Với phương châm, kênh bán hàng nào có tiềm năng, hiệu quả thì sẽ làm việc với đối tác để phát triển và khai thác khách hàng, các công ty bảo hiểm nhân thọ ngày càng năng động hơn trong việc phát triển thị trường và tìm kiếm người tiêu dùng mới.
“Trong năm 2019, chúng tôi sẽ có ít nhất 4 sản phẩm tập trung vào lĩnh vực sức khỏe, đầu tư, tiết kiệm và sản phẩm online tiếp tục tiếp cận khách hàng ở nhiều khía cạnh khác nhau với chiến lược 3 gọng kìm”, CEO một công ty bảo hiểm nhân thọ chia sẻ với Ðầu tư Chứng khoán.
Theo đó, hãng bảo hiểm này sẽ đầu tư phát triển mạnh 3 kênh phân phối chính là đại lý, bancassurance và các kênh phân phối khác (bán bảo hiểm nhóm cho khách hàng doanh nghiệp, bán hàng qua kênh online).
Ðáng chú ý, cùng với khách hàng cá nhân, hoạt động bán bảo hiểm nhóm sẽ được các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đẩy mạnh trở lại trong năm 2019. Ðây được coi là thế mạnh của các hãng bảo hiểm như Generali, SunLife Việt Nam…
Hiện tại, Generali đang phục vụ trên 500 khách hàng nhóm với 62 nghìn nhân viên. Trong khi đó, mới đây, CEO của AIA tiết lộ, lần đầu tiên, nhóm Nest đã tiếp cận và bán được sản phẩm OptimA cho nhiều doanh nghiệp danh tiếng trong và ngoài nước. Với bước tiến này, Công ty dự kiến phát triển thêm văn phòng Nest thứ 3 trong năm 2019.
Bancassurance và kênh phân phối khác như online được nhìn nhận sẽ tiếp tục là trọng tâm phát triển của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ trong năm 2019. Số liệu phân tích sơ bộ của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cho thấy, năm 2018, doanh thu phí khai thác mới của bancasssurance chiếm gần 20% tổng doanh thu toàn thị trường.
Con số này chưa thực sự ấn tượng, nhưng thực tế là sự phát triển ngoài mong đợi của các doanh nghiệp vì cách đây 1 năm, doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới đến từ bancassurance của toàn thị trường chỉ đạt khoảng hơn 8% tổng doanh thu phí mới, cách đây 2 năm thậm chí chỉ chiếm khoảng 3 - 4%.
Cũng theo thống kê của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, tốc độ tăng trưởng của kênh bancassurance trong năm 2018 là 70%. Như vậy, bancassurance và các kênh phân phối khác đang là những kênh bán bảo hiểm có tốc độ tăng trưởng rất cao, được dự báo sẽ còn phát triển trong nhiều năm tới.
“Trong năm 2019, chúng tôi hy vọng sẽ có thêm nhiều nguồn khách hàng mới từ kênh ngân hàng và có thể ký kết hợp đồng hợp tác với 1 hoặc 2 nhà băng nữa, đưa đóng góp doanh thu khai thác phí mới của kênh bancassurance lên khoảng 30 - 40% tổng doanh thu. Chúng tôi có nhiều cơ hội với các đối tác ngân hàng mới, nhưng vấn đề quan trọng nhất vẫn là làm thật tốt đối với những đối tác đang có. Dịch vụ và uy tín của thương hiệu sẽ là cơ hội để Công ty có thể đẩy mạnh khai thác bancassurance”, bà Tina Nguyễn - Tổng giám đốc Generali Việt Nam chia sẻ với Ðầu tư Chứng khoán tại lễ ký kết hợp tác với ngân hàng CIMB (Malaysia) đầu năm 2019.
Theo đó, Generali đang hợp tác với CIMB để cung cấp sản phẩm liên kết đầu tư Vita - Sống tự tin và Vita - Lá chắn vàng - Bảo hiểm bệnh ung thư. Trong thời gian tới, Vita - Lá chắn vàng là sản phẩm bảo hiểm chủ lực sẽ sớm được triển khai bán online trên các trang thương mại điện tử và qua đối tác.
Nếu như những tháng cuối năm 2018, doanh thu phí mới qua kênh ngân hàng của AIA luôn duy trì ở mức 100 tỷ đồng/tháng, thì năm 2019, hãng bảo hiểm này kỳ vọng sẽ ghi nhận kỷ lục mới với việc mở rộng mạng lưới phục vụ khách hàng tại miền Nam, miền Tây, nhất là khu vực đồng bằng sông Cửu Long qua đối tác ngân hàng mới ký kết là Kiên Long Bank.
Trong khi đó, ông Takashi Fujii - Chủ tịch Hội đồng thành viên Dai-ichi Life Việt Nam chia sẻ: “Công ty đặt mục tiêu doanh thu từ bancassurance trong năm 2019 sẽ tăng ít nhất 30%. Doanh thu phí từ bancassurance chưa thể so sánh với kênh đại lý về quy mô hợp đồng, nhưng giúp chúng tôi đa dạng các kênh bán hàng và tiếp cận được nhiều khách hàng hơn, đặc biệt là phân khúc khách hàng trung lưu”.