NĐT chạy theo tin tức nội bộ, tin đồn để tham gia đầu tư cổ phiếu là hết sức mạo hiểm - Ảnh minh họa: Hoài Nam

NĐT chạy theo tin tức nội bộ, tin đồn để tham gia đầu tư cổ phiếu là hết sức mạo hiểm - Ảnh minh họa: Hoài Nam

Chia sẻ một cách chọn cổ phiếu đầu tư

Công ty chứng khoán hay cá nhân nào đó nhận định xu hướng VN-Index tăng hay giảm, dựa vào các chỉ số tài chính của doanh nghiệp niêm yết (như P/E) hay các chỉ số kinh tế vĩ mô, sau đó khuyến nghị NĐT nên hay không nên tham gia thị trường nghe qua khá hợp lý. Tuy nhiên, tôi cho rằng, điều này thường đem đến cho nhà dầu tư, đặt biệt là NĐT cá nhân, những ai mới tham gia thị trường, có cái nhìn chỉ từ một phía.

Vì khi VN-Index tăng thì trên thị trường vẫn có nhiều cổ phiếu giảm giá và ngược lại. Ngoài ra, nếu dựa vào đánh giá xu hướng của VN-Index thì NĐT có thể bỏ qua nhiều cơ hội hay chịu nhiều rủi ro từ việc mua hay bán cổ phiếu.

Theo tôi, việc phân tích, đánh giá khối lượng giao dịch và giá của một mã cổ phiếu cụ thể để xác định xu hướng giá của cổ phiếu đó là hợp lý và tránh được nhiều rủi ro. Việc NĐT chạy theo tin tức nội bộ, tin đồn để tham gia đầu tư cổ phiếu là hết sức mạo hiểm. Trong khi đó, nếu điều này là thực tế thì cũng sẽ được phản ánh và có thể nhận biết qua khối lượng giao dịch và diễn biến giá của cổ phiếu đó.

Sau đây, tôi xin chia sẻ một phần cách chơi của mình, mong giúp được phần nào cho những ai mới tham gia TTCK.

Công việc đầu tiên là ghi ra những cổ phiếu tăng trần sau khi kết thúc phiên giao dịch. Sau đó là nghiên cứu từng cổ phiếu tăng trần này để lọc ra những cổ phiếu có khả năng tăng tiếp trong thời gian tới. Tiếp theo, gom giá và khối lượng giao dịch của cổ phiếu đã chọn trong ngày về theo tuần để đánh giá, nhằm phù hợp với điều kiện chơi T+3 (giống như một quý có khoảng 4 tuần vậy).

Sau khi những bước trên đã hoàn thành thì đi vào phân tích. Những cổ phiếu có xu hướng tăng giá sẽ có dòng tiền lớn đổ vào và đều đặn hơn so với những thời điểm trước. Việc này nhận biết qua khối lượng giao dịch. Thứ hai là giá của cổ phiếu không tăng mạnh ngay, mà sẽ có những phiên tăng nhẹ so với thời điểm trước (cũng có những điều chỉnh giảm, nhưng vẫn tăng so với thời điểm trước).

Sau khi đã sở hữu cổ phiếu thì công việc còn lại không kém phần quan trọng là giữ lại hay bán ra khi cổ phiếu xuất hiện những phiên giảm giá? Việc này sẽ được xác định thông qua so sánh khối lượng giao dịch được xếp theo tuần với tổng khối lượng cổ phiếu lưu hành. Giống như bạn có 10 đồng, bạn đã tiêu phí hết 8 đồng hoặc 9 đồng, vậy sẽ như thế nào cho những ngày giao dịch tiếp theo? Nếu phân tích kỹ điều này thì bạn có thể hiểu tại sao cổ phiếu có khối lượng giao dịch tăng mạnh lại giảm giá sâu trong những ngày tiếp theo, sau khi giá đã tăng cao. Lưu ý là, việc so sánh này dễ dàng đối với cổ phiếu có khối lượng lưu hành thấp và trung bình, còn đối với cổ phiếu có khối lượng lưu hành lớn thì cần xét đến tỷ lệ.

Nếu cổ phiếu của tôi sở hữu mà không theo dự đoán thì tôi sẽ không mua hay bán. Khi mua hay bán cổ phiếu, bạn nên có lý do và cần dựa trên những gì mà bạn có, biết và kiểm soát được.