Hàng loạt tên tuổi lớn ngành công nghiệp bán dẫn đã hoạt động tại Việt Nam. Ảnh: Lê Toàn
Cơ hội “ngàn năm có một”
Hơn 50 doanh nghiệp ngành công nghiệp bán dẫn đã hoạt động tại Việt Nam. Trong số đó, có hàng loạt tên tuổi lớn, như Intel, Amkor, Hana Micron (đóng gói, kiểm thử); Ampere, Marvell, Cadence, Renesas, Synopsys, Qorvo (thiết kế); Lam Research, Coherent (sản xuất thiết bị)... Có những dự án có quy mô lên tới hàng trăm triệu USD, thậm chí cả tỷ USD, như dự án của Intel, Amkor, Hana Micron…
Nhưng kỳ vọng của Việt Nam còn lớn hơn, bởi sau chuyến thăm của các tỷ phú thế giới, trong đó có “phù thủy” AI Jensen Huang, Chủ tịch - CEO của NVIDIA, Việt Nam đang trở thành tâm điểm chú ý của thế giới. Ông Huang, trong chuyến thăm Việt Nam cuối năm ngoái, đã khẳng định: “Việt Nam là quốc gia duy nhất có thể tham gia đầy đủ các công đoạn của chuỗi bán dẫn”.
Và đó là một trong những lý do khiến vị CEO của “người khổng lồ” AI NVIDIA muốn biến Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất và đổi mới AI lớn của mình. Điều này đã dẫn tới một thỏa thuận quan trọng mà NVIDIA vừa ký với FPT. Hiện ông Keith Strier vẫn tiếp tục tích cực tìm kiếm các cơ hội hợp tác kinh doanh, đầu tư ở Việt Nam cho NVIDIA. Các kế hoạch tiếp theo sẽ sớm được công bố.
Có lẽ, đây cũng là một trong những lý do khiến Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thêm tin tưởng rằng, Việt Nam đang có cơ hội “ngàn năm có một” để tham gia chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu, với quy mô lên tới 1.000 tỷ USD vào năm 2030.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã nói điều đó tại Hội nghị Phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hôm 24/4. Chia sẻ tại Hội nghị, Bộ trưởng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thống nhất với quan điểm của nhiều chuyên gia cho rằng, cuộc đua chip toàn cầu đang nóng lên và Việt Nam có “cơ hội đặc biệt” để khẳng định mình là một trong những nước tham gia chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn.
“Đây là cơ hội mang tới tiềm năng tăng trưởng kinh tế - xã hội chưa từng có, nhưng thời gian là vấn đề cốt yếu. Chính phủ Việt Nam cần có những hành động quyết liệt và kịp thời để phát triển một hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn và tận dụng cơ hội to lớn trước mắt. Tương lai của Việt Nam phụ thuộc vào hiện tại”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Khoảng thời gian mà Bộ trưởng nhắc tới là không quá 24 tháng, để Việt Nam hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù đảm bảo cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực; đồng bộ hạ tầng điện, nước, giao thông, cáp quang, công nghệ thông tin; và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành.
Nói về thời gian, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT lại nhấn mạnh con số “18 tháng”. “Tôi gặp các vị Đại sứ Mỹ, Nhật Bản, Singapore. Họ nói rằng, ông không biết cơ hội của đất nước ông lớn thế nào đâu. Nhưng các ông chỉ có 18 tháng thôi”, ông Trương Gia Bình kể và cho biết, họ không nói lý do, nhưng ông hiểu rằng, Việt Nam chỉ có 18 tháng thôi vì “thế giới sẽ không chờ chúng ta”.
Chi tỷ USD để giành cơ hội tại thị trường ngàn tỷ USD
Hiện nay, việc ứng dụng AI để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và phát triển ngành công nghiệp bán dẫn để phục vụ phát triển AI ngày càng phổ biến và là xu thế chung không thể đảo ngược, với sự tham gia của các tập đoàn lớn như NVIDIA, Google, Meta, Apple, Microsoft…
- Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng
Trong 3 vấn đề cơ bản mà Việt Nam phải chuẩn bị để đón bắt cơ hội “ngàn năm có một”, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành là một nội dung quan trọng. Thậm chí, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nói rằng, đào tạo nhân lực ngành bán dẫn là “đột phá của đột phá”. Vì vậy, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Đề án Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Đề án đã được đưa ra thảo luận.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, Đề án được xây dựng thời điểm này là hết sức có ý nghĩa và kịp thời, bởi thế giới đang thiếu tới 1 triệu nhân lực ngành bán dẫn. Trong khi đó, Việt Nam có tiềm năng lớn về nhân lực, có thể đào tạo nhân lực cho không chỉ mục tiêu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn trong nước, mà còn sẵn sàng cung ứng ra bên ngoài.
Theo Đề án, mục tiêu là đến năm 2030, kỹ sư Việt Nam có thể tham gia sâu vào quy trình thiết kế, công đoạn đóng gói và kiểm thử, làm chủ được một phần công nghệ đóng gói và kiểm thử; từng bước nắm bắt được công nghệ trong công đoạn sản xuất.
Các con số cụ thể là đào tạo được 50.000 kỹ sư phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn trong tất cả các công đoạn của chuỗi giá trị, trong đó có 15.000 kỹ sư thiết kế vi mạch bán dẫn và 35.000 kỹ sư trong lĩnh vực khác của ngành công nghiệp bán dẫn. Đặc biệt, trong số này, tối thiểu 5.000 kỹ sư có chuyên môn sâu về AI.
Đồng tình với các nội dung quan trọng của Đề án, ông Phùng Việt Thắng, Giám đốc Quốc gia Intel tại Việt Nam cho rằng, trong công nghiệp bán dẫn, có nhiều công đoạn khác nhau và mỗi công đoạn yêu cầu nguồn nhân lực khác nhau. Chính vì thế, dù cần có một chiến lược chung, thì cũng vẫn cần có kế hoạch hành động riêng và đặc thù cho mỗi đối tượng nhân lực mà chúng ta cần phát triển, phù hợp với thế mạnh của Việt Nam.
Ông Thắng cũng nhấn mạnh về cơ hội to lớn đối với các quốc gia đang quan tâm phát triển công nghiệp bán dẫn. Bởi lẽ, những công ty toàn cầu như Intel đang có những nhu cầu mới cần thay đổi và việc “vẽ lại vị trí trên bản đồ thế giới” là một cơ hội đặc biệt.
Để đón cơ hội đặc biệt, Việt Nam đang lên kế hoạch chi tới 1 tỷ USD cho đào tạo nhân lực. Theo Đề án được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng, ước tính, tổng kinh phí thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của Đề án đến năm 2030 khoảng 26.000 tỷ đồng (tương đương hơn 1 tỷ USD), trong đó ngân sách nhà nước khoảng 17.000 tỷ đồng và nguồn xã hội hóa khoảng 9.000 tỷ đồng.
Không chỉ nguồn lực, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để thực hiện Đề án, trong đó có việc khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp tham gia đào tạo và xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù cho đào tạo nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn…
Đây là những nhiệm vụ không đơn giản. Mục tiêu huy động hơn 1 tỷ USD để thực hiện Đề án nhân lực cũng không dễ dàng. Tuy vậy, đầu tư 1 tỷ USD để có cơ hội to lớn trong phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và cơ hội tham gia thị trường 1.000 tỷ USD là điều cần thiết và quan trọng. Ngay cả các quốc gia phát triển, như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… cũng sẵn sàng bỏ ra hàng tỷ USD để hỗ trợ các doanh nghiệp bán dẫn hàng đầu thế giới đầu tư các dự án bán dẫn tại nước họ.