Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 tăng 0,18%, bình quân 4 tháng tăng 2,1%

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê, chỉ số CPI tháng 4 tăng 0,18% so với tháng trước, tăng 2,09% so với tháng 12/2021 và tăng 2,64% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 tăng 0,18%, bình quân 4 tháng tăng 2,1%

Trong đó, khu vực thành thị tăng 0,2%, khu vực nông thôn tăng 0,17%. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 8 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước; 3 nhóm hàng giảm giá.

Diễn biến giá tiêu dùng tháng 4/2022 so với tháng trước của một số nhóm hàng chính
Diễn biến giá tiêu dùng tháng 4/2022 so với tháng trước của một số nhóm hàng chính

Tổng cục Thống kê cho rằng, việc giá vật liệu và nhà ở tăng theo giá nguyên liệu đầu vào, giá dịch vụ giáo dục tăng trở lại tại một số địa phương sau thời gian miễn giảm học phí, cũng như giá ăn uống ngoài gia đình và dịch vụ du lịch tăng theo nhu cầu tiêu dùng là những nguyên nhân chính khiến CPI tháng 4 tăng.

Theo đó, có 8 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng trong tháng 4, trong đó nhóm văn hóa, giải trí và du lịch có mức tăng cao nhất (1,16%), do giá dịch vụ du lịch trọn gói tăng hơn 5% so với tháng trước bởi nhu cầu du lịch tăng trở lại. Tiếp đến là nhóm giáo dục (tăng 0,96%) và nhà ở, vật liệu xây dựng (tăng 0,58%).

Trong khi đó, 3 nhóm hàng có chỉ số giá giảm trong tháng 4, trong đó nhóm giao thông giảm mạnh nhất, giảm 0,59%.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, CPI bình quân 4 tháng đầu năm tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 0,89% của 4 tháng đầu năm 2021, nhưng thấp hơn mức tăng của 4 tháng đầu năm giai đoạn 2017-2020.

Bên cạnh đó, lạm phát cơ bản tháng 4/2022 tăng 0,44% so với tháng trước, tăng 1,47% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 4 tháng đầu năm 2022, lạm phát cơ bản tăng 0,97% so với cùng kỳ năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 2,1%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm và giá xăng, dầu.

Tin bài liên quan