Chỉ số chứng khoán, nên hiểu và sử dụng như thế nào?

Chỉ số chứng khoán, nên hiểu và sử dụng như thế nào?

(ĐTCK) Trao đổi với ĐTCK, ông Cung Trần Việt, Giám đốc Khối Nghiên cứu Công ty Quản lý quỹ Bản Việt, thành viên Hội đồng Chỉ số HNX 30 đã chia sẻ về các tiêu chí lựa chọn cổ phiếu vào rổ HNX30 cũng như các cách thức sử dụng chỉ số này.

Ở Việt Nam, ngoài 2 chỉ số chung là HNX Index và VN Index, mới có 2 chỉ số đại diện cho DN lớn là HNX 30 và VN30 cùng một số chỉ số ngành, do các CTCK hoặc DN tự tính. Thực tế này có gì khác biệt nếu so với các thị trường phát triển, thưa ông?

Tại TTCK ở các nước phát triển, bên cạnh các bộ chỉ số của các sở GDCK cung cấp, các tổ chức tài chính/hãng tin cũng xây dựng các hệ thống chỉ số cho từng thị trường. Điển hình là các hệ thống chỉ số của FTSE, MSCI và S&P, Dow Jones, Nikkei. Các tổ chức đó từ những kinh nghiệm của mình đã cung cấp hệ thống chỉ số đa dạng, như các bộ chỉ số theo phân vùng địa lý, chỉ số quy mô, chỉ số ngành, chỉ số thu nhập hay các bộ chỉ số tổng hợp cổ phiếu và trái phiếu.

Có thể nói, hệ thống chỉ số tại các nước phát triển, dù được cung cấp bởi các sở giao dịch hay các tổ chức tài chính/các hãng tin, đều nhằm mục tiêu cung cấp thêm các công cụ chỉ báo cho thị trường và là cơ sở để phát triển các sản phẩm giao dịch trên chỉ số.

Tại TTCK Việt Nam , việc hình thành và phát triển các hệ thống chỉ số cũng đi theo quy luật chung này. Việc 2 sở GDCK công bố chỉ số HNX 30 và VN 30 là những bước đầu tiên trong việc hình thành nên hệ thống chỉ số cho TTCK Việt Nam. Các CTCK và doanh nghiệp cũng tự xây dựng những bộ chỉ số riêng theo các mục đích khác nhau của mình. CTCK Biển Việt có bộ chỉ số chứng khoán Vietnam Sercurities Indexes, bao gồm tất cả các cổ phiếu niêm yết trên HNX và HOSE, bộ chỉ số Trái phiếu Vietnam Bond Index Composite hay bộ chỉ số Vietnam Stock/Bond Composite Index là bộ chỉ số tổng hợp 2 thị trường cổ phiếu và trái phiếu của Việt Nam. Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) xây dựng bộ chỉ số PVN Index, phản ánh diễn biến giá cổ phiếu của tất cả các doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn đang niêm yết trên 2 sàn.

HNX 30 đã vận hành được gần 1 năm, nhưng với nhiều người, đây vẫn là một chỉ số mới mẻ. Nói một cách đơn giản về chỉ số này và cách sử dụng nó, ông sẽ chia sẻ như thế nào đến độc giả của ĐTCK, thưa ông?

Chỉ số HNX 30 thể hiện mức biến động giá trị của 1 rổ gồm 30 cổ phiếu. Đặc điểm khác biệt nhất của 30 cổ phiếu này là được lựa chọn với tiêu chí ưu tiên về tính thanh khoản của các cổ phiếu, sau đó mới tới mức vốn hóa của cổ phiếu. Tính thanh khoản này được đo lường bằng tỷ lệ giữa giá trị giao dịch bình quân trong 12 tháng gần nhất và mức vốn hóa tính theo lượng cổ phiếu tự do chuyển nhượng. Lượng cổ phiếu tự do chuyển nhượng là số lượng niêm yết trừ đi số cổ phiếu không được tự do chuyển nhượng như phần sở hữu của nhà nước, phần hạn chế chuyển nhượng của các cổ đông chiến lược (nếu có), phần sở hữu của cổ đông lớn…

Một rổ cổ phiếu “ứng viên” sẽ được tiếp tục sàng lọc với các hạn chế về ngành, ví dụ như 1 ngành không có quá 20% số lượng chứng khoán ở trong rổ, hay tỷ lệ vốn hóa tối đa của 1 cổ phiếu ở trong rổ là không quá 15% giá trị vốn hóa của cả rổ HNX 30. Các hạn chế này nhằm hạn chế bớt khả năng ảnh hưởng của một vài cổ phiếu riêng lẻ lên biến động của Chỉ số, một điều rất dễ xảy ra trên TTCK Việt Nam hiện nay, do mức độ phân hóa về quy mô của các công ty niêm yết trên sàn còn quá lớn, đặc biệt là tại HNX.

Tất nhiên, tiêu chí đầu tiên là các cổ phiếu không bị kiểm soát đặc biệt hoặc tạm ngừng giao dịch tính đến thời điểm xem xét.

Việc sử dụng chỉ số này tùy thuộc vào từng nhà đầu tư, nhưng có thể thấy, có 2 cách sử dụng chính. Thứ nhất, các nhà đầu tư khi nhìn vào rổ cổ phiếu này, có thể biết đây là những cổ phiếu có tính thanh khoản cao tại sàn HNX, từ đó có thể xác định những cổ phiếu mục tiêu, làm cơ sở cho các chiến lược đầu tư. Thứ hai, các công ty quản lý quỹ có thể dựa trên chỉ số này để tạo ra những sản phẩm đầu tư có mức tương quan cao với biến động của HNX30, ví dụ như sản phẩm ETF dựa theo danh mục của HNX 30.

Theo Sở GDCK Hà Nội, HNX 30 là bước khởi đầu cho việc xây dựng bộ chỉ số mới tại Sở. Là thành viên Hội đồng chỉ số HNX30, ông có góp ý như thế nào cho Sở trong việc hoàn thiện chỉ số này và xây dựng thêm những chỉ số mới, thưa ông?

Sau gần 1 năm vận hành, chỉ số HNX 30 đã đáp ứng được kỳ vọng bước đầu của thị trường về một chỉ số chỉ báo mới, ngoài chỉ số tổng hợp HNX Index. Còn về phương diện đầu tư, thị trường đã hình thành các điều kiện để phát triển sản phẩm giao dịch trên chỉ số. Ngày 27/12/2012, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 229 hướng dẫn thành lập và quản lý quỹ hoán đổi danh mục, tạo hành lang pháp lý cho sản phẩm giao dịch chỉ số. Do chỉ số HNX 30 có độ tương quan cao với chỉ số toàn thị trường nên chỉ số này được kỳ vọng sẽ mang lại ưu điểm cho chứng chỉ quỹ ETF mô phỏng nó ở tính đại diện thị trường và khả năng dễ dàng giao dịch do tính thanh khoản của các cổ phiếu thành phần.

 

Có ý kiến cho rằng, nên thu nhỏ HNX 30 xuống HNX 20 hay HNX 10. Quan điểm của ông ra sao?

Theo tôi, việc thu nhỏ số lượng cổ phiếu trong rổ cổ phiếu có tính thanh khoản tốt nhất sàn là không cần thiết. Thị trường cổ phiếu niêm yết trên sàn HNX hiện có hơn 380 mã giao dịch. Việc lựa chọn 30 cổ phiếu mang tính đại diện cao cho thị trường là con số vừa phải. Việc rút gọn xuống 20 hay 10 cổ phiếu trong rổ sẽ làm mất đi cơ hội của những cổ phiếu khác. Hy vọng, khi thị trường hồi phục, tính thanh khoản của những cổ phiếu trong rổ chỉ số HNX 30 nói riêng và trên thị trường nói chung sẽ được cải thiện.

Chỉ số chứng khoán, nên hiểu và sử dụng như thế nào? ảnh 1

Nhìn vào rổ cổ phiếu HNX 30, NĐT có thể biết đây là những cổ phiếu có tính thanh khoản cao tại sàn HNX

Tại phiên họp định kỳ ngày 12/4/2013, Hội đồng Chỉ số HNX đã thống nhất chiến lược phát triển hệ thống chỉ số HNX và kế hoạch phát triển chỉ số trong năm 2013 - 2014 của Sở. Với tư cách là chuyên gia tham mưu, tư vấn các vấn đề về việc duy trì và vận hành các chỉ số tại Sở GDCK Hà Nội, Hội đồng Chỉ số luôn sát cánh cùng Sở trong từng bước xây dựng các bộ chỉ số đáp ứng các nhu cầu của thị trường.

 

Ông nhận xét như thế nào về triển vọng của TTCK Việt Nam trong thời gian tới? Theo ông, khi nào nền kinh tế Việt Nam có thể khởi sắc trở lại và khi đó, khối DN nào sẽ có sức bật lớn nhất?

Hiện kinh tế thế giới mới có dấu hiệu hồi phục, sức cầu vẫn còn yếu, nhất là với những nền kinh tế  có tỷ trọng gia công nhiều và phụ thuộc nhiều vào vốn đầu tư như Việt Nam . Tuy có dấu hiệu thoát khỏi đáy khủng hoảng, nhưng chưa thể nói chắc chắn là sẽ khởi sắc trong năm nay. TTCK luôn thể hiện kỳ vọng vào triển vọng của nền kinh tế, do vậy, sẽ có nhiều cơ hội đến từ kỳ vọng về tăng trưởng của nền kinh tế, chính sách tiền tệ nới lỏng, lãi suất tín dụng hạ.

Doanh nghiệp niêm yết đang phân hóa mạnh. Các doanh nghiệp có sức bật tốt khi TTCK khởi sắc chính là những doanh nghiệp đã trụ vững trong thời gian qua. Đây là những doanh nghiệp mạnh trong ngành hàng tiêu dùng, y tế, giáo dục, nông nghiệp, sản xuất nhu yếu phẩm.