Chìa khóa để doanh nghiệp hậu cổ phần hóa khởi sắc

Chìa khóa để doanh nghiệp hậu cổ phần hóa khởi sắc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Với nhiều năm tham gia quản trị trong các doanh nghiệp mà Nhà nước nắm cổ phần chi phối, ông Ngô Văn Tuyển, chuyên gia kinh tế nhận xét, các cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước thường giữ quyền can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp, nhưng thiếu chuyên nghiệp và trách nhiệm không rõ ràng, khiến công tác điều hành, quản lý hoạt động sản xuất - kinh doanh có tình trạng “bình mới, rượu cũ”.

Cụ thể, quyết định của bộ máy lãnh đạo công ty, người đại diện phần vốn nhà nước phụ thuộc vào quyết định của Nhà nước, cơ chế “xin - cho” còn nặng nề, ảnh hưởng đến sự chủ động của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất - kinh doanh và không bắt kịp xu hướng công nghệ.

Thực tế này đòi hỏi phải thúc đẩy tính thị trường trong các doanh nghiệp cổ phần hóa có vốn nhà nước và quy định cụ thể trách nhiệm của người đại diện vốn trong việc thực hiện quyền đại diện vốn tại doanh nghiệp.

Ngược lại, không ít doanh nghiệp có vốn nhà nước khác hoạt động hiệu quả hơn sau cổ phần hóa. Các doanh nghiệp này có 3 điểm khá khác biệt. Một là, mục tiêu của doanh nghiệp rõ ràng, quản lý theo mục tiêu chứ không theo quy trình. Hai là, cơ quan chủ quản với tư cách cổ đông không can thiệp vào quyết định của hội đồng quản trị, mà thực hiện theo các thông lệ điều hành doanh nghiệp hiện đại trên thế giới. Ba là, nhân sự do cơ quan chủ sở hữu vốn đề cử, giới thiệu không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của người có quyền, mà chọn người đúng cho doanh nghiệp.

Ông Lê Song Lai, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cho biết, hiện danh mục đầu tư của SCIC gồm 149 doanh nghiệp, với giá trị vốn nhà nước gần 39.000 tỷ đồng, giá trị vốn hóa thị trường đạt trên 190.000 tỷ đồng (hơn 8 tỷ USD), nên công tác quản trị doanh nghiệp, quản trị danh mục được quan tâm đặc biệt.

Sau khi tiếp nhận doanh nghiệp, với vai trò cổ đông nhà nước, SCIC tập trung kiện toàn hệ thống người đại diện tại doanh nghiệp, triển khai các biện pháp quản trị doanh nghiệp, áp dụng hệ thống quản trị tiên tiến.

Bên cạnh đó, Tổng công ty chủ động xây dựng và thực hiện phương án tái cơ cấu doanh nghiệp; tập trung xử lý các tồn tại; nghiên cứu, tham gia quyết định các phương án kinh doanh, góp phần ổn định tình hình tài chính và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, làm gia tăng giá trị thu về cho Nhà nước khi bán vốn.

Chỉ khi doanh nghiệp có vốn nhà nước thay đổi về quản trị, nhân sự, mới kỳ vọng về việc nâng cao hiệu quả hoạt động.

Chẳng hạn, tại Tổng công ty Thép Việt Nam (VnSteel), ngay sau khi tiếp nhận bàn giao vốn nhà nước, SCIC đã chỉ đạo bộ phận đại diện vốn phối hợp với Hội đồng quản trị VnSteel phê duyệt những điều chỉnh, bổ sung cần thiết làm cơ sở cho doanh nghiệp triển khai tái cơ cấu hoạt động sản xuất - kinh doanh và khoản vốn đầu tư tại một số đơn vị thành viên hoạt động kém hiệu quả, trong đó dành nguồn lực xử lý các vướng mắc, tồn tại và thực hiện tái cơ cấu tại Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (Tisco) và Công ty TNHH Khoáng sản và luyện kim Việt Trung (VTM).

Kế hoạch hoạt động Công ty mẹ và các đơn vị thành viên được xây dựng phù hợp với tình hình thực tế của của ngành thép, linh hoạt và chủ động tận dụng được các cơ hội trên thị trường để tối ưu hiệu quả sản xuất - kinh doanh.

Kết quả, năm 2020, VnSteel đạt doanh thu và lợi nhuận hợp nhất là 30.000 tỷ đồng và 260 tỷ đồng, vượt 17% kế hoạch doanh thu và vượt 147% chỉ tiêu lợi nhuận; 29/30 đơn vị thành viên có lãi. Quý I/2021, VnSteel ước đạt 8.680 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, bằng 28,46% kế hoạch năm; 245 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế hợp nhất, bằng 94,23% kế hoạch năm.

“Công tác tái cơ cấu doanh nghiệp được làm thường xuyên, liên tục, chứ không đợi đến kỳ đại hội đồng cổ đông mới được đem ra mổ xẻ, quyết định”, lãnh đạo SCIC nhấn mạnh.

Nhờ áp dụng các biện pháp quản trị doanh nghiệp thông qua vai trò cổ đông nhà nước, đa số các doanh nghiệp mà SCIC tiếp nhận có kết quả sản xuất - kinh doanh tốt.

Trong số hơn 1.000 doanh nghiệp có vốn nhà nước đã tiếp nhận kể từ khi thành lập năm 2006 đến nay, chỉ có 24 doanh nghiệp nhỏ trong diện kiểm soát đặc biệt, thua lỗ (chiếm 3%); tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) bình quân của các doanh nghiệp trong toàn danh mục đạt gần 20%; tổng nguồn thu cổ tức cho Nhà nước lũy kế trên 38.000 tỷ đồng…

Tin bài liên quan