Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2023 (PCI 2023): Trong khó khăn, doanh nghiệp đặt niềm tin vào chính quyền

0:00 / 0:00
0:00
Gửi thông điệp khó khăn còn lớn, doanh nghiệp trông nhiều vào tính năng động của chính quyền địa phương.
Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2023 (PCI 2023): Trong khó khăn, doanh nghiệp đặt niềm tin vào chính quyền

Khi “nhiệt kế kinh doanh” xuống rất thấp

Đứng phía sau hội trường của Nhà hát Lớn Hà Nội trong Lễ công bố PCI 2023, ông Lưu Công Thành, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Quảng Ninh chăm chú lắng nghe lời phát biểu của lãnh đạo ngôi vị số 1 PCI 2023. Đây là lần thứ 7, Quảng Ninh đứng ở vị trí đầu tiên, cũng là bằng đó năm, hội viên Hội Doanh nhân trẻ Quảng Ninh chấm điểm tích cực cho chính quyền địa phương, nhưng ông Thành vẫn tiếp tục chờ đợi những thông điệp mới từ lãnh đạo chính quyền địa phương.

“Bối cảnh kinh doanh càng khó, thì việc chính quyền đồng hành, hỗ trợ sẽ đỡ gánh cho doanh nghiệp rất nhiều. Nhiều khi, chỉ đơn giản như lãnh đạo các sở, ngành đến các cuộc giao lưu cà phê doanh nhân với chính quyền, lắng nghe và tìm cách giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp ở đó như nhiều năm qua Quảng Ninh đã làm, hay các vấn đề của doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp lớn đều được quan tâm, giải quyết như nhau, thì doanh nghiệp cảm thấy ấm lòng hơn rất nhiều”, ông Thành chia sẻ.

Thực tế khó khăn đã phản ánh rất rõ trong khảo sát PCI 2023. Chỉ có 27% doanh nghiệp tư nhân cho biết sẽ mở rộng hoạt động trong hai năm tiếp theo, giảm đáng kể từ con số 35% của năm 2022.

Phân tích con số này, ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Trưởng nhóm Nghiên cứu PCI nhấn mạnh, con số 27% này cũng thấp hơn cả mức đáy trước đây là năm 2012-2013 khi nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt với tác động kép của khủng hoảng tài chính toàn cầu và những bất ổn kinh tế vĩ mô trong nước.

Dữ liệu khảo sát còn cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp dự kiến giảm quy mô kinh doanh hoặc đóng cửa doanh nghiệp trong khảo sát năm 2023 lên tới 16,2%. Con số này cao hơn đáng kể so với mức 10,7% được ghi nhận trong khảo sát năm 2022 và gần bằng mức cao kỷ lục 16,6% của khảo sát năm 2021 - khi Việt Nam nằm trong tâm dịch Covid-19.

Lý do của những khó khăn, theo khảo sát hơn 9.000 doanh nghiệp tư nhân, vẫn là tiếp cận tín dụng, tìm kiếm khách hàng, biến động thị trường... Đặc biệt, biến động chính sách, pháp luật vẫn tiếp tục đứng trong nhóm các khó khăn chủ yếu mà doanh nghiệp liệt kê khi tham gia khảo sát PCI 2023.

Nhóm nghiên cứu PCI coi đây là một điểm cần lưu ý, dù chỉ đứng thứ 6 trong 15 khó khăn của doanh nghiệp. Vì con số khảo sát của năm 2023 đã tăng so với năm 2022 (9,5%), làm gián đoạn xu hướng giảm của chỉ tiêu này trong các năm 2018-2022. Kế đến, chỉ tiêu này đã tăng khoảng 5,1 điểm phần trăm so với năm trước đó. Đây là mức tăng lớn thứ 2 trong số các nội dung khảo sát trong năm 2023. Dấu hiệu này có thể là hệ quả của những biến động chính sách trong điều hành thị trường xăng dầu, điện, trái phiếu trong năm vừa qua...

Áp lực từ kỳ vọng nhiều hơn của doanh nghiệp

Trong phần phát biểu của ông Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh tại Lễ công bố PCI 2023 có câu: “Giành được niềm tin của doanh nghiệp đã khó, mà giữ vững, nuôi dưỡng và tiếp tục nâng lên tầm cao mới lại càng khó hơn”.

Đây là thông điệp mang tính ngoại giao, thường thấy trong các phát biểu của vị trí số 1 các bảng xếp hạng, nhưng lần này, lãnh đạo Quảng Ninh cảm nhận rõ hơn áp lực và những khó khăn. Cho dù vững chân ở vị trí đầu bảng, nhưng điểm số của Quảng Ninh và cả Hải Phòng - tiếp tục duy trì vị trí thứ 3, đã không còn giữ được như trước. Năm nay, Quảng Ninh ghi được 71,25 điểm, thấp hơn so với 72,95 điểm của PCI 2022. Hải Phòng ghi nhận 70,34 điểm so với 70,76 điểm năm 2022.

Thực tế, sự giảm điểm không phải chỉ của 1 - 2 địa phương. Thậm chí, ông Đậu Anh Tuấn đã nhìn nhận thấy sự chững lại của những tỉnh đứng đầu PCI. Cụ thể, điểm số của tỉnh đứng đầu năm 2023 chỉ đạt 71,25 điểm với chỉ số PCI tổng hợp và 77,33 điểm với chỉ số PCI gốc, lần lượt giảm 1,7 điểm và 3,32 điểm của từng thước đo PCI so với năm 2022.

“Những tỉnh nhóm đầu đang đứng trước áp lực lớn từ việc vừa phải sáng tạo hơn trong việc tạo lập môi trường đầu tư - kinh doanh thuận lợi, vừa phải duy trì hiệu quả các nỗ lực cải cách trong bối cảnh nhiều tỉnh nhóm sau vươn lên mạnh mẽ”, ông Tuấn lý giải.

Cần phải làm rõ, Chỉ số PCI đo lường chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền cấp tỉnh trên 10 lĩnh vực quan trọng đối với sự phát triển của các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân. Điều này đòi hỏi các địa phương muốn trụ hạng phải có sự cải thiện đồng bộ nhiều nội dung, từ thủ tục hành chính đến hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận đất đai, hỗ trợ pháp lý, đào tạo lao động...

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, ông Trần Quốc Văn, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên thừa nhận, không dễ có được sự cải thiện, khi khó khăn của doanh nghiệp không dễ giải, nhiều khi vượt thẩm quyền của chính quyền địa phương...

“Như chúng tôi cam kết, doanh nghiệp đến Hưng Yên là sẽ có đất, khó khăn sẽ phải được gỡ..., nhưng đúng là cả hệ thống phải vào cuộc thì mới thực hiện được”, ông Văn nói.

Năm nay, Hưng Yên tăng thêm được 2 bậc, đứng thứ 12 trong PCI 2023. Mục tiêu vào Top 10 của địa phương này đã được đặt ra, nhưng ông Văn nói, đó thực sự là áp lực.

Tiếng nói của những địa phương phía cuối bảng

Trong PCI 2023, dù không có tên do cách công bố chỉ dừng ở Top 30, nhưng các địa phương nửa cuối bảng xếp hạng PCI không hề vô danh.

Theo VCCI, điểm số PCI của tỉnh đứng cuối năm 2023 (61,37 điểm) đã có sự gia tăng đáng kể (1,79 điểm) so với tỉnh đứng cuối PCI 2022 (59,58 điểm). Điểm số PCI của tỉnh đứng cuối PCI 2023 đã lần đầu tiên vượt ngưỡng 60 điểm và cao nhất trong 18 năm xây dựng, công bố chỉ số PCI trên cả nước.

Củng cố dấu hiệu này, Nhóm nghiên cứu đã nhắc đến điểm số PCI gốc của tỉnh đứng cuối trong khảo sát năm 2023 (51,67 điểm) cũng tăng 0,95 điểm so với năm 2022 và cao nhất từ trước đến nay.

“Trong 10 năm trở lại đây, các tỉnh nhóm sau đã cải thiện chất lượng điều hành kinh tế để có sự bứt phá. Những tỉnh này có thể đã tận dụng tốt ‘lợi thế của người đi sau’ khi có thể học hỏi, áp dụng những bài học thành công từ nhóm tỉnh có chất lượng điều hành cao hơn”, ông Tuấn làm rõ.

Điều này có thể lý giải sự xuất hiện của những gương mặt mới trong Top 30 PCI năm 2023 như Hải Dương, Bình Thuận, Ninh Bình, Tây Ninh, Đắk Nông, Cà Mau, Tiền Giang và Thanh Hóa. Thậm chí, sự bứt phá của những tân Top 10, như Bến Tre, Hậu Giang và Phú Thọ cũng là những trường hợp tiêu biểu trong nỗ lực đồng hành với doanh nghiệp.

Thông điệp về tinh thần năng động, tiên phong của cán bộ

Thực ra, không có chỉ số nào toàn diện để đánh giá tính năng động, tiên phong, dám nghĩ, dám làm của chính quyền, nhưng chỉ số thành phần về tính năng động, tiên phong của bộ máy chính quyền trong PCI 2023 thể hiện cảm nhận, nhưng cũng là thông điệp của doanh nghiệp gửi gắm đến lãnh đạo địa phương và cả Chính phủ.

“Doanh nghiệp thực sự trông đợi vào tinh thần dám nghĩ, dám làm của cán bộ, như Thủ tướng Chính phủ cam kết trong các cuộc làm việc với cộng đồng doanh nghiệp”, ông Tuấn nói khi nhắc đến điểm số giảm sút của tính năng động, tiên phong trong PCI 2023.

Cụ thể, 51,5% doanh nghiệp nhận định “các sở, ngành không thực hiện đúng chủ trương, chính sách của lãnh đạo tỉnh, thành phố”, tăng nhẹ từ con số 50,4% của năm 2022. Năm 2023, vẫn có tới 44,7% doanh nghiệp quan sát thấy hiện tượng “chính quyền cấp huyện, thị xã không thực hiện đúng chủ trương, chính sách của lãnh đạo tỉnh, thành phố”, giảm nhẹ từ mức 45,2% của năm 2022.

Đáng lưu ý, chỉ 40,8% doanh nghiệp quan sát thấy “chủ trương, chính sách của tỉnh, thành phố đối với việc tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động là ổn định và nhất quán” vào năm 2023, giảm đáng kể từ con số 50% năm 2022 và 53,4% năm 2021...

Dù có giảm nhẹ từ mức 76,9% của năm 2022, song tỷ lệ doanh nghiệp tin tưởng lãnh đạo địa phương đã hành động để thực hiện các cam kết cải thiện môi trường kinh doanh năm 2023 vẫn đạt 74,5%. Điều này cho thấy, chính trong lúc khó khăn này, niềm tin của doanh nghiệp đang đặt vào hành động của các cấp chính quyền.

“Chúng tôi tin chắc là cả doanh nghiệp và địa phương đều hưởng lợi khi môi trường kinh doanh thực sự thân thiện, thông thoáng, công bằng”, ông Thành chia sẻ.

Tin bài liên quan