Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các quan khách thăm quan các gian hàng chip bán dẫn tại Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2023

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các quan khách thăm quan các gian hàng chip bán dẫn tại Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2023

Chìa khóa mở tương lai

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Việt Nam đang có những cơ hội lớn để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và ngày càng trở thành mắt xích lớn hơn trong chuỗi sản xuất chip toàn cầu.

“Thiên thời, địa lợi”

Sự kiện Việt Nam và Mỹ quyết định nâng cấp mối quan hệ song phương lên “Đối tác Chiến lược Toàn diện” hướng đến sự thịnh vượng chung đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác lớn, đặc biệt về lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, trọng tâm là ngành công nghiệp bán dẫn.

Tại thị trường Việt Nam, xét theo các phân khúc sản phẩm bán dẫn thì mạch tích hợp quản lý năng lượng (PMIC) chiếm thị phần cao nhất với gần 68%, tiếp theo là vi mạch (microchip) gần 29%, còn lại là công nghệ nhận dạng sóng vô tuyến RFID. Ước tính, doanh thu của hai phân khúc PMIC và microchip sẽ tăng trưởng 40% trong giai đoạn 2024-2025.

Bên lề Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos, Thụy Sĩ, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: AI, bán dẫn và công nghiệp ô tô là những ngành quan trọng, vừa có những động lực phát triển cũ cần được làm mới, vừa có những động lực mới cho sự phát triển...

Chính phủ đã giao Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng Chiến lược quốc gia về công nghiệp bán dẫn. Thủ tướng cũng đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực bán dẫn đến năm 2030, với mục tiêu cụ thể 50.000 nhân lực bán dẫn trong thời gian tới.

Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia đã ký hợp tác với 2 tập đoàn lớn nhất của Mỹ về thiết kế chip là Sypnosyps và Cadence để hợp tác trong việc thành lập các trung tâm nghiên cứu. Gần đây, Quốc hội cũng thông qua Nghị quyết, giao cho Chính phủ xây dựng Nghị định, thành lập quỹ hỗ trợ đầu tư cho ngành công nghệ cao, trong đó công nghiệp bán dẫn.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, đề án cung cấp 50.000 kỹ sư cho ngành bán dẫn đang được hoàn thiện và sẽ sớm trình Chính phủ. Theo đó, sẽ đào tạo 50.000 kỹ sư công nghệ, 1.000 thạc sĩ, 100 tiến sĩ chuyên sâu trong ngành.

Bộ đã phối hợp với 30 trường đại học lớn trong nước để triển khai chương trình, đồng thời hợp tác với Đại học Arizona - nơi đào tạo lớn nhất của Mỹ về ngành bán dẫn. Bộ cũng sẽ tham gia vào đấu thầu ngay gói hỗ trợ 500 triệu USD của Chính phủ Mỹ, hỗ trợ các nước đang phát triển phát triển ngành này.

“Việt Nam đã và đang là địa điểm được lựa chọn của các doanh nghiệp lớn trong ngành bán dẫn của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và đặc biệt là các tập đoàn của Hoa Kỳ như Intel, Amkor trong mảng đóng gói, kiểm thử; Marvell, Qorvo, Qualcomm trong mảng thiết kế; Synopsys, Cadence trong việc cung cấp công cụ thiết kế chip bán dẫn… Đây cũng là minh chứng cho thấy sự thuận lợi của môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam cho các nhà đầu tư ngành bán dẫn”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Như vậy, có thể thấy quyết tâm rất lớn của các cơ quan quản lý trong việc thúc đẩy một ngành non trẻ nhưng nhiều tiềm năng giúp Việt Nam “đón đầu” cơ hội mới.

Ông John Neuffer, Chủ tịch Hiệp hội công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ đánh giá, Việt Nam đang có những cơ hội lớn để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và ngày càng trở thành mắt xích lớn hơn trong chuỗi sản xuất chip toàn cầu với sự hiện diện của các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới như Intel, Marvell… Nhu cầu cho ngành công nghiệp bán dẫn tiếp tục tăng trưởng nhanh từ nay đến năm 2030; trong đó nhu cầu sản xuất chíp chuyên biệt sẽ là trọng tâm; dù vậy phát triển ngành này cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia, doanh nghiệp, tập đoàn thế giới.

Nỗ lực của những doanh nghiệp tiên phong

Trong hai năm gần đây, một số công ty công nghệ trong nước như FPT, Viettel, VNPT… đang nỗ lực tham gia hệ sinh thái hỗ trợ ngành công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam. Thậm chí các ngành phụ trợ cũng nhìn thấy cơ hội lớn từ thị trường này.

Là một trong những doanh nghiệp ấp ủ giấc mơ lớn về ngành công nghiệp bán dẫn, FPT bắt đầu phát triển mảng bán dẫn từ 10 năm trước. Đến tháng 3/2022, Công ty cổ phần Bán dẫn FPT (FPT Semiconductor) thành lập, để tập trung vào mảng bán dẫn.

Thế hệ sản phẩm đầu tiên của FPT Semiconductor là dòng sản phẩm chip nguồn - Power Management IC. Dòng chip vi mạch đầu tiên ứng dụng trong sản phẩm Internet vạn vật (IoT) ở lĩnh vực y tế với tiêu chí "chip Make in Vietnam, Made by FPT" ra mắt năm 2022 đã đánh dấu tên tuổi của FPT Semiconductor trên bản đồ công nghệ chip thế giới. Trong năm 2023, đầu năm 2024, FPT Semiconductor sẽ tiếp tục thiết kế, sản xuất dòng chip IoT platform cho ứng dụng thiết bị thông minh, IoT cho nông, lâm, thủy hải sản.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT cho biết, Công ty nhận được đơn đặt hàng 70 triệu chip trong giai đoạn 2024 - 2025 cho các khách hàng Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc và Nhật Bản trong lĩnh vực thiết bị y tế và nhiều ứng dụng điện tử. Con số này gần gấp 3 lần so với kế hoạch đã đề ra.

Dù vậy, quá trình nghiên cứu làm ra con chip có rất nhiều khó khăn. Đến khi làm ra con chip vẫn không hết khó khăn và càng thách thức hơn khi đưa chip Make in Việt Nam ra nước ngoài. Trong 10 năm qua, nhiều bài học lớn đã được rút ra. Thứ nhất là thấu hiểu nhu cầu khách hàng: Thời gian đầu, FPT từng làm ra con chip rất tốt nhưng không bán được tại thị trường nước ngoài, đơn hàng nhỏ giọt. Khi gặp gỡ trực tiếp khách hàng, tìm hiểu nhu cầu thực tế và sửa lại chỉ một phần nhỏ thì khách hàng lập tức đồng ý. FPT thu về đơn đặt hàng 10 triệu chip.

Thứ hai là xây dựng niềm tin với khách hàng quốc tế. “Khi quyết định phát triển mảng bán dẫn ở thị trường Nhật Bản, chúng tôi dự tính mất 6 tháng để có thể chứng minh năng lực, xây dựng niềm tin với khách hàng Nhật, nhưng thực tế mất đến 8 năm”, ông Trương Gia Bình cho biết.

Để chuẩn bị nguồn nhân lực cho ngành mới, Đại học FPT công bố thành lập Khoa Vi mạch Bán dẫn nhằm bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao đang thiếu hụt tại Việt Nam. Tập đoàn đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ đào tạo 10.000 nhân sự cho ngành.

FPT Semiconductor đã ký kết hợp tác chiến lược với Công ty Silvaco - đối tác công nghệ lớn từ Mỹ để phát triển nguồn nhân lực bán dẫn và đẩy mạnh kinh doanh ở lĩnh vực giàu tiềm năng này. Về lâu dài, Silvaco sẽ trở thành nhà đầu tư chiến lược của FPT Semiconductor JSC.

“FPT cũng đã làm gặp gỡ với CEO của NVIDIA, Jensen Huang và bày tỏ mong muốn đồng hành cùng NVIDIA đưa Việt Nam thành cứ điểm thu hút nhân tài AI và bán dẫn trên khắp thế giới để góp phần phát triển hệ sinh thái bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, thúc đẩy các công ty khởi nghiệp, thiết kế, phát triển các siêu máy tính... Bên cạnh đó, chúng tôi cử các đoàn đi nói chuyện với các trường đại học hàng đầu của Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)… để tìm những chương trình hay nhất mang về Việt Nam. Chúng tôi cũng mời những bậc thầy - những người được gọi là “cha đẻ” của ngành bán dẫn về truyền cảm hứng cho thanh niên Việt Nam”, ông Trương Gia Bình tâm huyết.

Cuối tháng 10/2023, Viettel High Tech (VHT) công bố sản phẩm chip đầu tiên - 5G DFE - do kỹ sư của công ty làm chủ hoàn toàn thiết kế, được tích hợp công nghệ AI. Mẫu chip có năng lực xử lý 1.000 tỷ phép tính mỗi giây - "khiêm tốn" hơn các sản phẩm đời mới với khả năng tính toán gấp hàng chục lần, nhưng là con chip phức tạp nhất từ trước đến nay do người Việt tự thiết kế.

Chủ tịch NVIDIA Jensen Huang trong chuyến công tác Việt Nam tuyên bố, Tập đoàn sẽ tạo điều kiện cho các kỹ sư, học viên của Việt Nam có thể tham gia thực tập, làm việc tại NVIDIA; xây dựng vườn ươm doanh nghiệp trong ngành bán dẫn, cũng như tư vấn hình thành các doanh nghiệp hỗ trợ cung cấp sản phẩm, dịch vụ; ủng hộ, phối hợp với Việt Nam trong việc tiếp cận, triển khai các dự án trong khuôn khổ Quỹ trợ cấp cho các hoạt động sản xuất và phát triển chất bán dẫn của Chính phủ Hoa Kỳ.

Ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch KBC cho biết, là quốc gia có trữ lượng đất hiếm thứ nhì thế giới, nhưng Việt Nam không có công nghệ để chế biến sâu. Để không chậm chân trong việc thu hút sản xuất chất bán dẫn và chip, Việt Nam cần có những chính sách, chương trình đào tạo nguồn nhân lực đối với lĩnh vực này.

KBC vẫn tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo quỹ đất sẵn sàng để tiếp tục đón nhận sự dịch chuyển đầu tư nhà máy, đặc biệt là các nhà máy công nghệ cao như sản xuất chất bán dẫn và chip.

“Chúng tôi cũng có kế hoạch lắp đặt pin mặt trời trên mái nhà xưởng để cung cấp thêm 20% năng lượng sạch, tăng tỷ lệ sử dụng năng lượng sạch cho các sản phẩm sản xuất từ khu công nghiệp của chúng tôi, tạo điều kiện thuận lợi để hàng hóa xuất khẩu sang thị trường châu Âu và Mỹ”, ông Tâm cho biết.

Tin bài liên quan