So với các nhà đầu tư cá nhân, các quỹ thường khó thoát hết hàng khi thị trường "có biến", do giá trị giải ngân lớn

So với các nhà đầu tư cá nhân, các quỹ thường khó thoát hết hàng khi thị trường "có biến", do giá trị giải ngân lớn

Chỉ số chứng khoán “nhảy múa”, nhiều quỹ thua thị trường

(ĐTCK) Chỉ số chứng khoán 1 tháng qua diễn biến theo kiểu “lên cao, xuống sâu” trong thời gian ngắn, với xu hướng khó đoán định đang khiến cho ngay cả những tay chơi chuyên nghiệp bậc nhất là các quỹ đầu tư cũng… thua thị trường.

NAV nhiều quỹ giảm

Thị trường diễn biến theo trạng thái “lên cao, lao sâu”, khó đoán xu hướng không chỉ khó chơi với nhà đầu tư cá nhân, mà cả với các tay chơi lớn chuyên nghiệp. Điều này phần nào thể hiện qua hiệu quả đầu tư đi xuống của nhiều quỹ. Giá trị tài sản ròng (NAV) của khá nhiều quỹ giảm, trong đó có cả những “ông lớn” trong ngành.

Tập trung đầu tư vào cổ phiếu của nhóm các công ty đầu ngành, có vốn hóa lớn, thanh khoản tốt như: GAS, VIC, VCB, NLG, PVS…, nhưng NAV của Quỹ Đầu tư cổ phiếu Techcom (TCEF), do Công ty trách nhiệm hữu hạn Quản lý Quỹ Kỹ Thương quản lý tại kỳ giao dịch ngày 27/3 đạt 281,9 tỷ đồng, giảm 0,85% so với kỳ giao dịch trước, xuống còn 16.505,62 đồng/chứng chỉ quỹ.

Chưa dừng lại, tại kỳ giao dịch ngày 16/4, NAV của Quỹ đạt 279,6 tỷ đồng, giảm 2,84% so với kỳ giao dịch một tuần trước đó, xuống còn 16.272,18 đồng/chứng chỉ quỹ. Nếu so với 2 tuần giao dịch trước, thì NAV của quỹ này giảm 1,41%.

Trong tuần từ ngày 13 - 19/4, NAV của Quỹ Đầu tư năng động Eastspring Investments Việt Nam (ENF), do Công ty trách nhiệm hữu hạn Quản lý Quỹ Eastspring Investments quản lý giảm tới 5,12% so với kỳ định giá trước, xuống còn 21.012 đồng/chứng chỉ quỹ. Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại quỹ này là 76,09%. Trong tuần từ ngày 6 - 12/4, NAV của quỹ này giảm nhẹ 0,61% so với kỳ định giá trước.

Nhiều quỹ… thua thị trường

Tuy giữ được NAV tăng trưởng dương, nhưng nếu như các kỳ trước nhiều quỹ luôn giữ được phong độ chiến thắng thị trường, thì trong quý I/2018, không ít quỹ đã thể hiện sự hụt hơi trong cuộc rượt đuổi tốc độ tăng trưởng khá cao của VN-Index và HNX-Index.

Theo Công ty Quản lý Quỹ Thiên Việt (TVAM), bước vào năm 2018 với tổng giá trị tài sản 206 tỷ đồng, tương ứng với NAV/chứng chỉ quỹ là 13.734 đồng, cuối quý I/2018, NAV của Quỹ Đầu tư tăng trưởng Thiên Việt - TVGF (mã chứng khoán FUCTVGF1 - HOSE), do TVAM quản lý đạt 220,5 tỷ đồng, tương ứng với NAV/chứng chỉ quỹ là 14.702 đồng, tăng trưởng 7,3% so với mức tăng trưởng 19,3% của VN-Index và 13,3% của HNX-Index.

Quỹ tăng trưởng chậm hơn so với VN-Index do một số khoản đầu tư mới của Quỹ chưa mang lại lợi nhuận trong ngắn hạn; 2 tháng đầu năm nay, thị trường tăng khá mạnh trong khi Quỹ vẫn thận trọng giữ mức tiền mặt hơn 20%; một số ít cổ phiếu vốn hóa lớn tăng mạnh đẩy VN-Index tăng vượt trội so với thị trường chung. Hiện Quỹ giữ tỷ lệ cổ phiếu/tiền mặt ở mức 82%/18% và sẽ xem xét giải ngân tiếp vào thời điểm phù hợp.

Một quỹ khác cũng do TVAM quản lý bắt đầu giải ngân từ đầu năm nay là Quỹ Đầu tư tăng trưởng Thiên Việt 2 - TVGF2, có tổng giá trị tài sản là 170 tỷ đồng. Quỹ này bắt đầu giải ngân khi VN-Index ở mức 1.006 điểm. Trong quý I/2018, NAV của Quỹ đạt 176 tỷ đồng, tương ứng NAV/chứng chỉ quỹ là 10.328 đồng, tăng trưởng 3,5% so với mức tăng trưởng của VN-Index và HNX-Index.

Quỹ tăng trưởng chậm hơn so với VN-Index do 2 tháng đầu năm nay, thị trường tăng khá mạnh trong khi Quỹ vừa mới đi vào hoạt động, tài sản chủ yếu là tiền mặt nên không tận dụng được nhịp tăng này của thị trường. Một số khoản đầu tư của Quỹ chưa mang lại lợi nhuận trong ngắn hạn.

Hiện TVGF2 đã giải ngân được hơn 80% tài sản vào cổ phiếu thuộc nhiều ngành nghề khác nhau. Trong đó một số khoản đầu tư đã cho mức lợi nhuận hơn 20% như: SSI, ACB và CEO. Thời gian tới, Quỹ sẽ cân nhắc giải ngân tiếp vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và trung bình, có định giá hợp lý, tiềm năng tăng trưởng cao và tài sản có chất lượng...

Nhìn nhận về khả năng kiếm tiền của các quỹ trong thời gian tới, tổng giám đốc một công ty quản lý quỹ cho rằng, nếu thị trường chứng khoán tiếp tục diễn biến với trạng thái lên cao, lao sâu trong thời gian ngắn và diễn biến theo một xu hướng khó dự đoán như gần đây, thì các quỹ không dễ kiếm tiền trong thời gian tới.

Điều này có liên quan đến đặc điểm đầu tư của các quỹ khác nhiều với nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ. Đó là các quỹ thường giải ngân với giá trị lớn, nên không dễ nhanh chóng thoát hết hàng khi thị trường “có biến”. Mặt khác, các quỹ thường ít vào - ra thị trường với tần suất dày như nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ, nên dễ thua nếu thị trường lên xuống với biên độ lớn trong thời gian ngắn…

Tin bài liên quan