Chìa khóa cho vấn đề tỷ giá của Việt Nam

(ĐTCK-online) Kể từ đầu tháng 10 đến nay, vấn đề tỷ giá lại trở thành tâm điểm chú ý và gây quan ngại. Tỷ giá trên thị trường tự do tăng vọt từ mức 19.500 VND/USD lên mức trên 21.000 VND/USD vào ngày 4/11/2010. Cam kết không tăng tỷ giá chính thức từ nay tới cuối năm, đồng thời Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bán USD để can thiệp vào thị trường như đã thông báo là một giải pháp "giảm nhiệt" thị trường cần thiết, nhưng về dài hạn, câu chuyện về tỷ giá vẫn còn nhiều điều đáng bàn.

VND mất giá mạnh so với nhiều đồng tiền khác

Chỉ trong vòng 10 tháng tính đến ngày 18/8/2010, NHNN đã 3 lần điều chỉnh tỷ giá liên ngân hàng, tăng tổng cộng 11,17%. VND cũng đang bị mất giá khá mạnh khi so sánh với các đồng tiền khác trong khu vực (xem biểu đồ, sử dụng tỷ giá 19.500 VND/USD để quy đổi chéo).

 

Nguyên nhân khiến cho VND liên tục mất giá

Tài khoản vãng lai bị thâm hụt lớn: Việc đồng nội tệ luôn chịu áp lực mất giá là do sự mất cân đối cung - cầu ngoại tệ trong nền kinh tế. Bản chất là một nền kinh tế nhập siêu lớn khiến cho cán cân tài khoản vãng lai (current account) chênh lệch hàng chục tỷ USD. Trong khi đó, cán cân tài khoản vốn gồm vốn đầu tư trực tiếp (FDI), vốn đầu tư gián tiếp (FPI), vốn vay (ODA, vay thương mại của Chính phủ và DN) lại phụ thuộc vào diễn biến kinh tế toàn cầu và ổn định vĩ mô trong nước.

Biến động tỷ giá USD/VND liên ngân hàng và thị trường tự do

Chìa khóa cho vấn đề tỷ giá của Việt Nam ảnh 1

Vào trung tuần tháng 7, NHNN khẳng định tổng cán cân tài khoản vãng lai và tài khoản vốn của Việt Nam vẫn thặng dư 3,4 tỷ USD. Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì lại ước tính cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam trong năm 2010 có thể thâm hụt khoảng 4 tỷ USD.

Sự chênh lệch trên chỉ có thể giải thích là do khoản mục sai số trong cán cân thanh toán tổng thể đã tăng lên. Điều này cũng đồng nghĩa với tình trạng đô-la hóa trong nền kinh tế đã gia tăng, do người dân tăng cường nắm giữ USD. Mặc dù vậy, số liệu này vẫn chưa tính toán hết được một số dòng ngoại tệ dịch chuyển ra khỏi nền kinh tế không được thống kê một cách chính thức. Điều này có thể thấy được khi khoản mục sai số trong cán cân thanh toán năm 2009 bị âm đến 9,4 tỷ USD và dự kiến năm 2010 cũng âm khoảng 6 tỷ USD.

Lòng tin vào đồng nội tệ suy giảm: Có thể thấy tổng cán cân tài khoản vãng lai và tài khoản vốn trên thực tế vẫn thặng dư. Vì vậy, nguyên nhân căng thẳng tỷ giá chủ yếu xuất phát từ lòng tin của người dân vào đồng nội tệ bị suy giảm.

Lập luận này được củng cố khi có nhiều dấu hiệu cho thấy tình trạng đô-la hóa của nền kinh tế đã tăng mạnh trong thời gian gần đây. Dư nợ của những khoản vay bằng ngoại tệ tăng cao hơn rất nhiều so với dư nợ nội tệ và việc niêm yết giá hàng hóa bằng USD là khá phổ biến.

Mất giá của VND so với một số đồng tiền từ đầu năm đến 04/11/2010

Chìa khóa cho vấn đề tỷ giá của Việt Nam ảnh 2

Thông tin không thuận lợi khác là dự trữ ngoại hối của Việt Nam giảm.

Cơ chế điều hành tỷ giá: Việc điều hành tỷ giá của Việt Nam được thực hiện theo cơ chế "thả nổi có điều tiết". Tỷ giá tham chiếu là tỷ giá liên ngân hàng dao động trong biên độ +/-3%. Tuy nhiên, tỷ giá liên ngân hàng thường thấp hơn nhiều so với tỷ giá giao dịch thực tế trên thị trường do người mua phải trả thêm các khoản phí.

Không những vậy, những đợt điều chỉnh tỷ giá của NHNN thường khá "đột ngột" và hầu như thị trường khó có thể dự báo trước. Điều này cũng khiến cho thị trường phản ứng không tích cực đối với các lần điều chỉnh tỷ giá và lòng tin vào sự ổn định tỷ giá càng suy giảm.

 

Đánh giá khả năng VND tiếp tục mất giá

Với những phân tích trên, có thể thấy áp lực về tăng tỷ giá tiếp tục ở mức khá cao trong thời gian tới. Tuy nhiên, khả năng VND mất giá mạnh lên mức 22.000 hay 23.000 VND/USD khó xảy ra. Dù áp lực ngoại tệ là khá lớn do nhu cầu thanh toán nhập khẩu và trả nợ, nhưng có thể được bù đắp bởi lượng kiều hối, FDI giải ngân và vốn vay mới. Ngoài ra, chúng tôi đang kỳ vọng dòng vốn FPI có thể chảy mạnh vào Việt Nam trong thời gian tới, khi giá cổ phiếu đang rất hấp dẫn so với các nước trong khu vực.

Áp lực về việc thu gom ngoại tệ để nhập khẩu vàng không quá lớn, vì nhập khẩu chính ngạch được NHNN kiểm soát. Lượng nhập khẩu lậu vàng không nhiều do giá vàng trong nước và trên thế giới chênh lệch không đáng kể khi quy đổi theo tỷ giá thị trường.

Chìa khóa cho vấn đề tỷ giá của Việt Nam ảnh 3

Một lý do nữa cho thấy tiền đồng khó giảm mạnh là do hiện nay VND đã mất giá hơn 15% so với hầu hết các đồng tiền của các nước trong khu vực Đông Nam Á. Điều này khiến VND đang được định giá thấp hơn nhiều so với nhiều đồng tiền của các đối tác thương mại.

 

Giải pháp cho việc bình ổn tỷ giá

Để tỷ giá được bình ổn lâu dài thì chắc chắn hai yếu tố căn bản là nhập siêu và lạm phát phải được khống chế. Tuy vậy, đây là những yếu tố có tính cơ cấu, sẽ cần thêm nhiều thời gian và quyết tâm từ những nhà quản lý. 

Trước mắt, việc quan trọng nhất là cần phải giảm mức kỳ vọng về sự mất giá của tiền đồng bằng một chính sách minh bạch, nhất quán và khoa học trong điều hành kinh tế. Chính phủ phải thể hiện quyết tâm trong vấn đề giảm thâm hụt ngân sách, tăng hiệu quả đầu tư công và giám sát chặt hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước.

Tiếp đến, thị trường cần một cơ chế điều hành tỷ giá linh động hơn. Việc giữ tỷ giá cố định kéo dài theo "mệnh lệnh hành chính" không phải là một giải pháp hiệu quả. Thay vào đó, việc điều chỉnh tỷ giá tham chiếu nên được thực hiện một cách linh hoạt theo những tín hiệu của thị trường. Tỷ giá bình quân liên ngân hàng phải thực sự là tỷ giá tham chiếu cho giao dịch trên thị trường.

Việc giảm lãi suất xuống mức thấp hơn kỳ vọng của thị trường bằng các biện pháp hành chính cũng chỉ nên thực hiện một cách có cân nhắc, vì điều này sẽ làm tăng quá trình tích lũy ngoại tệ. Ngoài ra, cần thận trọng và hạn chế các biện pháp như kết hối hay các biện pháp có tính chất hành chính khác

Chúng tôi cho rằng, biện pháp bán dự trữ ngoại hối ra thị trường để bình ổn tỷ giá cần phải được xem xét một cách thận trọng, vì thực tế dự trữ ngoại tệ của Việt Nam đã xuống mức khá thấp.

Bên cạnh đó, không nên quá lo ngại việc điều chỉnh tỷ giá sẽ tác động mạnh đến lạm phát, dù tổng giá trị xuất nhập khẩu của Việt Nam là hơn 150% GDP. Nguyên nhân chính yếu của tình trạng lạm phát cao ở Việt Nam là do cung tiền tăng cao và đầu tư chưa hiệu quả.