Cổ phiếu nhóm ngành năng lượng (dầu khí, điện) là một trong những nhóm ngành được đánh giá cao cho chiến lược đầu tư tháng 9/2022.
Nhịp giảm ngắn
Trước khi xuất hiện nhịp giảm 1,4% trong 2 phiên 26 và 29/8, VN-Index lùi về 1.270,8 điểm (có thời điểm xuống dưới 1.250 điểm), thì chỉ số đã có đợt hồi phục kéo dài gần 2 tháng với tổng mức tăng 12%, từ 1.150 điểm lên gần 1.289 điểm.
Theo thống kê của Công ty Chứng khoán BIDV (BSC), trong giai đoạn hồi phục, toàn thị trường có hơn một phần ba số cổ phiếu tăng giá trên 10%, trong đó hơn 10% số mã tăng giá trên 30%. Xét theo nhóm ngành, có 18/19 nhóm ngành tăng điểm, mức tăng trên 10% gồm có dịch vụ tài chính, bán lẻ, dầu khí, vật liệu xây dựng…
VN-Index được kỳ vọng tiếp tục tăng điểm, nhưng diễn biến chung của thị trường thế giới là giảm giá đã ảnh hưởng đến thị trường Việt Nam, sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phát biểu ngày 26/8 rằng, cơ quan này sẽ sử dụng các công cụ một cách mạnh mẽ để chống lại lạm phát, đồng nghĩa với lãi suất có khả năng tiếp tục tăng mạnh
Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, một nhà đầu tư bám sàn nhiều năm nhận xét, thị trường đang thiếu vắng các thông tin hỗ trợ từ phía doanh nghiệp khi hầu hết doanh nghiệp đã công bố lợi nhuận quý II, trong khi chưa có ước tính quý III. Các yếu tố tích cực của số liệu vĩ mô và mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II đã phản ánh tương đối đầy đủ vào nhịp tăng vừa qua, kết hợp với nhu cầu chốt lời gia tăng khiến thị trường khó tránh khỏi nhịp điều chỉnh.
Thực tế, VN-Index trong 2 phiên trước kỳ nghỉ lễ vẫn có sắc xanh, đóng cửa phiên 31/8 tại 1.280,5 điểm. Tuy nhiên, ông Tuấn cho rằng, ảnh hưởng của thị trường chứng khoán thế giới đến thị trường Việt Nam trong tháng 9 dự kiến sẽ mạnh hơn và khó lường hơn.
Các số liệu vĩ mô trong nước như lạm phát thấp và tăng trưởng GDP cao cho thấy, Việt Nam đang tạm đứng ngoài chu kỳ tiêu cực trên toàn cầu. Tuy nhiên, vị thế này có thể bị thách thức nếu Fed tăng mạnh lãi suất, tình trạng lạm phát cao và khủng hoảng năng lượng trên thế giới chưa được cải thiện.
Dự báo, dòng vốn giá rẻ từ nước ngoài sẽ cạn dần, nhu cầu tiêu dùng thấp khiến kết quả kinh doanh 2 quý cuối năm nay của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu không đạt kỳ vọng.
Ngoài ra, các nhà đầu tư thường hạn chế giao dịch trước thời điểm tái cơ cấu danh mục định kỳ hàng quý của hai quỹ ETF ngoại có quy mô vốn lớn là V.N.M ETF và FTSE Vietnam ETF (hai quỹ sẽ tái cơ cấu danh mục đầu tư quý III/2022 kể từ ngày 18/9 tới).
Tìm ngành có triển vọng sáng
Theo ông Tuấn, việc lựa chọn cổ phiếu trong tháng 9 sẽ theo hướng thận trọng hơn. Nếu giải ngân thì nên chọn những ngành chưa tăng giá mạnh, những ngành có tính phòng thủ như năng lượng, công nghệ thông tin, thực phẩm, đồ uống, tiện ích và những ngành có triển vọng kinh doanh tốt như hóa chất, ngân hàng.
Ảnh hưởng của thị trường chứng khoán thế giới đến thị trường Việt Nam trong tháng 9 dự kiến sẽ mạnh hơn và khó lường hơn.
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Agribank (AGR) nhận định, kết quả kinh doanh nhóm ngành năng lượng sẽ có sự cải thiện trong nửa cuối năm 2022.
Nhìn rộng hơn, chu kỳ kinh tế các quốc gia lớn đã qua đỉnh tăng trưởng và có thể bước vào suy thoái từ cuối năm nay. Chính sách tiền tệ của hầu hết nền kinh tế lớn theo hướng thắt chặt. Do đó, dòng vốn đầu tư luân chuyển về nhóm doanh nghiệp thuộc ngành nghề phòng thủ với đặc tính thiết yếu, ít biến động so với chu kỳ kinh tế và không bị ảnh hưởng nhiều bởi lạm phát là thuận theo lý thuyết.
“Tôi hiện có đánh giá cao nhóm năng lượng, cụ thể là dầu khí và điện, khi nhóm này phòng vệ lạm phát khá tốt. Đối với nhóm dầu khí, giá dầu thường song hành với lạm phát, nói cách khác, giá dầu là một trong các tác nhân gây ra lạm phát. Vì vậy, có thể kỳ vọng, doanh thu nhóm dầu khí sẽ tăng khi lạm phát tăng. Mặc dù mặt bằng giá dầu đang hạ nhiệt, song vẫn ở vùng cao hơn đáng kể so với trung bình năm 2021 cũng như mức giá dầu cơ sở khi lập kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp dầu khí trong năm nay. Về ngành điện, đây luôn là ngành thiết yếu và ít phụ thuộc chu kỳ kinh tế, trong khi sản lượng đang hồi phục khi nhu cầu tăng hậu Covid-19. Bên cạnh đó, các thông tin về chính sách, Quy hoạch điện VIII, cũng như mặt bằng giá cổ phiếu đã khá phù hợp để đầu tư hưởng cổ tức”, ông Nguyễn Anh Khoa chia sẻ.
Ông Bùi Nguyên Khoa, Phụ trách chiến lược Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) khuyến nghị, nhà đầu tư nên chú ý tới những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh quý III năm ngoái ở mức thấp như nhóm bán lẻ hàng không thiết yếu (năm ngoái, dịch Covid-19 bùng phát dẫn tới phần lớn các cửa hàng phải đóng cửa), hàng không, du lịch (lượng khách du lịch giảm mạnh) hay xây dựng (giãn cách xã hội khiến phần lớn công trình bị đình trệ), vì quý III năm nay nhóm này có khả năng tăng trưởng cao so với cùng kỳ.
Nhóm ngân hàng (với câu chuyện nới room tín dụng), khu công nghiệp (hưởng lợi từ sự dịch chuyển dòng vốn FDI sang Việt Nam và nỗ lực đẩy mạnh đầu tư công của Chính phủ), hóa chất, công nghệ thông tin có kết quả kinh doanh khả quan trong 6 tháng đầu năm 2022 và triển vọng nửa cuối năm vẫn tích cực, trong khi giá cổ phiếu chưa tăng mạnh.
Nhóm thực phẩm, đồ uống cũng được kỳ vọng sẽ đạt kết quả kinh doanh tốt với những sản phẩm mới và nhu cầu gia tăng trong 2 quý cuối năm, hoặc mang tính chu kỳ như mùa Trung thu.
Trong tháng 9 này có mùa tựu trường và đợt mở bán điện thoại Iphone dòng mới, giúp thúc đẩy doanh thu của các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ hàng công nghệ.
Vị chuyên gia của BSC cho rằng, trong bối cảnh các nhóm cổ phiếu phân hóa và dòng tiền không mạnh như hiện tại, chiến lược phù hợp là nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức cân bằng và hạn chế mua mới, hoặc chỉ mua mới với tỷ trọng thấp, do VN-Index chưa vượt qua vùng kháng cự 1.260 - 1.285 điểm.
“Nhiều nhóm ngành vẫn có triển vọng sáng, nhưng giai đoạn hiện tại, nhà đầu tư nên tập trung vào nhóm nước, khí đốt, điện, sản xuất thực phẩm, dầu khí, bán lẻ”, ông Bùi Nguyên Khoa nói.
Nhìn chung, nhóm cổ phiếu mang tính phòng thủ đang được đánh giá cao, nhưng các chuyên gia cũng lưu ý, nhóm này kỳ vọng có tỷ suất lợi nhuận tốt hơn so với các nhóm khác, chứ không phải chắc chắn sẽ mang lại lợi nhuận.