CPI của tháng này đã trở về quy luật chung của các năm trước là tháng liền kề sau Tết có mức giảm giá so với tháng Tết. Trong 11 nhóm hàng trong “rổ” tính giá, có 6 nhóm hàng có mức giá giảm là: Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác (-0,62%), nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (-0,6%), nhóm đồ uống và thuốc lá (-0,35%), nhóm giao thông (-0,34%), nhóm văn hóa-giải trí-du lịch (-0,47%), nhóm may mặc-mũ nón-giày dép (-0,08%).
Hai nhóm hàng có mức tăng nhẹ là nhóm: nhà ở-điện nước-chất đốt và vật liệu xây dựng (+0,38%), nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình (+0,07%). Các nhóm hàng: thuốc và dịch vụ y tế, bưu chính-viễn thông, giáo dục đứng giá.
Trong tháng này, chỉ số giá vàng đã có mức giảm tới 2,94%, nhưng chỉ số giá USD lại có mức tăng 1,20% so với tháng trước.
Theo các chuyên gia về thị trường, trong nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, giá lương thực giảm tới 1,23%, do hiện nay lượng hàng cung cho xuất khẩu bị hạn chế, lúa hàng hóa còn tồn đọng trong dân cần phải tiêu thụ lớn.
Giá hàng thực phẩm cũng giảm 0,83% do mức tiêu thụ trên thị trường đã trở về mức trung bình trong năm, nhưng nhìn chung vẫn còn ở mức cao hơn so với đầu năm và cùng kỳ năm trước.
Giá cả ở một số mặt hàng thực phẩm chính biến động như sau: giá thịt lợn giảm 2,98%, thịt gia cầm giảm 0,71%, thịt chế biến giảm 1,01%, dầu mỡ ăn giảm 3,26%, thủy hải sản tươi sống giảm 1,31%, rau các loại giảm 1,57%, đường mật giảm 1,38%.
Một số mặt hàng thực phẩm tăng giá như: thịt bò tăng 1,01%, nước mắm - nước chấm tăng 2,46%, sữa-bơ-phomat tăng 0,86%, trà-càphê tăng 0,21%./.