Lực lượng an ninh kinh tế Công an An Giang bắt tại chỗ một số đối tượng buôn lậu thuốc lá

Lực lượng an ninh kinh tế Công an An Giang bắt tại chỗ một số đối tượng buôn lậu thuốc lá

Chiến công thầm lặng của lực lượng an ninh kinh tế

Vụ án buôn lậu xăng dầu của “Sơn sắt” và đồng bọn chỉ là một trong nhiều vụ án kinh tế lớn mà lực lượng an ninh kinh tế Bộ Công an đã dày công đấu tranh, triệt phá thành công. Song đây có thể coi là một trong những chiến công thầm lặng của lực lượng an ninh kinh tế, bởi lẽ vụ án buôn lậu này khá phức tạp, vừa liên quan đến nước ngoài, vừa liên quan đến địa bàn nhiều địa phương trong nước,được tổ chức bài bản, với thủ đoạn tinh vi.

Công ty TNHH Hoàng Sơn có trụ sở tại số 9 - Triệu Quốc Đạt, TP. Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa), với Phó giám đốc Nguyễn Trường Sơn - có biệt danh “Sơn sắt” và vợ là Giám đốc Nguyễn Thanh Phương,  từ lâu nổi tiếng không chỉ ở Thanh Hóa, mà cả khắp vùng miền Trung. “Sơn sắt” và vợ nổi tiếng không chỉ ở mức độ giàu có, mà còn bởi trong dư luận vẫn râm ran đồn thổi, cặp vợ chồng này “làm ăn lớn”, quan hệ rộng, không ai có thể động tới (!?).

Những người thạo tin còn chỉ rõ, ngày 28/7/2012, lực lượng Hải quan đã bắt giữ 1.439 tấn xăng A92 của Sơn và đồng bọn trên vùng biển Nam Định, khởi tố chuyển Bộ Công an tiếp tục điều tra theo quy định. Tuy nhiên, ngay sau đó, các đối tượng này vẫn tiếp tục hoạt động buôn lậu xăng dầu.

Thủ đoạn buôn lậu của Công ty Hoàng Sơn

Những đồn đoán của dư luận quả không sai. Qua điều tra, xác minh, các trinh sát thuộc Cục An ninh kinh tế tổng hợp, Tổng cục An ninh II (Bộ Công an) phát hiện, Công ty Hoàng Sơn chính là đầu mối của một đường dây buôn lậu xăng dầu quy mô lớn, với những thủ đoạn hết sức tinh vi.

Công ty Hoàng Sơn sử dụng một tàu có trọng tải 5.300 tấn và một tàu mua của nước ngoài, nhưng không nhập khẩu về Việt Nam mà sử dụng quốc tịch nước ngoài để phục vụ hoạt động buôn lậu. Các đối tượng này đã thực hiện vận chuyển từ nước ngoài về Việt Nam mỗi lần khoảng 2.000 đến 5.000 tấn xăng hoặc dầu, mỗi tháng mua và vận chuyển hai chuyến.

Vợ chồng Sơn - Phương thành lập thêm Công ty TNHH Thương mại và Vận tải xăng dầu An Bình (Công ty An Bình) rồi thuê Hoàng Kiếm Bình làm Giám đốc (thực chất, Bình là thủ kho của Sơn) để tiện hoàn thiện các thủ tục, qua mặt cơ quan chức năng.

Mỗi lần giao nhận hàng, Sơn trực tiếp liên hệ, đặt hàng với đối tượng ở nước ngoài, chuyển tiền cho đối tác qua tài khoản.

Nhận đủ tiền, nhóm ở nước ngoài thông báo thời gian, địa điểm (tọa độ trên biển) giao hàng. Khi tàu hàng lậu chuẩn bị đến vùng biển Việt Nam, Sơn chỉ đạo Bình điều tàu đi nhận. Các đối tượng chuẩn bị giấy tờ hợp thức nguồn gốc số dầu lậu một cách hết sức chi tiết và công phu, gồm các phiếu xuất kho và lệnh điều động tàu phù hợp với lượng dầu nhập lậu. Theo thời gian và tọa độ đã được thông báo, các tàu của Công ty An Bình sẽ tiếp cận tàu nước ngoài tại hải phận quốc tế để bơm dầu; sau khi nhận đủ số lượng, hai bên có cử đại diện ký biên bản (tiếng nước ngoài) xác nhận số lượng dầu.

Đáng chú ý là, Sơn chỉ đạo việc chuyển dầu tinh vi để tránh bị cơ quan chức năng phát hiện. Tàu từ nước ngoài về Việt Nam chỉ neo đậu ở vùng biển giáp ranh giữa Nam Định và Thanh Hóa. Sau đó, chúng sử dụng các tàu nhỏ chạy ra địa điểm tàu “mẹ” đang neo đậu để nhận hàng. Các tàu nhỏ vào bờ, bơm xăng dầu vào hai ụ nổi của Công ty Hoàng Sơn đặt cách chân cầu Hoàng Long (Thanh Hóa) khoảng 1 km.

Để hợp thức hóa số xăng dầu này, Phương đều chuẩn bị kỹ lưỡng về hóa đơn, chứng từ để “xuất bán” xăng dầu cho các công ty tại Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên và Nghệ An.

Với quy mô và thủ đoạn như vậy, chỉ tính riêng thuế nhập khẩu, bọn chúng đã trốn khoảng 20 - 25 tỷ đồng/tháng.

Thông tin của trinh sát cho thấy, đây là đường dây buôn lậu xăng dầu trên biển quy mô lớn, tổ chức tinh vi, nguy hiểm. Cầm đầu đường dây buôn lậu này là đối tượng manh động, liều lĩnh, có quan hệ xã hội phức tạp với nhiều đối tượng có tiền án, tiền sự ở Hải Phòng, Quảng Ninh, được trang bị vũ khí “nóng”, sẵn sàng chống trả khi bị phát hiện. Thậm chí, nếu bị phát hiện, các đối tượng còn luôn sẵn sàng xả xăng dầu gây cháy, nổ hòng tiêu hủy tang vật, đe dọa tính mạng, tài sản của nhân dân và lực lượng chức năng.

Phá án mau lẹ, thành công

Trước mức độ phức tạp của chuyên án, lãnh đạo Tổng cục An ninh II đã trực tiếp báo cáo lãnh đạo Bộ Công an, đề xuất kế hoạch đấu tranh, bắt quả tang hoạt động buôn lậu xăng dầu của Công ty Hoàng Sơn.

Được sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo Bộ Công an, Tổng cục An ninh II đã xây dựng kế hoạch trinh sát, lên phương án bắt quả tang đối tượng đang gây án.

Các phương án tiếp cận, bắt quả tang đối tượng gây án được lên chi tiết, chuẩn bị chu đáo, đấu tranh hiệu quả với đối tượng phạm tội, nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia chuyên án.

Vào lúc 4 giờ sáng ngày 17/12/2013, tại cửa Hới - Thanh Hóa, trên 170 cán bộ, trinh sát thuộc Tổng cục An ninh II đã tiếp cận hiện trường, bắt quả tang các đối tượng trên tàu An Bình 126, tàu An Bình 01 và 10 thuyền viên của Công ty An Bình đang hoạt động buôn lậu 1.640 tấn dầu. Cùng ngày, Cơ quan An ninh Điều tra (Bộ Công an) đã ra lệnh bắt, khám xét khẩn cấp đối với 5 đối tượng về tội “Buôn lậu”, quy định tại Điều 153, Bộ luật Hình sự

Trước những chứng cớ không thể chối cãi, các đối tượng Sơn và Phương khai nhận đã mua lậu khoảng 2.600 m3 dầu DO của đối tượng nước ngoài với giá khoảng 20.000 đồng/lít, đặt cọc trước 26 tỷ đồng. Nếu phi vụ này trót lọt, bọn chúng bán lại cho khách hàng Việt Nam khoảng 21.000 đồng/lít để thu lợi.

Đây chỉ là một trong số nhiều vụ án kinh tế lớn mà lực lượng an ninh kinh tế Bộ Công an đã dày công đấu tranh, phá án thành công. Song đây có thể coi là một trong những chiến công thầm lặng của lực lượng an ninh kinh tế Bộ Công an, bởi lẽ vụ án buôn lậu này có quy mô phức tạp, vừa liên quan đến nước ngoài, vừa liên quan đến địa bàn nhiều địa phương trong nước, có cách tổ chức bài bản, thủ đoạn tinh vi.

Hành vi phạm tội của các đối tượng không chỉ xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, mà nghiêm trọng hơn, còn ảnh hưởng rất lớn đến cơ chế, chính sách của Nhà nước về quản lý tiêu thụ xăng dầu, gây lũng đoạn thị trường giá cả trong nước, tác động tiêu cực đến nền kinh tế.

Nếu vụ án không được phá, Nhà nước tiếp tục bị thiệt hại về thuế lên đến hàng trăm tỷ đồng/tháng, đồng thời gây bức xúc, nghi ngờ trong quần chúng nhân dân về tính nghiêm minh của pháp luật.

Đất nước đang bước vào thời kỳ phát triển mới trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực, nhất là tình hình biển Đông có nhiều diễn biến phức tạp. Những yếu tố tiêu cực từ mặt trái của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế tác động không nhỏ đến an ninh chính trị nội bộ, an ninh tư tưởng, an ninh văn hóa, an ninh thông tin, an ninh xã hội và đặc biệt là an ninh kinh tế đang có chiều hướng gia tăng; tội phạm và tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều loại tội phạm mới và các nhân tố đe dọa an ninh phi truyền thống.

Đó là những thách thức đòi hỏi lực lượng Công an nhân dân không ngừng trau dồi, trưởng thành hơn nữa để ứng phó kịp thời, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, đảm bảo an ninh kinh tế để phát triển bền vững, tự chủ. Đó cũng là hành động thiết thực nhất hưởng ứng phong trào thi đua đặc biệt, hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Công an Nhân dân (19/8/2015) vừa được đồng chí Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an phát động.

Tin bài liên quan