Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) vừa được Nikkei Việt Nam công bố đứng ở mức 51,5 điểm trong tháng 1/2016 so với mức 51,3 điểm trong tháng trước đó. Con số trên 50 thể hiện sự tăng trưởng của lĩnh vực sản xuất. Đây là tháng thứ 2 liên tiếp chỉ số PMI tăng lên, cho thấy “sức khỏe” của lĩnh vực sản xuất đang ở mức tốt hơn so với cuối năm 2015.
Các đơn đặt hàng mới tiếp tục gia tăng trong tháng 1 và ở mức vững chắc hơn so với tháng 12/2105. Theo Nikkei Việt Nam, yếu tố chính giúp số đơn đặt hàng có sự cải thiện tích cực là nhờ nhu cầu tiêu thụ gia tăng. Bên cạnh đó, lĩnh vực xuất khẩu có dấu hiệu khả quan hơn trong tháng.
Áp lực giảm phát trên thị trường hàng hóa toàn cầu dẫn tới giá cả đầu vào và đầu ra đều giảm trong tháng 1. Giá cả nguyên liệu đầu vào tiếp tục giảm trong tháng 1/2016, đánh dấu tháng giảm thứ 7 liên tiếp. Không chỉ vậy, tốc độ giảm nhanh hơn so với tháng 12/2015, do giá cả các loại nguyên liệu thô, trong đó có dầu mỏ giảm mạnh. Trong một số trường hợp, việc giá đầu vào giảm đã giúp người tiêu dùng hưởng lợi, khi các chi phí đầu ra giảm thêm.
Việc cả số liệu việc làm và hoạt động mua hàng của nhà quản trị gia tăng có liên quan tới các yêu cầu sản xuất hàng hóa tăng lên. Số việc làm mới tạo ra đang ở mức cao nhất 9 trong 10 tháng qua, mặc dù tốc độ gia tăng không quá nổi bật.
Chỉ số PMI Việt Nam qua các năm
“Với việc Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ được ký kết vào tháng 2 tới, năm 2016 có thể chứng kiến những bước tiến lạc quan hơn của nền kinh tế Việt Nam, bắt đầu bằng một khởi đầu năm đầy hứa hẹn”, Andrew Harker cho biết.