Tình hình dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, nhiều địa phương nới lỏng giãn cách giúp lưu thông, vận chuyển hàng hóa thuận lợi, nhu cầu tích trữ hàng tiêu dùng của người dân giảm, đồng thời nguồn cung hàng hóa được đảm bảo khiến giá lương thực, thực phẩm trong tháng giảm.
Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng điện, nước sinh hoạt giảm khi thời tiết sang thu và giá thuê nhà tiếp tục xuống thấp nhằm hỗ trợ người dân gặp khó khăn trong đại dịch.
Đây là các nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2021 giảm 0,2% so với tháng trước, tăng 1,67% so với tháng 12/2020. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính có 3 nhóm giảm giá so với tháng trước, 8 nhóm tăng giá.
3 nhóm hàng giảm giá bao gồm nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng, nhóm bưu chính viễn thông.
8 nhóm hàng tăng giá bao gồm nhóm giao thông, nhóm giáo dục, nhóm đồ uống và thuốc lá, nhóm may mặc, mũ nón, giày dép, nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình, nhóm văn hóa, giải trí và du lịch, nhóm thuốc và dịch vụ y tế.
Ngoài ra, nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,12% do dịch vụ cắt tóc, gội đầu và vật dụng tang lễ, thờ cúng tăng.
So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 10/2021 tăng 1,77%. Trong 11 nhóm hàng tiêu dùng chính có 8 nhóm tăng giá và 3 nhóm giảm giá. CPI bình quân 10 tháng năm 2021 tăng 1,81% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng bình quân 10 tháng thấp nhất kể từ năm 2016.
Lạm phát cơ bản tháng 10/2021 giảm 0,17% so với tháng trước, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước.
Bình quân 10 tháng năm 2021, lạm phát cơ bản tăng 0,84% so với cùng kỳ năm 2020, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 1,81%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, giá xăng, dầu và giá gas tăng. Mức lạm phát cơ bản tháng 10 và 10 tháng năm 2021 so với cùng kỳ năm trước đều là mức thấp nhất kể từ năm 2011.