Cụ thể, chỉ số PMI tháng 11 đã giảm xuống mức 49,4 điểm, từ mức 50,1 điểm trong tháng 10. Mức dưới 50 cho thấy có sự co hẹp trong sản xuất.
Theo HSBC, nhu cầu nước ngoài yếu được cho là nguyên nhân chính khiến chỉ số PMI tháng 11 giảm trở lại, trong đó đơn đặt hàng xuất khẩu mới đang ở mức thấp trong 4 tháng qua.
Hoạt động xuất khẩu có thể sẽ vẫn ở trạng thái uể oải suốt quý I/2016, nhưng HSBC vẫn giữ quan điểm lạc quan cho rằng, hoạt động xuất khẩu sẽ hồi phục trong năm 2016 khi đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trở nên tích cực.
Theo HSBC, về lâu dài, các nhà sản xuất của Việt Nam nên tiếp tục nắm bắt thị phần xuất khẩu toàn cầu, khi những nỗ lực tự do hóa thương mại toàn cầu đang bắt đầu có kết quả…, song thâm hụt thương mại nới rộng là kết quả của nhu cầu nội địa tăng mạnh.
Thâm hụt thương mại hàng hóa của Việt Nam trong năm nay cũng nới rộng thêm, nhưng nguyên nhân chính là do hoạt động nhập khẩu gia tăng, chứ không phải là do xuất khẩu suy giảm. Gần đây, nhu cầu trong nước đã hồi phục mạnh, phản ánh tình hình nền kinh tế vay nợ trở lại.
Mức cải thiện của tín dụng ngàng ngân hàng, cùng với sự phấn khích hơn về những thay đổi trong quy định sở hữu nhà ở của người nước ngoài của Việt Nam cũng đã châm ngòi cho sự hồi sinh của thị trường bất động sản, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và Hải Phòng.
Cho đến nay, tín dụng cho với lĩnh vực bất động sản hồi phục còn khá nhẹ, ở mức 14,6% tính từ đầu năm đến tháng 9 so với cùng kỳ, nhưng không giống với thời kỳ đầu cơ thái quá dẫn đến sự sụp đổ của thị trường bất động sản trong năm 2008 và lặp lại trong năm 2012. Thực tế, theo cảm nhận của HSBC, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đang rất tích cực hồi phục thị trường bất động sản, bởi giá nhà cửa phục hồi, sẽ thúc đẩy giá trị ký quỹ của các ngân hàng và giúp lĩnh vực ngân hàng thoát khỏi vấn đề nợ xấu đang tồn tại.