Minh bạch để tồn tại
Anh Ngô Bắc, chủ một homestay ở xã Yên Bài, huyện Ba Vì, Hà Nội chìa điện thoại cho phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán xem nội dung tin nhắn và thuật lại câu chuyện: “Đợt trước hỏi mượn tiền ông anh để hoàn thiện nốt các hạng mục bởi homestay dự kiến Tết Nguyên đán đi vào hoạt động nhưng bị từ chối và bảo doanh nghiệp nhà mình có phốt. Sau khi tôi chia sẻ kỹ lưỡng các thông tin về hoạt động kinh doanh, sổ sách… thì không chỉ sẵn sàng cho vay, mà còn muốn trở thành cổ đông của doanh nghiệp”.
Theo chủ homestay này, việc thay đổi quan điểm của nhà đầu tư đến từ một động thái rất đơn giản: Minh bạch thông tin.
“Đây là kinh nghiệm tôi rút ra được sau nhiều năm lăn lộn trên thương trường”, anh Bắc nhấn mạnh.
Ở một câu chuyện khác, còn nhớ trong một buổi gặp mặt, khách hàng đã chất vấn khá gay gắt chủ tịch một công ty thi công nền móng có tiếng, sau đó “dấn thân” vào phát triển bất động sản, liên quan tới vấn đề tài chính và vị chủ tịch này thẳng thắn thừa nhận, đây đang là vấn đề rất căng thẳng của công ty.
“Kinh doanh bất động sản phải liều, nhưng để đi đến thành công, mọi sự liều đều phải nằm trong tính toán và quan trọng hơn cả là tâm thế không giấu giếm, sẵn sàng thông tin rõ ràng đến khách hàng, cổ đông, đối tác để họ biết và cân đối nếu tiếp tục lựa chọn đồng hành cùng công ty sẽ không phải quá lo lắng”, ông nói.
Chính sự thẳng thắn của vị chủ tịch trên đã phần nào khiến khách hàng yên tâm hơn và tiếp tục đóng tiền theo tiến độ, từ đó giúp dự án không chỉ ở TP.HCM mà cả Hà Nội đều được thực hiện theo đúng kế hoạch.
Tại Hội nghị ngành ngân hàng đầu năm nay, trước sự “thúc giục” của nền kinh tế khi tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm vẫn ì ạch, ông Phan Đức Tú - Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV cho biết, Ngân hàng luôn công khai, minh bạch quy trình xử lý cấp tín dụng (điều kiện, hồ sơ, lãi suất…); tiếp tục nghiên cứu triển khai cho vay bằng phương tiện điện tử, chương trình cho vay tiêu dùng; triển khai các chương trình hỗ trợ kỹ thuật, cung cấp giải pháp quản trị (lập và minh bạch báo cáo tài chính, nâng cao năng lực quản trị…) cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
“Trong 2 tháng đầu năm 2024, với việc công khai hạ lãi suất cho vay mới và dư nợ cũ (giảm 2-3,5%/năm so với cùng kỳ năm trước và từ 0,5-1,5%/năm so với cuối năm 2023, tùy từng đối tượng khách hàng), BIDV đã giảm thu nhập là 1.393 tỷ đồng và dự kiến cả năm giảm thu nhập 7.000-8.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp”, ông Tú thông tin.
Sẵn sàng giảm lợi nhuận để hỗ trợ khách hàng là hành động không hiếm trong hệ thống ngân hàng, nhưng theo TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia kinh tế, động thái này nên là “món quà” dành cho khách hàng xứng đáng, khi mà vấn đề minh bạch thông tin vẫn còn là điều xa xỉ với không ít cá nhân, tổ chức.
Chọn hướng đi bền vững
Các ngân hàng thương mại Việt Nam đang trong giai đoạn đầu tích hợp yếu tố ESG vào hoạt động kinh doanh và còn gặp nhiều khó khăn trong việc tích hợp mục tiêu bền vững, đánh giá tác động của ESG hay công bố các thông tin liên quan.
Giữa tháng 5/2024, Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam và Công ty TGS Trà Vinh Green Hydrogen Corporation (Công ty TGS) - thành viên Tập đoàn Green Solutions, đã thông báo về việc ký kết thỏa thuận dịch vụ tư vấn tài chính dự án.
Theo đó, thông qua thỏa thuận, Standard Chartered Việt Nam sẽ giữ vai trò cố vấn tài chính cho việc phát triển và vận hành dự án Nhà máy sản xuất hydro xanh Trà Vinh công suất 260MW của Công ty TGS tại tỉnh Trà Vinh. Đây là dự án nhà máy hydro xanh đầu tiên của Việt Nam tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Đại diện Standard Chartered Việt Nam chia sẻ: “Chúng tôi cam kết mang lại sự tăng trưởng bền vững, toàn diện và thịnh vượng cho các thị trường nơi Standard Chartered hoạt động. Thỏa thuận với Công ty TGS thể hiện chuyên môn của Standard Chartered trong việc tạo ra các giải pháp tài chính sáng tạo và riêng biệt cho khách hàng, nhằm hỗ trợ khách hàng đạt được mục tiêu phát triển bền vững. Ngân hàng luôn cam kết hợp tác chặt chẽ với khách hàng và đối tác nhằm thúc đẩy các nguồn tài chính bền vững có lợi cho môi trường và đóng góp vào sự phát triển bền vững tại Việt Nam”.
Cũng trong thời gian này, Ngân hàng TNHH MTV HSBC (Việt Nam) và Công ty cổ phần Gemadept đã ký kết thỏa thuận tài trợ tín dụng liên kết bền vững. Đây là “dấu chân xanh” tiếp theo trong kế hoạch phát triển, tiếp cận dòng vốn xanh của Gemadept, đồng thời tái khẳng định vai trò và nỗ lực của HSBC trong việc hỗ trợ doanh nghiệp Việt phát triển bền vững.
Thỏa thuận tài trợ này cũng đánh dấu khoản tín dụng liên kết bền vững đầu tiên mà HSBC thu xếp thành công cho một doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực khai thác cảng và logistics. Đáng chú ý, để tham gia vào khoản vay này, không chỉ có kết quả kinh doanh khả quan, Gemadept đã trải qua quy trình quản lý và phê duyệt tín dụng bền vững của HSBC, đồng thời xây dựng những mục tiêu cụ thể, rõ ràng trong chiến lược phát triển xanh và bền vững của mình. Theo đó, Gemadept đang và sẽ hoàn thành việc đo lường và báo cáo phát thải khí nhà kính tại các cảng theo các phạm vi 1, 2, 3, đồng thời cần đạt được các tiêu chuẩn cơ sở về Tiêu chí cảng xanh Việt Nam do Cục Hàng hải ban hành.
Ông Nguyễn Thanh Bình - Tổng giám đốc Gemadept, cho biết: “Công ty luôn xem việc phát triển kinh tế và giảm thiểu tác động môi trường là 2 mục tiêu song song để doanh nghiệp và cộng đồng có thể phát triển bền vững. Khoản tín dụng liên kết bền vững mà HSBC Việt Nam và Gemadept ký kết không chỉ mang ý nghĩa về tài chính, mà quan trọng hơn là sự khẳng định cam kết của Công ty trong chiến lược phát triển bền vững, đồng thời truyền tải thông điệp tích cực đến khách hàng, đối tác, các nhà đầu tư và xã hội”.
Còn ông Ahmed Yeganeh - Giám đốc toàn quốc Khối Dịch vụ ngân hàng doanh nghiệp, HSBC Việt Nam chia sẻ: “Khoản tín dụng là minh chứng cho năng lực của HSBC trong việc thu xếp nguồn vốn xanh, bền vững, với các giải pháp tài chính tiên tiến, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp trong nước”.
Những minh chứng trên đã phần nào “làm mờ” quan điểm ngân hàng về cơ bản chỉ biết và tập trung vào 2 điều duy nhất là giảm thiểu rủi ro và làm ra lợi nhuận.
Nhìn chung, các ngân hàng tại Việt Nam đã có nhận thức nhất định về tầm quan trọng của các vấn đề xoay quanh ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị doanh nghiệp). Kết quả khảo sát của PwC (năm 2022) cho thấy, 88% số người được phỏng vấn trong ngành dịch vụ tài chính đã thực hiện hoặc có kế hoạch thực hiện các cam kết ESG. Các ngân hàng thương mại đã tích cực triển khai xây dựng chiến lược bền vững với sự tham vấn từ các bên liên quan; đồng thời có tiến bộ khi tham gia vào các sáng kiến tài chính toàn cầu. Một số ngân hàng đã lồng ghép định hướng về phát triển bền vững vào chiến lược phát triển chung như ưu tiên tăng trưởng tín dụng xanh, xây dựng quy định nội bộ về quản lý rủi ro môi trường - xã hội...
Mặc dù vậy, theo đánh giá của một số tổ chức quốc tế, các ngân hàng thương mại Việt Nam đang trong giai đoạn đầu tích hợp các yếu tố ESG vào hoạt động kinh doanh và còn gặp nhiều khó khăn trong việc tích hợp mục tiêu bền vững, đánh giá tác động của ESG hay công bố các thông tin liên quan.
Tuy nhiên, đó là sự mở đầu cần thiết để ESG hay minh bạch thông tin trở nên quen thuộc và là nhu cầu tự thân của mỗi chủ thể. Như Lỗ Tấn từng nói: “Trên đời này vốn làm gì có đường, người ta đi mãi thì thành đường mà thôi”.