Tính chung 4 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,2%, thấp hơn mức tăng 10,7% của cùng kỳ năm 2018 nhưng cao hơn mức tăng 7,4% và 6,6% của cùng kỳ năm 2016 và năm 2017.
Trong đó, ngành công nghiệp, ngành chế biến, chế tạo tăng 10,9%; ngành sản xuất, phân phối điện tăng 9,2%; ngành cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải tăng 7,3%; riêng ngành khai khoáng bằng cùng kỳ năm trước giảm 1,2%.
Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành có chỉ số sản xuất 4 tháng đầu năm 2019 tăng cao so với cùng kỳ năm trước, đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp.
Cụ thể, sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 77,5%; sản xuất kim loại tăng 40,6%; sản xuất xe có động cơ tăng 18,6%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 14%; khai thác quặng kim loại tăng 13,8%; khai thác than cứng và than non tăng 13%; dệt tăng 12,1%.
Trái lại, một số ngành có mức tăng thấp hoặc giảm như Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 5,4%; sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 4,3%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 1,9% (cùng kỳ năm trước tăng 23,6%); sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 4%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 4,1%; khai khoáng khác (đá, cát, sỏi…) giảm 1,4%.
Trong đó, một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng cao so với cùng kỳ năm trước như xăng, dầu tăng 70,3%; sắt, thép thô tăng 67,1%; ti vi tăng 42,6%; khí hóa lỏng (LPG) tăng 29,8%; vải dệt từ sợi nhân tạo tăng 19,5%; ô tô tăng 18,3%; than sạch tăng 12,8%; bia tăng 12,2%; phân u rê tăng 12,1%.
Mặt khác, một số sản phẩm tăng thấp hoặc giảm như thép thanh, thép góc tăng 3,1%; khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 0,4%; xe máy giảm 3,1%; phân hỗn hợp NPK giảm 5%; dầu thô khai thác giảm 6,1%.
Theo nhận định của Bộ Công thương, tháng 4 và 4 tháng đầu năm, lĩnh vực sản xuất công nghiệp cả nước vẫn duy trì được mức tăng trưởng khá.
Bên cạnh đó, nhiều ngành nhóm khai khoáng và công nghiệp chế biến, chế tạo đạt được mức tăng trưởng cao như: Sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 77,5%; sản xuất kim loại tăng 40,6%; sản xuất xe có động cơ tăng 18,6%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 14%; khai thác quặng kim loại tăng 13,8%; khai thác than cứng và than non tăng 13%; dệt tăng 12,1%...
Về chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) toàn phần lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đã tăng lên 52,5 điểm trong tháng 4 (mức cao nhất của 4 tháng đầu năm), cho thấy sự cải thiện mạnh mẽ của sức khỏe lĩnh vực sản xuất.
Dữ liệu PMI ngành sản xuất trong tháng 4 cho thấy các công ty Việt Nam vẫn chịu đựng được sự giảm tốc gần đây của thương mại quốc tế và đã có thể tiếp tục duy trì tăng số lượng đơn đặt hàng mới và mở rộng sản xuất.
Trong khi đó, khu vực ASEAN ghi nhận chỉ số PMI toàn phần tăng từ 49,6 điểm trong tháng 2 lên 50,3 điểm trong tháng 3 và 50,4 điểm trong tháng 4 - chỉ số này tiếp tục cho thấy kết quả hoạt động của lĩnh vực sản xuất nói chung trong khu vực vẫn là tương đối thấp.