Cơ quan soạn thảo luật này là Bộ Giao thông - Vận tải, cho rằng, hầu hết các nước đều có mô hình tổ chức chính quyền cảng. Chính quyền cảng không nằm trong hệ thống chính quyền từ Trung ương tới địa phương mà tổ chức thống nhất về đầu tư kinh doanh, khai thác cảng biển có hiệu quả, vừa có có chức năng quản lý Nhà nước, vừa hoạt động sản xuất kinh doanh.
Chính quyền cảng sẽ đóng vai trò là "chủ đất", trực tiếp đầu tư hoặc đứng ra kêu gọi thu hút đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cảng, hạ tầng cơ bản, sau đó cho nhà đầu tư trong nước và nước ngoài thuê để kinh doanh, khai thác.
Bảo vệ quan điểm này trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 8/4, ông Đinh La Thăng, Bộ trưởng GTVT cho rằng, "Chính quyền cảng" nhằm giải quyết những tồn tại, bất cập hiện nay trong việc tổ chức phối hợp đầu tư cảng, dẫn đến tình trạng giá thành cao, hiệu quả thấp.
“Tuy nhiên, không phải ở đâu cũng có chính quyền cảng mà chỉ thành lập ở những cảng lớn như tại Hải Phòng”, ông Thăng nói.
Mặc dù vậy, hầu hết các Ủy viên UBTVQH đều tỏ ra băn khoăn về tên gọi cũng như mô hình hoạt động, tổ chức của “Chính quyền cảng”.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu, dùng từ Chính quyền cảng là không ổn, khi ở Việt Nam chỉ dùng từ chính quyền địa phương và chính quyền Trung ương.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cho rằng không nên dùng cụm từ này vì sẽ “đẻ” ra một loạt chính quyền ở các khu công nghiệp, cảng hàng không.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cũng không đồng tình khi cho rằng, Chính quyền cảng thuộc cơ quan nào quản lý, Bộ GTVT, Chính phủ, hay chính quyền địa phương. Dự thảo quy định chức năng của đơn vị này rất lớn, có phù hợp Luật Tổ chức chính quyền địa phương không?.
Trước nhiều ý kiến phản biện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Đinh La Thăng cho biết, Bộ GTVT sẽ tiếp thu và nghiên cứu lại mô hình này.
Trên thực tế, từ hai năm qua, Bộ GTVT đã kiến nghị cơ quan có thẩm quyền cho phép thành lập chính quyền cảng tại cảng Lạch Huyện, thành phố Hải Phòng. Mô hình này là cơ quan Nhà nước đặc biệt, hoạt động theo mục đích công và lợi nhuận.
Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hàng hải là nhằm tạo ra cơ chế đột phá về thể chế chính sách phát triển kinh tế biển, để nước ta mạnh lên từ biển và giàu lên từ biển. |