Chia của…

Chia của…

(ĐTCK) Sau khi đã "tợp" hết dăm cốc không mồi, ông bạn bia cỏ của tôi thì thào như buôn bạc giả: ông có biết chuyện gì nóng nhất của siêu Hà Nội mở rộng không?

Ừ thì cũng như cái ngày ông chuyển được cả "gánh hát" ra Hà Nội, lấy thủ đô làm... khu kinh tế mới. Tốn kém cho mấy bác hộ tịch một tí, sụt giảm một hai chục cân lo tiền kiếm chỗ chui ra chui vào, dần dần rồi cũng mát mặt thôi mà!

Tôi không nói về cái vĩ mô ấy, cái này chỉ vi mô thôi nhưng rất nóng (ái chà, dạo này bia cỏ mà cũng hóng hớt vĩ mô, vi mô thì kinh tế nước nhà được nhờ đây). Chuyện này không chỉ khiến giới doanh nghiệp Hà Nội xôn xao mà các nhà quản lý cũng... bù đầu bứt tóc. Số là sau khi Hà Nội mở rộng địa giới, bỗng dưng có gần ngàn doanh nghiệp thủ đô gặp "oan gia" vì trùng tên, trùng họ.

Thì cũng vẫn là sự thường, ngày Hà Nội còn bé tí, những cái tên kiểu như  Thăng Long cò lờ tờ đờ (Thanglong Co. Ltd) còn có đến vài chục. Cứ pháp luật mà làm, anh nào nhìn thấy ánh mặt trời trước thì làm anh, các cậu kia "ăn thèm vác nặng", biết điều thì chọn tên khác...

Khổ cái là pháp luật lại chưa tính đến việc xử lý chuyện trùng tên do điều chỉnh địa giới hành chính. Mà doanh nghiệp thì ông nào cũng kiên trì phương châm "mất tên là mất tất cả", nên một tấc không đi, một li không rời. Có vị còn "thách" ai cưỡng bức được họ đi làm lại giấy khai sinh đấy…

Đi thêm vài cốc, ông bạn lại chép miệng, thấy chuyện này mà tôi lại lo cho các CTCK ông ạ.

Chứng khoán thì có liên quan gì ở đây. Mà ông lo cái gì, dẫu người ta có cấp phép như ngả rạ thì toàn thị trường giờ cũng chỉ ngót trăm CTCK. Với cái tình cảnh thị trường thế này thì... tôi còn sợ nhiều thành viên thị trường ốm yếu không trụ nổi qua mùa đông này. Làm gì có cái chuyện trùng tên, trùng tuổi mà ông lo bò trắng răng.

Ông chưa hiểu ý tôi, lo là lo chính cái chuyện... chuyển sang "từ trần" ấy đấy. Hôm rồi, cô bạn đồng nghiệp của ông chẳng công bố những thông tin "động trời" về những con số lỗ nhiều trăm tỷ của vài CTCK đại gia là gì.

Thì có gì đáng làm ầm ĩ đâu nhỉ. Thị trường xuống thế thì ai chẳng… "thở hắt ra". Còn đủ gan để tự nguyện công bố chuyện thua lỗ đã là đáng mặt lắm rồi. Người ta thậm chí còn cho rằng, trong non trăm CTCK đang "gắng sống đến bình minh", cũng chỉ có các đơn vị nằm trong top 20 trên thị trường mới có khả năng tồn tại thôi.

Nếu đúng vậy và nếu cộng trừ nhân chia theo cách đếm cốc ăn tiền của tôi với ông thì có đến non tám chục "anh" phải lo việc... hậu sự. Vừa rồi, cơ quan quản lý cũng đã lo liệu đâu vào đấy các thủ tục rồi. Nghị định về phá sản CTCK đã nêu rõ ràng, nếu doanh nghiệp chứng khoán có nguy cơ mất khả năng thanh toán, UBCK có quyền yêu cầu công ty đó bàn giao "tiền và chứng" của nhà đầu tư nguyên vẹn sang doanh nghiệp khác thay thế. Việc bàn giao này sẽ do Ủy ban làm trọng tài, nếu khó chọn đối tác quá thì Ủy ban cũng... giúp luôn.

Không, khổ là khổ cho các công ty nhận bàn giao cơ!

Thì nhất họ rồi còn gì, bỗng dưng "vớ" được một mớ tài khoản, mà người khác mất bao công sức gây dựng.

Thế ông đã tính chuyện trùng tên trùng họ, trùng mã số tài khoản chưa. Trước nay, CTCK nào chẳng có mấy nhà đầu tư VIP, có quyền tự chọn mã số tài khoản cho mình. Mà cái sự mê tín của không ít nhà đầu tư chứng khoán là việc… biết rồi khổ lắm nói mãi. Ông đã nghe chuyện các đại gia chứng khoán chơi biển số chưa. Có vị sẵn sàng bán phứt chiếc Camry mới coong mua chưa được 2 tháng mặc dù lỗ mất hơn 7.000 USD, chỉ vì biển đăng ký có con số không hợp tuổi. Một vị còn "dụng công" hơn, sau khi tậu xe mới vẫn tìm bằng được chiếc biển số giống của xe cũ chỉ khác sêri, bởi con số này cho vị ấy lắm lộc. Một đại gia chứng khoán mê xe hơi còn nổi tiếng với tuyên bố: "Xe độc mà biển thường thì cũng giống như diện comple mà lại xỏ... tông lào" cơ mà.

Thế nên cái việc các đại gia này “nâng lên, đặt xuống” chọn mã số tài khoản là chuyện đương nhiên. Tôi còn biết có nhà đầu tư cỡ bự chỉ vì thầy tướng bảo rằng, mạng anh không hợp với số ấy nên còn bám thì còn lỗ, nên CTCK o bế bằng không biết bao nhiêu chước, thậm chí, nếu thích "con" nào cứ đặt lệnh mua kể cả khi tài khoản trắng tiền, khi nào cần lấy tiền sẽ có nhân viên mang đến tận nhà rồi ký cọt sau. Thế mà, anh vẫn nói lời tạm biệt. Chỉ vì một CTCK mới thành lập ra chiêu: bác thích số nào cứ chọn, bọn em chiều hết.

Bây giờ (nói dại mồm), có vài thành viên thị trường… lăn đùng ra vì cảm gió, tài khoản nhà đầu tư bằng cách này hay cách khác chuyển sang đơn vị khác, nhưng số đẹp ấy đã bị người khác xí phần thì giải quyết cách nào nhỉ? Mà dám chắc rằng, những mã số lộc lá kiểu ấy chẳng bao giờ còn ở bất cứ công ty nào!

Này, hay là ta cứ giữ nguyên số đẹp rồi gắn thêm "a, b, c", vào đuôi, đại loại như các bác giao thông - công chính Hà Nội tư vấn cho lãnh đạo quy định xe biển chẵn đi ngày chẵn, lẻ ra đường vào ngày lẻ dạo trước ấy… Nhưng mà kể cũng thương cho những nhà đầu tư có "biển đẹp", đã lỗ đậm rồi mà đến năm cùng tháng tận vẫn phải lo thêm chuyện… mất số ông ạ!

Tôi thì lại thấy ông mới là "thằng" vô duyên. Năm hết, Tết đến, người ta đang bù đầu lo trăm thứ chuyện, lo kinh doanh, lo cái tết cho nhân viên sao cho chẳng hoành tráng đến nỗi phải thanh minh như năm ngoái thì cũng có đủ thịt mỡ dưa hành, lại còn lo "chỉnh lý" báo cáo tài chính sao cho cổ đông đỡ... tăng xông huyết áp. Ông thì cứ ngồi đây tán chuyện... hậu sự. Khác gì bác sĩ đang lo chuyện thuốc men mà người nhà bệnh nhân cứ tụ tập trước phòng cấp cứu tính chuyện... chia của.

Rõ là... cú nhòm giường bệnh.

Xem toàn bộ chùm bài "Văn hóa chứng khoán"