởng đến giá trái phiếu và buộc lợi suất cao hơn. Fed chỉ đơn giản là phản ứng với dữ liệu lạm phát mạnh hơn dự kiến ​​ thay vì thực hiện một thay đổi cơ bản đối với chính sách của mình.

“Phương pháp tiếp cận lạm phát mục tiêu trung bình vẫn còn nguyên vẹn, cũng như tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ. Mặc dù điều này đã gây thất vọng, nhưng đó là một trong những khoảnh khắc với tư cách là một nhà đầu tư khi chúng tôi phải kiên định với quan điểm của mình”, ông cho biết.

Tin bài liên quan