Lô vaccine Covid-19 đầu tiên của Pfizer/ BioNTech bắt đầu được đưa đi phân phối trên khắp nước Mỹ. Ảnh: BBC.

Lô vaccine Covid-19 đầu tiên của Pfizer/ BioNTech bắt đầu được đưa đi phân phối trên khắp nước Mỹ. Ảnh: BBC.

Chiến dịch tiêm chủng vaccine lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ: Hy vọng xen lẫn lo âu

0:00 / 0:00
0:00

Việc phân phối vaccine Covid-19 đầu tiên được FDA phê chuẩn đã đánh dấu sự khởi đầu của chiến dịch tiêm chủng hoài bão nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Chiến dịch tiêm chủng hoài bão nhất trong lịch sử nước Mỹ

Việc phân phối vaccine Covid-19 đầu tiên được chính phủ liên bang phê chuẩn đã đánh dấu sự khởi đầu của chiến dịch tiêm chủng hoài bão nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Đây là chiến tích quan trọng mà một quan chức hàng đầu trong chính phủ Mỹ so sánh với cuộc đổ bộ của quân Đồng minh lên bờ biển Normandy trong Thế chiến thứ 2.

Hiện tại, Mỹ đang cố gắng xoay chuyển cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, đến nay đã cướp đi sinh mạng của hơn 306.000 người, khiến hơn 16,7 triệu người nhiễm bệnh và tàn phá nghiêm trọng nền kinh tế nước này.

Sau khi được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép sử dụng khẩn cấp vào ngày 11/12, hôm qua những hộp vaccine đầu tiên của Pfizer/ BioNTech đóng gói dưới dạng đông khô tại nhà máy của Pfizer ở Kalamazoo, Michigan, đã được đưa đi phân phối tại 50 tiểu bang.

Các nhân viên y tế sẽ được tiêm những liều vaccine đầu tiên vào hôm nay. Người già tại các viện dưỡng lão – đối tượng dễ bị tổn thương do dịch bệnh cũng nằm trong diện ưu tiên và sẽ được tiêm phòng vào tuần tới. Mỗi người sẽ được tiêm hai liều vaccine để tạo ra miễn dịch hoàn toàn với virus SARS-CoV-2.

Tiến sĩ Moncef Slaoui, cố vấn trưởng chiến dịch “tiêm vaccine thần tốc” (Warp Speed) cho biết hơn 100 triệu người, tức khoảng 30% dân số Mỹ, có thể được tiêm chủng vào cuối tháng 3/2021.

Theo ông Moncef Slaoui, Mỹ hy vọng sẽ có khoảng 40 triệu liều vaccine đủ phân phối cho 20 triệu người vào cuối tháng 12 này.

Nhiều chuyên gia y tế cảnh báo số ca tử vong và sự gián đoạn trong tiêm phòng có thể kéo dài trong nhiều tháng vì số ca mắc Covid-19 đã tăng vọt tại Mỹ và phần lớn người dân Mỹ sẽ không đủ điều kiện tiêm chủng cho đến mùa xuân tới hoặc muộn hơn.

Các quan chức y tế trước đó từng dành nhiều tháng kêu gọi người dân đeo khẩu trang và tuân thủ nghiêm ngặt quy định phòng chống dịch bệnh, thì bây giờ phải đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn hơn đó là thuyết phục người dân rằng vaccine Covid-19 mới rất an toàn và việc phê chuẩn của FDA không hề chịu tác động từ chính quyền Tổng thống Trump.

Trước đó hôm qua, Tiến sĩ Stephen Hahn, Ủy viên Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã bất đồng với ý kiến của ông Trump khi ông cho rằng vaccine của Pfizer-BioNTech đáng lẽ ra nên được cấp phép sử dụng khẩn cấp cách đây một tuần.

Ông Stephen Hahn nói rằng, FDA muốn đẩy nhanh tiến độ nhưng cũng muốn đảm bảo tính an toàn và hiệu quả của vaccine. Phát biểu với ABC News, ông Stephen Hahn nói: “Chúng tôi có quy trình đánh giá riêng. Chúng tôi đã cam kết với người dân Mỹ rằng sẽ xem xét kỹ lưỡng đơn xin cấp phép vaccine Covid-19 và đó là những gì chúng tôi đã làm”.

Chờ đợi trong niềm hy vọng xen lẫn với lo âu

Trên khắp nước Mỹ, thống đốc và quan chức các bang đang chuẩn bị cho việc tiếp nhận những lô vaccine Covid-19 đầu tiên. Thống đốc Phil Murphy, bang New Jersey nói rằng bang này sẽ bắt đầu tiêm chủng vào ngày 15/12 với đợt đầu tiên gồm 76.000 liều. Tuy nhiên ông cũng hối thúc mọi người không nên lơ là việc thực hiện biện pháp phòng ngừa.

Theo hai nguồn thạo tin, các nhân viên Nhà Trắng làm việc cạnh Tổng thống Trump sẽ sớm được tiêm phòng vaccine.

Nhưng tối qua, sau khi New York Times đưa tin về kế hoạch tiêm phòng của Nhà Trắng, ông Trump đã đăng dòng Tweet nói rằng: “Những người làm việc trong Nhà Trắng nên tiêm vaccine muộn hơn so với kế hoạch, trừ trường hợp đặc biệt cần thiết”.

Khi những chiếc xe tải của FedEx, UPS và máy bay bắt đầu vận chuyển vaccine đến các bệnh viện, cơ quan y tế các bang, phòng khám tại những vùng nông thôn xa xôi hẻo lánh, quan chức trong bệnh viện và nhân viên y tế ở cuối chuỗi phân phối đã chờ đợi trong sự hy vọng xen lẫn với lo âu.

Họ theo dõi sát sao tiến trình vận chuyển. Họ chuẩn bị những tủ đông lạnh theo yêu cầu để bảo quản vaccine của Pfizer ở nhiệt độ âm 94 độ C. Họ cũng hoàn thiện thông tin chi tiết về việc nhân viên nào sẽ được tiêm những liều vaccine đầu tiên.

Do số lượng vaccine được cung cấp rất hạn chế nên nhiều trường hợp sẽ phải chờ đợi và trong thời gian đó họ vẫn có nguy cơ phơi nhiễm với virus SARS-CoV-2. Hơn nữa, vì vaccine sẽ gây ra các phản ứng phụ như sốt hoặc nhức mỏi cơ thể, nhiều bệnh viện cho biết họ sẽ sắp xếp lịch tiêm phòng khác nhau cho các khoa.

Dù các bệnh viện trung tâm tại Mỹ đã có sẵn hệ thống cung cấp và vận chuyển vaccine đến những phòng khám xa xôi, nhưng với loại vaccine Covid-19 mới, họ vẫn phải triển khai các biện pháp an ninh một cách chặt chẽ và nghiêm ngặt hơn để đảm bảo quy trình phân phối diễn ra suôn sẻ.

Vaccine Covid-19 được vận chuyển trên những chiếc xe tải được trang bị cảm biến để theo dõi nhiệt độ, vị trí và mức độ tiếp xúc với ánh sáng.

Nhiều bệnh viện đã lắp đặt các camera an ninh mới, đồng thời giữ bí mật về nơi cất giữ và bảo quản vaccine.

Tiến sỹ Jeff Salvon-Harmon, quan chức phụ trách đảm bảo an toàn cho bệnh nhân tại Cơ quan dịch vụ y tế Presbyterian, điều hành một số bệnh viện tại bang New Mexico cho biết: “Trước những lo ngại về chất lượng của vaccine Covid-19, cũng như nguy cơ xảy ra hành động phá hoại, chúng tôi muốn đảm bảo sự an toàn trong quá trình phân phối và tiêm chủng vaccine mới này”.

Ông Jeff Salvon-Harmon cho biết, trong những tuần tới Cơ quan dịch vụ y tế Presbyterian sẽ tiêm phòng cho toàn bộ nhân viên của cơ quan này với khoảng 15.000 người.

Tại Miami, Hệ thống Y tế Jackson-một mạng lưới các bệnh viện lớn từng điều trị cho hơn 4.700 bệnh nhân mắc Covid-19, đã lên kế hoạch tổ chức các cuộc họp, xây dựng chương trình đào tạo pha chế vaccine và thành lập một đơn vị dược phẩm để phục vụ cho việc tiêm chủng quy mô lớn.

Tin bài liên quan