Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, Agribank tìm hiểu về thiệt hại của hộ nuôi trồng thủy sản tại xã Tân An, Quảng Yên, Quảng Ninh

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, Agribank tìm hiểu về thiệt hại của hộ nuôi trồng thủy sản tại xã Tân An, Quảng Yên, Quảng Ninh

Chia sẻ với doanh nghiệp mùa bão lũ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Siêu bão Yagi và hoàn lưu bão gây mưa lũ trên diện rộng đã để lại những hậu quả nặng nề cho các tỉnh phía Bắc. Ngành ngân hàng đang nỗ lực đồng hành, hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn, khôi phục hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Khẩn trương nắm bắt tình hình

Nằm trong vùng tâm bão Yagi, gia đình ông Vũ Văn Cường, trú tại Khu 3 Tân An, thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh tổn thất ba bè cá, mức thiệt hại khoảng 14 tỷ đồng. Điều ông Cường lo lắng nhất lúc này là bị ngân hàng siết nợ.

“Gia đình chúng tôi vay vốn ngân hàng để làm ăn nhưng tình cảnh bây giờ chẳng biết làm thế nào. Chỉ mong ngân hàng hoãn nợ, giãn nợ, cho bà con vay tiền để làm lại”, ông bày tỏ.

Cũng trong hoàn cảnh tương tự, chị Ngô Thị Thuý, trú tại Khu phố Thống Nhất 2, xã Tân An, thị xã Quảng Yên cho biết, thiệt hại của gia đình chị do bão gây ra ước tính khoảng 12 tỷ đồng, trong khi gia đình chị vay Agribank 4 tỷ đồng để đầu tư vào bè cá.

“Giờ đây, chúng tôi chỉ mong được ngân hàng hoãn, giãn nợ và cho vay mới để hồi phục sản xuất. Chỉ cần ngân hàng tin tưởng cho chúng tôi vay vốn để nhanh chóng mua cá con thả kịp thời thì 2 năm tới, chúng tôi có thể vực dậy và có tiền trả nợ ngân hàng”, chị Thúy tâm sự.

Là ngân hàng dẫn đầu về cho vay khu vực nông nghiệp, nông thôn, đại diện Agribank đã có mặt tại các khu vực bị ảnh hưởng lớn bởi cơn bão số 3. Ông Đoàn Ngọc Lưu, Phó tổng giám đốc Agribank cho biết, Ban lãnh đạo Ngân hàng đã chỉ đạo Công ty Bảo hiểm ABIC - công ty bảo hiểm trực thuộc Agribank - khẩn trương tiến hành các thủ tục giám định và bồi thường cho khách hàng; đồng thời, nắm bắt, đánh giá tổng thể mức độ thiệt hại của khách hàng vay vốn, dự kiến dư nợ bị ảnh hưởng, khả năng trả nợ và các giải pháp triển khai hỗ trợ khách hàng cụ thể.

“Agribank triển khai các biện pháp, cơ cấu đối với dư nợ cho vay theo Nghị định 55, cơ cấu lại dư nợ bị ảnh hưởng theo Thông tư 02, giảm lãi suất, cho vay mới, khẩn trương hỗ trợ khách hàng khôi phục, ổn định hoạt động kinh doanh…; chủ động phối hợp với chính quyền, hỗ trợ người dân tại địa phương, thông qua công tác ủng hộ, an sinh xã hội, góp phần khắc phục hậu quả để lại do cơn bão số 3”, ông Lưu nói.

Tại Vietcombank, ông Lê Hoàng Tùng, Phó tổng giám đốc cho biết, ước tính có khoảng gần 6.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão Yagi, với tổng dư nợ khoảng 71.000 tỷ đồng. Trong đó, riêng tại địa bàn Hải Phòng, Quảng Ninh, có 230 khách hàng bị ảnh hưởng với tổng dư nợ khoảng 13.300 tỷ đồng. Để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ông Tùng cho biết, Vietcombank đã quyết định giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay trong giai đoạn từ ngày 6/9/2024 đến ngày 31/12/2024 đối với các khách hàng vay vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh chịu thiệt hại lớn do bão số 3 gây ra tại các địa phương chịu ảnh hưởng.

“Sẽ có khoảng 20.000 khách hàng cá nhân, doanh nghiệp được giảm lãi suất với quy mô dư nợ gần 130.000 tỷ đồng. Chương trình giảm lãi suất áp dụng cho dư nợ hiện hữu cũng như dư nợ vay mới nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân ổn định sản xuất, ổn định cuộc sống và tiếp cận với vốn tín dụng ngân hàng”, ông Tùng tính toán.

Nhiều giải pháp hỗ trợ khách hàng

Trong nỗ lực chung của ngành ngân hàng nhằm hỗ trợ khách hàng chịu thiệt hại do bão Yagi gây ra, MSB thông báo, từ nay đến ngày 31/12/2024, Ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất cho vay 1%/năm so với lãi suất hiện hành dành cho các khách hàng là hộ kinh doanh đang vay vốn tại MSB với thời gian vay lên đến 60 tháng. Đối với khách hàng mới là chủ hộ kinh doanh, MSB cung cấp các gói vay ưu đãi, bao gồm hạn mức tín chấp lên đến 2 tỷ đồng với lãi suất chỉ từ 11,5%/năm và hạn mức thế chấp lên đến 20 tỷ đồng với lãi suất từ 5,8%/năm.

“Hạn mức cao, thời gian vay dài hạn, đồng thời được hỗ trợ đa dạng mục đích tài trợ vốn cũng như hình thức cấp tín dụng như khoản vay, thấu chi, bảo lãnh và thẻ tín dụng... thực sự là nguồn trợ lực lớn giúp các hộ kinh doanh vững vàng sau bão lũ”, lãnh đạo cao cấp MSB cho biết.

Đối với khách hàng là doanh nghiệp nhỏ, nhà băng này cũng đẩy mạnh các gói tín dụng cạnh tranh, với hạn mức vay thế chấp lên đến 6 tỷ đồng, lãi suất chỉ từ 4,99%/năm và hạn mức vay tín chấp lên đến 2 tỷ đồng, lãi suất từ 7,7%/năm. Về thời gian vay, doanh nghiệp nhỏ được hỗ trợ vay vốn lên đến 36 tháng và các hình thức vay đa dạng như cho vay bổ sung vốn lưu động, cho vay trung dài hạn, thấu chi, thẻ tín dụng và tài trợ thương mại..., góp phần tháo gỡ khó khăn, thiệt hại do bão lũ để lại.

Tương tự, để hỗ trợ người dân chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão Yagi tại nhiều tỉnh, thành phố, VPBank sẽ giảm trực tiếp lãi suất cho vay cho tất cả các khách hàng cá nhân có khoản vay hiện hữu tại Ngân hàng và có tài sản bảo đảm. Cụ thể, các khoản vay trung và dài hạn sẽ được VPBank giảm lãi suất 1%/năm, các khoản vay ngắn hạn được giảm 0,5%/năm.

Chương trình hỗ trợ lãi suất của VPBank được triển khai từ ngày 13/9/2024 đến hết ngày 31/12/2024, áp dụng tại tất cả các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão Yagi như Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Thái Nguyên, Yên Bái… Bên cạnh giảm lãi suất vay, VPBank cũng điều chỉnh mức ưu đãi lãi suất xuống 6,5%/năm cố định 12 tháng đầu tiên cho toàn bộ các khách hàng có nhu cầu vay trả nợ trước hạn tại ngân hàng khác hoặc vay mua bất động sản, vay xây dựng, sửa chữa nhà.

Đại diện HSBC Việt Nam cũng cho biết, Ngân hàng đang chủ động làm việc với khách hàng có hoạt động kinh doanh tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi bão Yagi nhằm đánh giá mức độ thiệt hại và nghiên cứu các phương án hỗ trợ cần thiết theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho biết thêm, trước nhu cầu vay tiêu dùng của người dân tăng cao để trang trải, ổn định cuộc sống sau ảnh hưởng của mưa bão gây ra, một trong những phương thức giúp người dân nhanh chóng tiếp cận được nguồn vốn tín dụng tiêu dùng từ các ngân hàng, công ty tài chính đó là việc sử dụng thẻ tín dụng nội địa. Qua đó, người dân có thể thực hiện chi tiêu trước trả tiền sau các khoản sinh hoạt phí cấp thiết hiện nay, thời gian miễn lãi dài từ 45 - 55 ngày, hỗ trợ hiệu quả cho các khách hàng phát sinh nhu cầu tài chính đột xuất, không phải tìm đến hình thức cho vay tín dụng đen với lãi suất cao.

Xung quanh vấn đề này, Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú chỉ đạo: “Các tổ chức tín dụng nhanh chóng rà soát từng trường hợp khách hàng, làm rõ mức độ thiệt hại, nắm được những nguyện vọng, đề xuất của khách hàng; đồng thời, trở thành chỗ dựa cho doanh nghiệp, không thu nợ bằng mọi cách mà phải linh hoạt, thể hiện trách nhiệm chia sẻ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi. Bằng thẩm quyền của mình, các chi nhánh cân nhắc xem xét hỗ trợ giảm lãi suất cho khách hàng, mạnh dạn cho vay để doanh nghiệp tái sản xuất, kinh doanh, phục hồi…”.

Tin bài liên quan