Mỗi kỳ đại hội đồng cổ đông thường niên mà Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) tổ chức, dù ở hội trường trụ sở hay ở trung tâm hội nghị sang trọng tại Almaz Vinhomes Riverside (Long Biên) thì đều có một câu hỏi chung từ phía cổ đông là tại sao Techcombank lại không chia cổ tức.
7 năm liên tiếp, Ngân hàng này để lại toàn bộ lợi nhuận và không chia cổ tức dù bằng cổ phiếu hay tiền mặt cho cổ đông. Chính sách giữ lại cổ tức một cách “tiêu cực” vì chẳng giống ngân hàng nào trên thị trường giúp cho Techcombank, tính đến hết năm 2017, có vốn chủ sở hữu lên tới gần 27.000 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ chưa tới một nửa chỉ hơn 11.650 tỷ đồng (tương đương với số cổ phiếu là 1,165 tỷ cổ phiếu).
Và sáng nay, lãnh đạo Techcombank đã công bố sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường vào ngày 14/6 tới để xin ý kiến về một việc mà 7 năm chưa làm đó là chia cổ tức. Mức chia lập luôn kỷ lục ngành ngân hàng cho một lần chia: 200%. Mỗi cổ đông hiện hữu nếu đang sở hữu 1 cổ phiếu sẽ “tự dưng” được nhận thêm 2 cổ phiếu nữa.
Xét cho cùng thì đây chỉ là một kỹ thuật hạch toán, Techcombank lấy phần dư lợi nhuận để lại trong 3 năm gần nhất cộng với phần lợi nhuận từ việc bán cổ phiếu quỹ để chia cổ tức. Tổng không đổi, vì bản chất đây vẫn là phần vốn sở hữu của cổ đông, chỉ là nâng vốn điều lệ lên mức 34.000 tỷ đồng, khiến số lượng cổ phiếu cũng tăng theo từ hơn 1,165 tỷ cổ phiếu lên gấp 3 là gần 3,5 tỷ cổ phiếu.
Trong năm 2017, Techcombank đạt lợi nhuận trước thuế 8.036 tỷ đồng, cao nhất trong lịch sử của Ngân hàng, và là năm thứ hai liên tiếp lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng tăng khoảng hai lần so với năm liền trước.
Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) và tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản( ROA) không bao gồm thu nhập bất thường (thu nhập một lần cho hợp đồng đại lý bảo hiểm và lợi nhuận bán khoản đầu tư cổ phiếu Vietnam Airlines) lần lượt là 23,84%, và 2,09%, ở mức rất cao trong toàn ngành.
“Động tác” chia cổ tức này dự kiến thực hiện khoảng giữa tháng 7, khiến mức giá chào sàn cao ngất ngưởng, nhất ngành ngân hàng Việt Nam, lên tới 128.000 đồng/cổ phiếu không bị chất vấn nhiều. Vì sau khi chia cổ tức, mức giá này (giả sử giá cổ phiếu giữ nguyên đến khi chia cổ tức) sẽ được điều chỉnh chỉ còn hơn 40.000 đồng/CP, thấp hơn đáng kể so với mức giá cổ phiếu Vietcombank (23/5, có mức giá mở cửa là 53.400 đồng/CP).
Nhưng dù gì, với mức giá chào sàn 128.000 đồng/CP, và và theo biên độ phiên chào sàn là (+/- 20%) thì mức giá chốt phiên 4/6, giá cổ phiếu TCB của Techcombank có thể vượt mức 153.600 đồng/CP, đưa Techcombank thành ngân hàng có giá trị vốn hóa đứng thứ hai trong ngành ngân hàng Việt Nam (gần 180.000 tỷ đồng), chỉ kém khoảng 7% so với Vietcombank.
Lời lớn nhờ “trading” cổ phiếu quỹ
Việc HSBC thoái vốn năm 2017 và Techcombank mua vào lượng cổ phiếu này làm cổ phiếu quỹ ở mức giá hơn 23.000 đồng/CP đã trở thành món lời lớn cho các cổ đông của ngân hàng.
Sau những ngày nghỉ Tết vừa qua, Techcombank đã mang lượng cổ phiếu quỹ này đi chào bán trên thị trường quốc tế với sự tư vấn của Morgan Stanley, CTCP Chứng khoán Bản Việt và Deutsche Bank AG. Có 164,1 triệu cổ phiếu được bán ra cho 150 quỹ đầu tư quốc tế với mức giá 128.000 đồng/CP (đây cũng là mức giá chào sàn ngày 4/6), thu về hơn 21.000 tỷ đồng.
Một mức lời quá lớn, giúp cho Techcombank có thể lấy phần lời này bổ sung vào cổ tức tới đây.
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Lê Quốc Anh, Tổng giám đốc Techcombank, để chuẩn bị cho kế hoạch bán vốn quốc tế này, Techcombank đã phải chuẩn bị từ 3 năm trước. Từ 2015, Techcombank đã thực hiện báo cáo tài chính theo chuẩn mực quốc tế (IFRS), vì muốn bán vốn cho các nhà đầu tư ngoại thì báo cáo tài chính nói riêng và các chuẩn mực khác phải đảm bảo khớp với thông lệ quốc tế. Các nhà đầu tư cần báo cáo theo chuẩn trong 3 năm liên tiếp, đây là lý do vì sao việc bán vốn được thực hiện vào đầu năm 2018 bởi Techcombank cần chuẩn bị báo cáo theo chuẩn này cho các năm 2015, 2016 và 2017.
Lượng chào mua cổ phiếu Techcombank gấp 3 lần lượng chào bán với tổng giá trị đặt mua tới 4,5 tỷ USD. Cầu lớn hơn cung, nhưng theo ông Quốc Anh, mức chốt giá 128.000 đồng/CP, dù cao hơn rất nhiều so với giá cổ phiếu trong ngành đang niêm yết, nhưng “đây chỉ là mức hợp lý”, không cao và cũng không thấp. Bởi theo ông Quốc Anh, nếu tính theo các chỉ số P/B hay P/E thì mức trên là phù hợp, phù hợp với chỉ số tài chính hiện tại và khả năng phát triển của Techcombank trong mắt nhà đầu tư.
“Đây là các quỹ đầu tư lớn, có uy tín trên thị trường toàn cầu, họ đều tính toán kỹ, thậm chí tính tới cả chu trình phát triển của kinh tế Việt Nam và các ngân hàng nội địa dựa trên những kinh nghiệm các nước khu vực như Thái Lan, Malaysia,…”, ông Quốc Anh cho biết.
Còn 2 tuần nữa, cổ phiếu TCB sẽ niêm yết, mọi thứ đang thuận lợi theo kế hoạch của những lãnh đạo Techcombank và chỉ duy nhất một thứ có thể nằm ngoài kế hoạch là diễn biến thị trường. VN-Index ngày hôm qua đã rơi mạnh, mất mốc 1.000 điểm và chiều hướng tiếp theo sẽ vẫn là một câu hỏi lớn?