Ngày 10/10, tại Phiên họp thứ 38, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP) và Luật Đấu thầu (gọi tắt là dự thảo Luật sửa đổi 4 luật về đầu tư).
Sau khi Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thay mặt cơ quan soạn thảo trình bày Tờ trình của Chính phủ, Đại diện cho Ủy ban Kinh tế Quốc hội - cơ quan thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh bày tỏ cơ bản nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung các luật thuộc Dự án Luật. Hồ sơ Dự án Luật cơ bản đáp ứng yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Đề xuất thủ tục đầu tư đặc biệt đối với một số dự án đổi mới sáng tạo
Theo ông Thanh, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung nhiều quy định liên quan đến công tác quy hoạch, thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh, đầu tư theo phương thức đối tác công tư và hoạt động đấu thầu, trong đó có những quy định liên quan trực tiếp đến nguồn lực, ngân sách nhà nước, thẩm quyền, phân cấp, phân quyền cho bộ, ngành, địa phương, thủ tục hành chính...
Tuy nhiên, Báo cáo đánh giá tác động còn nhận định chung chung, định tính, thiếu số liệu minh chứng, đặc biệt trong một số chính sách còn nhận định chưa thể đánh giá được cụ thể các tác động về kinh phí mang tính định lượng, thiếu cơ sở để lựa chọn giải pháp phù hợp, do đó đề nghị cơ quan chủ trì bổ sung làm rõ.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra Dự án Luật |
Dự thảo Luật đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến trình tự lập quy hoạch, nội dung quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh là các quy hoạch được lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh theo quy định của Luật Quy hoạch.
"Tuy nhiên, tại Kỳ họp thứ 7 và thứ 8, Chính phủ cũng đề xuất ban hành Luật Địa chất và Khoáng sản, sửa đổi Luật Điện lực và Luật Di sản văn hóa sửa đổi các nội dung về trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh mà không đề xuất sửa đổi, bổ sung ngay các quy định có liên quan đến các nội dung nói trên tại Luật Quy hoạch là chưa phù hợp", ông Thanh nói.
Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát, chỉnh lý các dự thảo luật này để bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật; tránh một nội dung quy định tại nhiều luật dẫn tới chồng chéo, mâu thuẫn, gây khó khăn trong quá trình áp dụng pháp luật.
Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch
Góp ý cụ thể đối với Luật Quy hoạch, Uỷ ban Kinh tế cho rằng:
- Về hệ thống quy hoạch và mối quan hệ giữa các loại quy hoạch: Thường trực Uỷ ban Kinh tế (TTUBKT) đề nghị không quy định quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành là một loại quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia.
Về danh mục dự án trong nội dung của các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh: Một số ý kiến cho rằng, dự thảo Luật đề xuất sửa đổi, bổ sung nội dung “Danh mục dự kiến các dự án ưu tiên…” của các cấp quy hoạch này chưa xử lý được triệt để các vướng mắc đối với cách hiểu về quy định đánh giá sự phù hợp của dự án với các quy hoạch tại bước chủ trương đầu tư nêu trên tại Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư do chưa làm rõ được dự án thế nào là phù hợp với quy hoạch.
"Đồng thời, các quy định nói trên cũng chưa được đề xuất sửa đổi, bổ sung tại Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Do đó, đề nghị tiếp tục rà soát, nghiên cứu sửa đổi các quy định có liên quan đến việc đánh giá sự phù hợp với quy hoạch tại Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư để bảo đảm tính khả thi, thống nhất, tránh vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện", ông Thanh nhấn mạnh.
Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư
Về Quỹ hỗ trợ đầu tư: TTUBKT cho rằng, các cơ chế quản lý tài chính, cơ chế hoạt động đề xuất cho Quỹ đều là các cơ chế đặc thù, chưa từng có tiền lệ, khác với các quy định hiện hành, cần được phân tích, đánh giá kỹ lưỡng. Đề nghị chỉ quy định trong Luật về mặt nguyên tắc cơ bản theo hướng giao Chính phủ thành lập Quỹ Hỗ trợ đầu tư.
Về thủ tục đầu tư đặc biệt: TTUBKT đề nghị Chính phủ cân nhắc chỉ giới hạn quy định cho đối tượng là một số dự án lớn, đặc thù, có tính chất lan tỏa vùng, miền, cả nước, hiệu quả kinh tế - xã hội lớn, cần thực hiện ngay để không bỏ lỡ cơ hội đầu tư.
Việc phân cấp thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đầu tư đặc biệt cần có đánh giá tác động kỹ lưỡng, bảo đảm việc phân cấp đáp ứng khả năng, năng lực quyết định, tổ chức, nguồn nhân lực của từng cấp quản lý, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ tiếp tục cập nhật lĩnh vực được áp dụng thủ tục đầu tư đặc biệt cho đồng bộ, thống nhất với các ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư trong các Luật, dự án Luật đang được Chính phủ hoàn thiện trình Quốc hội.
Toàn cảnh phiên họp |
Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PPP
Về lĩnh vực, quy mô đầu tư theo phương thức PPP và quy mô vốn đầu tư tối thiểu để thực hiện dự án PPP: TTUBKT cho rằng, việc đề xuất mở rộng lĩnh vực và quy mô đầu tư PPP có thể dẫn đến rủi ro cho NSNN trong giai đoạn tới. Vì vậy, đề nghị cân nhắc, thận trọng đối với đề xuất này và bổ sung đánh giá kỹ lưỡng.
Ngoài ra, Luật PPP đã được áp dụng khoảng 5 năm, nhưng việc huy động các nhà đầu tư tham gia các dự án PPP vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, đề nghị cần làm rõ hơn các khó khăn, vướng mắc đối với các dự án PPP thời gian qua để có giải pháp phù hợp hơn.
Về loại hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao): TTUBKT nhận thấy, trong quá trình xây dựng Luật PPP nội dung này đã được cơ quan có thẩm quyền kết luận không thực hiện đối với loại hợp đồng BT, vì vậy, đề nghị Chính phủ khẩn trương báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, cho ý kiến theo quy định.
Về đề xuất áp dụng loại hợp đồng BOT đối với dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng công trình hiện hữu: TTUBKT đề nghị làm rõ hơn đối với quy định “lựa chọn duy nhất của cộng đồng dân cư, cá nhân sinh sống, sản xuất, kinh doanh tại khu vực công trình”. Bên cạnh đó, đề nghị bổ sung đánh giá tác động đến người sử dụng dịch vụ và có giải pháp phù hợp để xử lý tình trạng ở một số nơi dân không hợp tác...
Uỷ ban Kinh tế Quốc hội tham vấn ý kiến chuyên gia đối với dự án Luật sửa đổi 4 luật về đầu tư
Nhận thấy, Chính phủ đề xuất Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật theo trình tự, thủ tục rút gọn (nhưng sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung phức tạp, đang được thí điểm ở một số địa phương, chưa được tổng kết đánh giá toàn diện...) là chưa phù hợp.
Do đó, TTUBKT kiến nghị chỉ sửa đổi những vấn đề cấp bách, đã “chín”, đã “rõ”, được thực tiễn chứng minh, có sự thống nhất cao thì mới xây dựng, ban hành luật; những vấn đề tuy cấp bách, cần thiết, nhưng là vấn đề mới, chưa đạt đồng thuận cao thì sẽ xem xét trong quá trình sửa đổi toàn diện Luật PPP.
Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu
Về đấu thầu trước: TTUBKT cho rằng, quy định nếu dự án hoặc thỏa thuận vay vốn nước ngoài không được ký kết hoặc phê duyệt, thì chủ đầu tư có thể hủy thầu và không phải bồi hoàn chi phí tham dự thầu cho nhà thầu có thể gây bất lợi, ảnh hưởng đến quyền lợi của các nhà thầu và ảnh hưởng đến khả năng thu hút nhà thầu uy tín trong tương lai.
Quy định cho phép ký kết hợp đồng trước khi ký thỏa thuận vay vốn nước ngoài có thể dẫn đến rủi ro nếu quá trình đàm phán với nhà tài trợ kéo dài hoặc thất bại.
Đề nghị Chính phủ giải trình, đánh giá tác động cụ thể về việc áp dụng các quy định này và hướng xử lý trong dự thảo Luật.
Về quy định mua thuốc để bán lẻ tại các nhà thuốc bệnh viện công lập: TTUBKT cho rằng, để tháo gỡ khó khăn, hoàn thiện hệ thống pháp luật về đấu thầu trong lĩnh vực y tế, bảo đảm nguồn cung về thuốc, vật tư y tế phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh, thuận tiện cho người bệnh trong việc mua thuốc đảm bảo chất lượng tại các cơ sở y tế công lập là cần thiết, tuy nhiên đề nghị Chính phủ giải trình, làm rõ cơ chế kiểm tra, giám sát nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch và bảo đảm hiệu quả kinh tế khi đề xuất áp dụng mua sắm trực tiếp nhiều lần và cần có ý kiến cụ thể của Bộ Y tế về nội dung này...