Chỉ số phát triển bền vững của VPBank tăng cao trong năm 2021

Chỉ số phát triển bền vững của VPBank tăng cao trong năm 2021

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VPBank tiếp tục đứng trong top 20 công ty có cổ phiếu trong danh mục Chỉ số Phát triển Bền vững (VNSI) cao nhất thị trường trong kỳ đánh giá năm 2021. Đây là năm thứ 3 liên tiếp VPBank đạt được kết quả này.

Chỉ số Phát triển Bền vững - VNSI do Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM phối hợp với Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) triển khai từ tháng 7/2017.

Thang chấm điểm dựa trên khả năng đáp ứng của các doanh nghiệp niêm yết đối với các thông lệ bền vững, bao gồm Bộ tiêu chuẩn của Sáng kiến Báo cáo Toàn cầu (GRI), các Nguyên tắc Quản trị công ty của G20/OECD năm 2015, Bộ Nguyên tắc Quản trị công ty theo thông lệ tốt nhất 2019 và một số quy định pháp luật về chứng khoán tại Việt Nam. Kết quả đánh giá được bên thứ ba độc lập là Công ty TNHH PwC Việt Nam soát xét, đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy cao.

Theo kết quả công bố, điểm số đánh giá tổng hợp của VPBank đạt 79%, cao hơn đáng kể so với điểm số trung bình của ngành và điểm số trung bình của top VN100.

Đáng lưu ý, điểm số đạt được của VPBank trên cả 3 khía cạnh Môi trường, Xã hội và Quản trị đều có sự cải thiện rõ rệt so với kỳ đánh giá trước đó, cho thấy ngân hàng đã không ngừng cải tiến hiệu suất bền vững trong các hoạt động của mình.

Cụ thể, hiệu suất Môi trường của VPBank đạt 77% (tăng 40%), hiệu suất Xã hội đạt 89% (tăng 15%) và hiệu suất Quản trị đạt 74% (tăng 7%). Đây là kết quả vô cùng ấn tượng khi so sánh với điểm số trung bình của ngành (Môi trường: 49%, Xã hội: 74%, Quản trị: 74%) và điểm số trung bình của rổ VN100 (Môi trường: 51%, Xã hội: 62%, Quản trị: 64%).

Năm 2021 đánh dấu những bước đột phá của VPBank đối với các đóng góp bền vững khi danh mục tín dụng xanh tăng trưởng trên 300%, đóng góp gần 500 tỷ đồng để đồng hành cùng Chính phủ và người dân trong việc giảm thiểu các tác động của thiên tai và dịch Covid-19, đồng thời huy động thành công 300 triệu USD từ nguồn vốn quốc tế nhằm hỗ trợ phát triển và bổ sung thanh khoản cho các doanh nghiệp SME tồn tại và vượt qua giai đoạn khó khăn của dịch bệnh, đặc biệt chú trọng vào nhóm doanh nghiệp SME do phụ nữ lãnh đạo.

Tin bài liên quan