Cổ tức bằng cổ phiếu khi thị trường suy thoái là... "nỗi đau".

Cổ tức bằng cổ phiếu khi thị trường suy thoái là... "nỗi đau".

Chia cổ tức bằng cổ phiếu: Muôn nẻo tâm tư

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong bối cảnh thị trường chứng khoán diễn biến kém tích cực, việc doanh nghiệp chia cổ tức bằng cổ phiếu khiến không ít nhà đầu tư ấm ức.

Điểm hẹn cổ tức

Năm 2022 sắp khép lại cũng là lúc trên thị trường xuất hiện nhiều thông tin doanh nghiệp chốt quyền trả cổ tức. Trong đó, có nhiều doanh nghiệp trả cổ tức bằng tiền với tỷ lệ cao ngất ngưởng. Chẳng hạn, Công ty cổ phần Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (mã NTC) tạm ứng cổ tức năm 2022 tỷ lệ 60%; Công ty cổ phần Cao su Phước Hòa (mã PHR) tạm ứng cổ tức lần 1/2022, tỷ lệ 40% vốn điều lệ bằng tiền mặt. Công ty con của Hóa chất Đức Giang là Phốt pho Apatit Việt Nam (mã PAT) mạnh tay chia cổ tức còn lại năm 2022 tỷ lệ 100%...

Nhưng lại có những doanh nghiệp chia cổ tức bằng cổ phiếu, như Mía đường Lam Sơn (mã LSS) sắp phát hành thêm 4,55 triệu cổ phiếu trả cổ tức niên vụ tài chính 2019 - 2020 và 2020 - 2021 theo tỷ lệ 6,5%; Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (mã TAR) trả cổ tức năm 2021 tỷ lệ 10%; Công ty cổ phần Đầu tư LDG (mã LDG) trả cổ tức năm 2021 tỷ lệ 7% hay Công ty cổ phần Đông Hải Bến Tre (mã DBT) chia cổ tức năm 2021 tỷ lệ 15%...

Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Agriseco cho biết, thanh khoản khó khăn, nhiều doanh nghiệp phải chia cổ tức bằng cổ phiếu. Dù vậy, trong bối cảnh thị trường giảm sâu, VN-Index xuống mốc 874 điểm, nhiều cổ phiếu chạm đáy khi mất 50 - 80% giá trị, nhà đầu tư tỏ ra e dè với cổ tức bằng cổ phiếu, đặc biệt là với những nhà đầu tư ngắn hạn.

“Nhà đầu tư vẫn thích tiền tươi thóc thật hơn cổ phiếu lúc này”, ông Khoa nói.

Thêm một lý do khiến nhà đầu tư không chuộng hình thức chi trả này là quy trình phát hành và lưu ký cổ phiếu đòi hỏi nhiều thời gian, bị “chôn vốn”.

Nhà đầu tư Phạm Thu Hường chia sẻ lý do không thích nhận cổ tức bằng cổ phiếu là ngay trong ngày chốt quyền, nhà đầu tư sẽ bị điều chỉnh giảm giá cổ phiếu đang nắm giữ. Với việc thị trường đi xuống rất mạnh thời gian qua, nhà đầu tư đang gồng lỗ sẽ phải gồng thêm cả khoản bị điều chỉnh từ nhận cổ tức, khiến cảm giác lỗ càng nặng. Khi bán cổ phiếu được trả cổ tức, nhà đầu tư lại phải trả thêm một lần thuế và phí giao dịch nữa.

Cơ hội tích lũy cổ phiếu tốt

Ở thời điểm thị trường chứng khoán tăng trưởng nhanh và mạnh, nhà đầu tư sẽ thích chia cổ phiếu hơn, đặc biệt là các cổ phiếu ngân hàng luôn được săn đón. Hiện tại, doanh nghiệp chia cổ tức bằng cổ phiếu nhiều không hẳn quá xấu, nhưng ông Nguyễn Anh Khoa đánh giá, sẽ không như kỳ vọng trước đây của nhà đầu tư.

Dù vậy, chuyên gia Agriseco cho rằng, nếu nhìn một cách tích cực, với cổ phiếu của những doanh nghiệp tốt, việc nhận cổ tức bằng cổ phiếu lúc này cũng là cơ hội giúp nhà đầu tư có thể tích lũy thêm cổ phiếu tốt với kỳ vọng sinh lời lớn hơn sau này. Bản thân ông Khoa cũng đang xây dựng chiến lược đầu tư để có thể mua được thêm cổ phiếu tốt như vậy.

Trong điều kiện dòng vốn khó khăn, các doanh nghiệp khát vốn cũng cần tìm mọi cách huy động dòng tiền, đảm bảo vốn cho hoạt động kinh doanh của mình. Chia cổ tức bằng cổ phiếu là cách doanh nghiệp giữ lại tiền để khắc phục khó khăn, hoặc mở rộng sản xuất.

Nhà đầu tư chấp thuận cổ tức bằng cổ phiếu cũng có thể coi là hành động chung tay trong giai đoạn doanh nghiệp đang khó khăn. Nhưng ông Khoa cũng lưu ý nhà đầu tư chú ý đến các doanh nghiệp sản xuất bởi nhóm doanh nghiệp này chia cổ tức bằng cổ phiếu nhằm giữ vốn cho sản xuất và có khả năng tạo ra nhiều giá trị thặng dư.

Chuyên gia khuyến nghị, nhà đầu tư nên nhìn vào chỉ số ROE của doanh nghiệp để xác định việc có nên tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp hay không. Nếu ROE hiệu quả trên 10%, tức là để tiền lại sẽ sinh lời tốt hơn lãi suất tiền gửi tiết kiệm, nhà đầu tư nên đồng hành cùng những doanh nghiệp này. Doanh nghiệp giữ lại vốn để kinh doanh nếu hiệu quả sẽ là động lực tăng giá cổ phiếu.

“Tuy nhiên, cổ đông cũng phải xác định lợi nhuận đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp, thay vì các khoản tài chính đột biến hay từ các khoản khác”, ông Khoa lưu ý.

Tin bài liên quan