Không phải đến bây giờ, khi cư dân Khu đô thị cao cấp Phú Mỹ Hưng phải mặc thêm nhiều lớp áo kính cho căn nhà của mình vì chịu không nổi mùi hôi thối từ bãi xử lý rác thải Đa Phước, khi lũ lụt lịch sử tràn đến miền Nam, quét qua miền Bắc, miền Trung với những hiện tượng chưa từng thấy, khi những đợt nắng nóng nung chảy mặt đường hay những trận rét chết trâu, chết bò, người ta mới giật mình nhận thấy vai trò quan trọng của phát triển bền vững.
Ông Karl Falkenberg, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Ủy ban châu Âu đã nói tại một hội thảo cách đây 3 năm: “Một nghịch lý là khi các nước đang phát triển như Việt Nam ngày càng thoát khỏi đói nghèo thì nhu cầu tiêu dùng cao sẽ làm cạn kiệt nhanh chóng các nguồn tài nguyên không thể tái tạo, khiến chi phí cho các nhu cầu trở nên đắt đỏ hơn. Đồng thời, nhu cầu ngày càng tăng cũng sẽ tạo ra một khối lượng chất thải khổng lồ”.
Giờ đây, ai cũng thấy hậu quả nhãn tiền do biến đổi khí hậu mang lại. Hàng nghìn ki - lô - mét vuông Đồng bằng sông Cửu Long đã bị ngập mặn xâm thực, hàng triệu người dân bị ảnh hưởng đến sinh kế và tổn thất lớn tới GDP.
“Ô nhiễm môi trường do chất thải rắn, nước thải, khí thải tại các đô thị, dân cư, khu công nghiệp, khói bụi và ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM ngày càng trầm trọng”, ông Nguyễn Thế Đồng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường thừa nhận.
Hành động, hành động và hành động
17 mục tiêu đã được đặt ra trong Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, ban hành kèm theo Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, Chính phủ nhấn mạnh đến việc đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững, toàn diện, liên tục, tạo việc làm đầy đủ, năng suất và việc làm tốt cho tất cả mọi người; đảm bảo sản xuất và tiêu dùng bền vững…
Có quá nhiều việc phải làm để từng bước đạt được những mục tiêu được coi là rất tham vọng. Mà một trong số đó bắt đầu từ “bộ lọc” đầu tư, có thể thấy rõ qua thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Việt Nam luôn cầu thị những nhà đầu tư có chiến lược phát triển bền vững, kiếm tiền có trách nhiệm và không làm tổn hại đến môi trường.
Bài học từ sự cố môi trường ở 4 tỉnh miền Trung trong năm 2016 luôn có tính thời sự. Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, các ngành, địa phương phải thu thút đầu tư có chọn lọc, kiên quyết từ chối những dự án công nghệ lạc hậu, ảnh hưởng xấu đến môi trường.
Thực ra, từ 5 năm trước, Chính phủ đã xác định thu hút FDI hướng đến các ngành công nghệ cao, công nghệ mới, thân thiện với môi trường, ít sử dụng tài nguyên, ít tiêu hao năng lượng và cũng ít thâm dụng lao động. Nay điều này càng được đặt ra quyết liệt hơn, khi mà những năm gần đây, để ứng phó có hiệu quả với nguy cơ hiệu ứng nhà kính, nhiệt độ trái đất tăng, thuật ngữ “nền kinh tế xanh” (Green Economy) đã xuất hiện, với nội hàm của phát triển bền vững, ổn định kinh tế vĩ mô, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm công bằng xã hội, đồng thời đầu tư vào năng lượng tái tạo, nông nghiệp bền vững, giảm lượng khí thải carbon và ô nhiễm môi trường.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh tới mục tiêu “xanh hóa sản xuất” mà Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đã đặt ra. Theo đó, Việt Nam sẽ thực hiện một chiến lược “công nghiệp hóa sạch” thông qua rà soát, điều chỉnh những quy hoạch ngành hiện có, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, khuyến khích phát triển công nghiệp xanh, nông nghiệp xanh với cơ cấu ngành nghề, công nghệ, thiết bị đảm bảo nguyên tắc thân thiện với môi trường, đầu tư phát triển vốn tự nhiên; tích cực ngăn ngừa và xử lí ô nhiễm…
Những chỉ tiêu cụ thể đã được đặt ra. Đó là đến năm 2020, giá trị sản phẩm ngành công nghệ cao, công nghệ xanh trong GDP là 42 - 45%; tỷ lệ các cơ sở sản xuất - kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường là 80%; áp dụng công nghệ sạch hơn 50%; đầu tư phát triển các ngành hỗ trợ bảo vệ môi trường và làm giàu vốn tự nhiên phấn đấu đạt 3-4% GDP.
Muốn xanh hóa sản xuất, muốn tăng trưởng xanh, bên cạnh thể chế được điều chỉnh để tạo động lực kéo các doanh nghiệp, nhà đầu tư thay đổi, có lẽ quan trọng hơn phải bắt đầu từ tư duy và hành động của mỗi thành viên thị trường.
Quả ngọt cho những người tiên phong
Giáo sư Phan Văn Trường, một trí thức yêu nước từng đảm nhận vị trí điều hành một số tập đoàn lớn trên thế giới, cố vấn thương mại của Chính phủ Pháp đã định nghĩa một cách dễ hiểu về phát triển và phát triển bền vững của doanh nghiệp: “Một doanh nghiệp được xem là tăng trưởng khi các chỉ số như doanh thu, lợi nhuận, thị phần tăng so với mốc thời gian như quý trước, cùng kỳ năm trước.
Nhưng nếu doanh nghiệp đó vắt kiệt sức lực của người lao động, không ưu tiên cho phát triển nguồn nhân lực, không quan tâm đến cộng đồng, tàn phá môi trường thì doanh nghiệp đó không thể xem là phát triển. Chỉ khi nào, tăng trưởng kéo theo sự phát triển của cộng đồng, doanh nghiệp mới mong đạt được tính bền vững: Phát triển con người, phát triển vốn liếng, phát triển môi trường”.
Nhìn rộng ra nền kinh tế VIệt Nam, những tập đoàn, doanh nghiệp chú trọng và đáp ứng được những tiêu chí trên đều đạt sự tăng trưởng liên tục, sản phẩm dịch vụ được thị trường đón nhận và giá trị cổ phiếu được đánh giá cao trên thị trường chứng khoán. Không khó để gọi tên những doanh nghiệp đó, như Đạm Cà Mau, Vinamilk, Vicostone, Traphaco, Nhựa Tiền Phong, Carlsberg…
Trong định hướng phát triển nền kinh tế, Việt Nam đang nỗ lực tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, thay vì tăng trưởng dựa vào vốn và khai thác tài nguyên như trước đây, sẽ tăng trưởng bằng năng suất lao động, bằng khoa học - công nghệ… Đây cũng chính là những trụ cột dẫn dắt hướng đi bền vững của các doanh nghiệp.
Làm được điều này, các nguồn lực của nền kinh tế, như đất đai, khoáng sản… được phân bổ và sử dụng hiệu quả hơn, nền kinh tế cũng sẽ tăng trưởng cao và bền vững hơn. Những mục tiêu được cho là đầy tham vọng trong Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững cũng sớm thành hiện thực.
GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư
Tuy chưa đến mức báo động đỏ về khí thải và môi trường như Trung Quốc, nhưng nhiều tổ chức trong nước và quốc tế cũng cảnh báo tình trạng đáng lo ngại của Việt Nam, khi khói bụi ở một số thành phố đã vượt xa mức tiêu chuẩn, nhiều dòng sông và ao hồ đã ô nhiễm đến mức không thể sử dụng nước sạch cho con người và nuôi trồng thủy sản. Dịch bệnh mới có nguy cơ bùng phát trên diện rộng, tác động của biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng ở khắp các vùng miền của đất nước.