Chỉ số công nghiệp (IIP) 10 tháng tăng 2,7%, một số ngành công nghiệp chủ lực giảm mức tăng trưởng

Chỉ số công nghiệp (IIP) 10 tháng tăng 2,7%, một số ngành công nghiệp chủ lực giảm mức tăng trưởng

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Bộ Công thương cho biết, với việc kiểm soát tốt được dịch bệnh Covid-19, hoạt động sản xuất công nghiệp tháng 10/2020 tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng cao hơn tháng trước để chuẩn bị cho các tháng tiêu thụ cao điểm cuối năm, đóng góp tích cực cho quá trình phục hồi nền kinh tế.

10 tháng tăng trưởng IIP giảm so cùng kỳ

Theo số liệu vừa được Bộ Công thương công bố, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 10 tăng 3,6% so với tháng 9 và tăng 5,4% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành khai khoáng tăng 0,3% so với tháng trước và giảm 14,5% so với cùng kỳ; ngành chế biến, chế tạo tăng 4,8% so với tháng trước và tăng 8,3% so với cùng kỳ; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 2,4% so với tháng trước và tăng 1% so với cùng kỳ.

Tính chung 10 tháng năm 2020, IIP ước tính tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước thấp hơn so với mức tăng 9,5% của cùng kỳ năm 2019. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 4,2% (cùng kỳ năm 2019 tăng 10,8%), đóng góp 3,6 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 3,2%, đóng góp 0,3 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,1%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 8,1%, làm giảm 1,3 điểm phần trăm trong mức tăng chung.

Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành công nghiệp có chỉ số sản xuất 10 tháng tăng khá so với cùng kỳ năm trước: khai thác quặng kim loại tăng 14,1%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 9,6%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 7,7%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 7%; sản xuất sản phẩm thuốc lá và sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế cùng tăng 6,7%; sản xuất kim loại tăng 5,8%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 4,7%.

Một số ngành có chỉ số sản xuất 10 tháng giảm hoặc tăng thấp so với cùng kỳ năm trước như: khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 11,9%; sản xuất xe có động cơ giảm 10,8%; sản xuất mô tô, xe máy giảm 10%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa giảm 6%; sản xuất đồ uống giảm 5,3%; sản xuất trang phục giảm 4,8%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 3,8%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 1,4%; sản xuất thiết bị điện tăng 1,5%.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực trong 10 tháng tăng khá so với cùng kỳ năm trước: Ti vi tăng 25,3%; phân u rê tăng 9,3%; linh kiện điện thoại tăng 9,3%; thép thanh, thép góc tăng 7,6%; thuốc lá điếu tăng 6,8%; xăng dầu các loại tăng 6%; thép cán tăng 5,3%; alumin tăng 4%.

Bên cạnh đó, một số sản phẩm công nghiệp giảm hoặc tăng thấp so với cùng kỳ năm trước: khí hóa lỏng LPG giảm 15,2%; dầu thô khai thác giảm 13,7%; bia giảm 13,1%; vải dệt từ sợi nhân tạo giảm 10,6%; khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 10%; ô tô giảm 9,2%; xe máy giảm 7,9%; quần áo mặc thường giảm 6,1%...

Một số ngành công nghiệp chủ lực giảm tốc độ tăng trưởng

Về tình hình sản xuất của một số ngành công nghiệp chủ lực nhìn chung giảm so với cùng kỳ, đặc biệt là do ảnh hưởng bởi tình hình mưa bão thiên tai liên tục trong thời gian qua. Cụ thể, ở nhóm ngành khai khoáng, chỉ số sản xuất của ngành khai khoáng trong tháng 10 tăng 3,6% so với tháng 9 và giảm 14,5% so với cùng kỳ; tính chung 10 tháng năm 2020 giảm 8,1% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2019 tăng 1,2%).

Trong lĩnh vực khai thác dầu thô và khí, theo báo cáo của Tập đoàn dầu khí Việt Nam, công tác tìm kiếm thăm dò dầu khí tiếp tục được triển khai theo kế hoạch. Ước tính sản lượng khai thác dầu thô tháng 10 năm 2020 đạt 0,9 triệu tấn, tăng 1,7% so với tháng trước, giảm 14,5% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung 10 tháng năm 2020, sản lượng khai thác dầu thô ước đạt 9,5 triệu tấn, giảm 13,7% so với thực hiện 10 tháng năm 2019.

Sản lượng khai thác khí đốt thiên nhiên tháng 10 ước đạt 0,7 tỷ m3, giảm 20,8% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung 10 tháng, sản lượng khai thác khí đốt thiên nhiên ước đạt 7,7 tỷ m3, giảm 10% so với thực hiện 10 tháng năm 2019.

Sản lượng khai thác khí hóa lỏng (LPG) ước đạt 69,1 nghìn tấn, giảm 1,3% so với cùng kỳ, tính chung 10 tháng ước đạt 629,5 nghìn tấn, giảm 15,2% so với cùng kỳ.

Đối với sản xuất than, thông tin từ Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam cho thấy sản lượng than khai thác không có nhiều biến động, tình hình cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện than đã cơ bản đạt khối lượng theo các hợp đồng đã ký, qua đó góp phần bảo đảm huy động ở mức cao các nhà máy nhiệt điện than nhằm cung cấp đủ điện cho hệ thống điện quốc gia.

Sản lượng than sạch tháng 10 ước đạt 3,77 triệu tấn, tăng 5,2% so với tháng trước, giảm 6,4% so với cùng kỳ. Tính chung 10 tháng 2020, sản lượng than sạch ước đạt 39,8 triệu tấn, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong lĩnh vực sản xuất và phân phối điện, thông tin từ Tập đoàn Điện lực cho thấy tình hình sản xuất và cung ứng điện toàn hệ thống trong 10 tháng năm 2020 nhìn chung ổn định, khai thác các nhà máy thủy điện đảm bảo yêu cầu cấp nước hạ du cho các địa phương và mức nước giới hạn các hồ thủy điện theo quy trình vận hành liên hồ chứa, huy động cao các nhà máy thủy điện miền Bắc có lưu lượng nước về tốt; khai thác tối đa các nguồn nhiệt điện than và khí theo khả năng cấp nhiên liệu.

Từ góp phần nâng cao độ khả dụng các nhà máy điện; vận hành an toàn, tin cậy lưới điện truyền tải, đặc biệt là hệ thống 500kV Bắc - Nam. Bên cạnh đó, các đơn vị trong ngành điện tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ “kép”, vừa đảm bảo thực hiện phòng, chống dịch bệnh Covid-19, vừa đảm bảo cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế xã hội cũng như sinh hoạt của nhân dân; đặc biệt cung cấp điện an toàn, ổn định cho các bệnh viện dã chiến, cơ sở cách ly, khám chữa bệnh, điều trị bệnh nhân nhiễm và nghi nhiễm Covid-19.

Chỉ số sản xuất ngành sản xuất, phân phối điện 10 tháng tăng 3,2% so với cùng kỳ. Sản lượng điện sản xuất tháng 10 ước đạt 20,178 tỷ kWh, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 10 tháng đầu năm, sản lượng điện sản xuất ước đạt 196,78 tỷ kWh, tăng 3,3% so cùng kỳ.

Điện thương phẩm tháng 10 ước đạt 19,230 tỷ kWh, tăng 8,6% so với cùng kỳ. Tính chung 10 tháng, điện thương phẩm ước đạt 180,54 tỷ kWh, tăng 3,1% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, sản xuất nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục là điểm sáng dẫn dắt tăng trưởng của toàn ngành trong 10 tháng năm 2020. Chỉ số sản xuất công nghiệp IIP 10 tháng năm 2020 của nhóm tăng 4,2% so với cùng kỳ , thấp hơn mức tăng cùng kỳ năm 2019 là 10,8%.

Công nghiệp chế biến, chế tạo đạt mức tăng cao trong tháng 10 so với cùng kỳ chủ yếu do có sự khởi sắc của các ngành sau: sản xuất than cốc và dầu mỏ tinh chế tăng 22,6%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu tăng 20,2%; sản xuất các sản phẩm điện tử, máy tính và sản phẩm quang học tăng 16,9%; sản xuất kim loại tăng 15,2%; sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 10,9%; sản xuất thiết bị điện tăng 10,6%.

Tin bài liên quan