Tôi có một cái răng trong số 32, 34 hay 36, những chiếc răng gì đấy đang xếp hàng duyệt binh trong miệng. Rõ khổ, nào ai đã soi gương đếm răng của chính mình bao giờ mà biết mình đang sở hữu bao nhiêu răng. Chỉ biết rằng, tôi có 2 hàm răng và trong đó có một chiếc, nói như các nhà giáo thì nó là chiếc răng vô kỷ luật, không có tinh thần tập thể. Nói như cách nói của cán bộ tổ chức thì nó là chiếc răng có xu hướng bất mãn, là chiếc răng tiêu cực.
Theo cách nói của các nhà luật học thì chiếc răng này gây rối, phá hoại trật tự, sự bình yên trong miệng tôi. Bay bướm hơn như cách nói của mấy bác nhà văn, nhà thơ, thì nó là chiếc răng có tính cách, là chiếc răng nổi loạn. Hoặc như bác sĩ thì gọi đó là chiếc răng bị viêm, hay bằng một tên nào đó dài dằng dặc. Và tóm lại, dễ hiểu nhất, xúc tích nhất như các bà quê ta vẫn gọi là chiếc răng sâu.
Các cụ bảo, “thứ nhất đau mắt, thứ nhì nhức răng”. Nhưng hẳn là trước khi sâu, nó cũng từng bóng bẩy, đẹp đẽ, tươi tỉnh. Tươi như tôi cái ngày được cô bạn nghề giỏi giang dẫn vào con đường chứng khoán. Cơ khổ, vốn chỉ quen cày cuốc trên cánh đồng chữ nghĩa, nào có biết cổ phiếu, cổ phần gì. Nhưng vào cái đận cả thiên hạ rộn lên chuyện sàn xới, mình cũng thấy nóng ruột. Bạn bè ngồi trà thuốc hay bia bọt, cứ dăm ba ông chuyện đông chuyện tây, thể nào cuối cùng cũng quay lại chuyện chứng cổ.
Mà chuyện gì nói mãi thành nhàm, chứ chuyện kiếm tiền nghe nó mê đắm lắm, nhất là “nói có sách, mách có chứng” với những tấm gương “nhãn tiền” của các đấng bậc “mạnh vì gạo, bạo vì tiền” đang ngồi trước mặt.
Có anh trước vốn chân chạy hậu đài cho đoàn kịch, nhà mạn Cổ Nhuế, Dịch Vọng gì đó. Được chút tiền bán đất, rồi chả biết học hành, điều nghiên thế nào mà anh chơi cổ phiếu, giàu lên cứ như trúng số. Gớm, có một dạo kép chính đoàn cũng chả oai bằng anh. Mỗi đận có dịp liên hoan, hội hè, tiếng anh sang sảng vọng ra từ mâm rượu: “Cứ kịch với cọt, không biết làm ăn có phen đói rã họng”, làm mọi người giật mình thon thót…
Tôi cũng “ủ mưu” lên sàn bắt đầu từ những cú giật mình ấy. Công nhận cái tiếng thì thào đọc lệnh, những gương mặt đăm chiêu trên sàn và những mũi tên xanh đỏ của “thần chứng khoán” có sức mê hoặc gớm ghê. Cái cảm giác chiến thắng lại còn mê hoặc ghê gớm hơn. Giờ mới thấy thông cảm cho anh chạy hậu đài, bởi cứ hôm nay mua, sáng mai lại thấy tài khoản mình nở thêm ra 10% mà không chia sẻ được với ai, cái bụng nó cứ tức anh ách, khó chịu lắm…
Sàn xới hồi đó đông như chợ Tết, nhắm chừng lẻo khoẻo chả chen được, lại thêm cô bạn thân rủ đi săm soi mấy công ty chưa lên sàn, tôi đi ngay. Được giới thiệu, “trên sàn ăn bằng dăm mười phần trăm, còn cổ phiếu OTC phải ăn bằng lần”, ai chả ham…
Nhưng rồi bẵng đi một dạo, không nghe thấy tiếng quát sang sảng của anh hậu đài trong mâm rượu. Anh em ngồi trà chén trước cổng cơ quan cũng chả thấy cảnh anh đỗ xịch cái xe hơi, hạ cửa kính xuống hỏi bâng quơ, “rằng có thấy thằng XYZ đâu không” mà chả đợi giả nhời nữa… Đó cũng là lúc mấy cái sổ cổ đông của tôi chuyển địa chỉ về đáy hòm, cùng với các loại bằng cấp, giấy tờ hết giá trị sử dụng.
Nhưng giá trị sử dụng thì hết, còn… giá trị tố cáo vẫn nguyên. Mấy năm nay, biết bao nhiêu bữa cơm được các cụ cho nhắm với món cổ phiếu ế. Chả biết có phải đó là lý do khiến… căn bệnh sâu răng của tôi phát tác.
Bạn có cái xe máy chết máy giữa đường, cái nhà dột lúc mưa, cái áo rách lúc chui hàng rào, thì đó là lỗi do bạn liều lĩnh hoặc không kiểm tra đề phòng trước. Đằng này nó là một cái răng. Một cái răng mới hôm qua còn nhá xương, nhai mía, vậy mà hôm sau lại giở chứng bất ngờ. Ghét nhất là thói bừa bãi vô kỷ luật. Đi làm muốn nghỉ cũng phải xin phép trước, thế mà nó - cái răng sâu - bỗng đùng đùng giở chứng trong giờ phút quan trọng, làm tan vỡ bao hy vọng đang phập phồng chờ đợi trong lòng. Tức lắm chứ! Hận lắm chứ!
Ấy là cái lần tôi ngồi cạnh nàng. Tất nhiên chuyện giao lưu tình cảm thì không thể như các vị nguyên thủ ngồi hội đàm để chuẩn bị ký hiệp ước. Tuy rằng, chúng tôi cũng định ký hiệp ước bằng mồm và ra thông cáo chung bằng một đám cưới trong tương lai nếu mọi việc suôn sẻ. Khi hiệp ước mồm sắp ký, chúng tôi phải hội đàm, nhưng không có điểm 1, 2 rành rẽ được. Toàn những chuyện chẳng ăn nhập gì và lạ cái là có ngồi giữa sa mạc cũng cứ phải thì thào như sợ cả gió nghe thấy. Thế là tôi phải dí cái miệng mình gần cái mặt hoa kia. Mỗi lần cảm xúc như sóng trào dâng, lời ngọc ý vàng trong tôi tuôn ra như suối thì cô nàng yêu dấu của tôi lại… quay mặt đi. Ái chà, nàng e lệ. Sự e lệ rõ ràng là tín hiệu của tình yêu. Anh nào tỏ tình mà người ta cứ trân trân nhìn thẳng vào mặt mình mới sợ chứ. Đến đoạn quan trọng nhất thì cái răng tôi dở chứng. Hắn phóng hàng trăm mũi tên vào óc tôi. Đáng lý vào cái lúc tay tôi phải nhẹ nhàng nắm lấy tay nàng thì giơ tay ra để ôm lấy hàm trái. Đôi lúc gay cấn, ngón tay trỏ phải thô bạo xông vào trong hàm để nhắc nhở sự trật tự của răng nhưng tình hình trong mồm cũng không thay đổi. Chỉ có sự thay đổi là cô nàng đứng lên và “Muộn rồi, về thôi”!
Một tình yêu thất bại chỉ vì một chiếc răng sâu thì phỏng có gì hơn là phải loại nó ra khỏi đời sống hoặc ít ra cũng không thể để nó đứng nguyên trên vị trí cũ. Nhưng tôi vốn là người không dứt khoát. Nó làm hại tôi đấy nhưng nó là của tôi, từ miệng tôi mà lớn lên, trưởng thành. Xét về quá trình thì nó cũng có những cống hiến đáng kể. Phân vân không biết chọn ngả nào tôi đành nhờ vào kết luận khám nghiệm của cơ quan y tế. Người đầu tiên xem xét chiếc răng tôi là cô bác sĩ.
Đem răng sâu đến bệnh viện có khác gì đem nó ra trước tòa án nha khoa. Mà trước khi xét xử phải tìm hiểu, phân tích đánh giá để có quyết định, chứ cứ sâu là nhổ thì cần gì đến bác sĩ. Đúng thế. Cô bác sĩ quyết định hàn xi măng sau một hồi gõ gõ chọc chọc. Thì ra cái răng tôi có tội nhưng chưa đủ lý do bị đào thải. Bằng chứng là ở phòng răng nó không quấy phá, nó hiền khô như mọi chiếc răng khác. Thôi thì phải thông cảm vì răng cũng như người, nó vặn lại “bằng chứng đâu” thì sao!
Không quậy phá nhưng bổn phận cô nha sĩ vẫn phải kiểm tra sự trong sạch của cả hàm răng. Cô lần lượt gõ từng chiếc như người tuần đường gõ gõ từng chiếc đinh ốc trên đường ray xe lửa. Bàn tay cô không chỉ kiểm tra răng, mà còn biết xoa cằm, xoa má của tôi, là đơn vị chủ quản của răng. Âu cũng là chuyện thường tình vì trị cái răng cũng phải biết an ủi cái lưỡi, cái hàm. Biết đâu, sống giữa hàm răng lương thiện lại có xi măng trát vào, cái răng sâu kia lại chả nhận thức ra để nghiêm khắc kiểm điểm, rút ra bài học sâu sắc mà tiến bộ hơn...
Song, chiếc răng sâu của tôi là gã khôn ngoan, cơ hội. Ở phòng răng, gã nhũn như con chi chi, vậy mà về đến nhà được đôi hôm, biết chỉ có tôi với gã, gã lại dở chứng.
Tôi quyết định một lần nữa tìm đến phòng răng. Lần này thì tôi gặp ông bác sĩ.
Phàm ở đời mọi người đều có một sở trường và người ta thường xử lý công việc theo sở trường mà mình có. Giả dụ có sự bất bằng, cô tiểu thư hay ông già lụ khụ sẽ chặc lưỡi mà tự an ủi rằng: tránh voi chẳng xấu mặt nào. Gặp anh có chữ nghĩa, quen đây đó hẳn sẽ ngồi viết đơn thảo sớ mà kiện. Những anh thừa sức khỏe thì cách giải quyết là cơ bắp… Trước cái răng của tôi, ông bác sĩ vốn là người cao to hơn cả ông bác sĩ thẩm mỹ viện Cát Tường, nên biện pháp đầu tiên phải là kìm búa. Có như thế mới đúng cái tội của răng và cũng có thể có như thế mới thấy hết được tất cả sức mạnh dời răng lấp lợi đang nằm trong cánh tay cuồn cuộn cơ bắp của ông.
Ông banh mồm tôi. Ông tiêm. Ông đục. Ông bẻ. Ông lay.
Tôi nằm thườn ra. Chiếc đèn 300W quay quay chập chờn. Ông bác sĩ cũng chập chờn quay quay. Tôi như người đang bơi. Không, mồ hôi đấy. Nhìn ông bác sĩ, ông còn đầm đìa mồ hôi hơn tôi. Rồi cuối cùng, cái răng tôi cũng phải chịu thua với tiếng “keng” rõ kêu của một vật cứng rơi vào chậu sắt.
Tôi soi gương. Môi trên môi dưới tím bầm. Miệng tôi hở ra một lỗ trống hoác. Thì ra là cái răng cửa phải ra khỏi vị trí bởi không chịu đựng và kiên nhẫn được dưới sức mạnh của chiếc kìm mượn làm điểm tựa để bẩy chiếc răng tội lỗi kia. Nhưng thôi, thế cũng là xong, bởi từ nay chiếc răng tội lỗi không còn tồn tại dẫu có chút hy sinh là chiếc răng cửa.
Kiểm tra lại lần nữa, tôi há mồm. Tôi bỗng trợn mắt vì kinh ngạc. Và kia, cái răng sâu tội lỗi vẫn còn. Tôi biết, nó là cái răng thứ 7 tính từ ngoài vào. Nó có một vết đen, mọc hơi nghiêng một chút. Ông bác sĩ cũng nhìn. Mắt ông mở còn to hơn cặp kính ông đeo vì chiếc răng sâu vẫn tồn tại ngay trên vị trí cũ.
Chiếc răng sâu vẫn còn. Tôi phều phào nhìn ông bác sĩ và thò tay vào khay nhặt chiếc răng cửa lương thiện. Tôi lau. Tôi cất nó vào túi áo ngực hy vọng có lúc phục hồi cho nó vào vị trí cũ nhưng ông bác sĩ lắc đầu: “Tôi đã làm đúng quy trình nhưng sự thể thế này là ngoài ý muốn. Lần sau đau lại đến và chữa răng sâu không đơn giản đâu, không vội được. Nhưng tin tôi đi, sẽ có lúc cái răng sâu của anh tự nó sẽ lung lay…”.
Bất chợt, tôi lại nghĩ đến cuốn sổ cổ đông lận kỹ ở đáy hòm mà cái bìa xam xám cứ ám vào trong những cơn ác mộng! Hóa ra ở đời, thú chơi hay thú làm, muốn thành thì luôn cần phải tay chuyên.
Cũng như cái răng sâu ấy, nó là của mình nhưng có bao giờ mình tự há miệng soi gương mà nhổ cho mình được đâu…