Thuế cao nhất so với ASEAN 4
Báo cáo tại hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2017 sáng nay, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, theo phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp, chi phí kinh doanh cơ bản còn ở mức cao, nhất là chi phí vay vốn, logistic, tiền lương, bảo hiểm, chi phí giao dịch, tuân thủ thủ tục.
Lãi suất ở Việt Nam hiện là 7-9%/năm, trong khi Trung Quốc chỉ là 4,3%; Malaysia 4,6%; Hàn Quốc 2-3%; Nhật 0,95%.
Lĩnh vực an toàn vệ sinh thực thẩm do 3 Bộ: Công thương, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng quản lý theo 3 nghị định độc lập, dẫn đến vướng mắc, mâu thuẫn trong triển khai thực hiện.
Doanh nghiệp phải xin giấy phép, chứng nhận chất lượng của các cơ quan khác nhau về cùng một nội dung (Cục thú y, Trung tâm kiểm dịch…) khi làm thủ tục thông quan hàng hóa.
“Đây là nguy cơ hiện hữu dẫn đến rủi ro lớn, thiệt hại về tài sản, gián tiếp tạo thêm gánh nặng chi phí kinh doanh của doanh nghiệp”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Doanh nghiệp phải 'đi đêm', 'chung chi'
Gánh nặng chi phí chính thức và không chính thức cũng được Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam nêu tại hội nghị.
Ông Nguyễn Văn Thân đánh giá cao việc Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhưng khâu thực thi kém.
"Cán bộ, công chức thờ ơ, vô cảm, không hướng dẫn hoặc hướng dẫn không đầy đủ cho doanh nghiệp, nhũng nhiễu, tìm cách bắt lỗi doanh nghiệp, quan liêu, chưa coi doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, buộc doanh nghiệp phải đi đêm, bôi trơn, chung chi, của công chia ba, của nhà chia đôi", ông Thân nói.
Đại diện Hiệp hội chỉ ra nguyên nhân: lương thấp, đạo đức công vụ thấp, người thực thi công vụ tìm kiếm thu nhập thêm khoản chi phí của doanh nghiệp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ doanh nghiệp sáng nay. Ảnh: VGP
Ông Thân cho rằng tình trạng trên đang có xu hướng gia tăng muôn hình vạn trạng, khiến doanh nghiệp mệt mỏi, nản chí trong kinh doanh, bào mòn, bóp méo cạnh tranh, giảm sút năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, làm hỏng bộ máy quản lý, giảm niềm tin trong nhân dân.
Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam đã đưa ra nhóm giải pháp kiến nghị, đồng thời kêu gọi doanh nghiệp xây dựng tập quán tuân thủ pháp luật, làm giàu chân chính.
"Các doanh nghiệp cần tạo thói quen ý thức tuân thủ pháp luật, đề cao văn hóa kinh doanh, với sứ mệnh phát triển sản xuất kinh doanh làm giàu chân chính là yêu nước, thực hiện nói không với tiêu cực, chủ động tăng cường năng lực quản trị, chung tay cùng với Chính phủ ngăn chặn, đẩy lùi tiêu cực trong kinh doanh...", ông Thân phát biểu.
Hiệp hội cũng kỳ vọng Chính phủ, Thủ tướng tiếp tục có giải pháp tăng cường khen thưởng, kỷ luật và trách nhiệm hướng dẫn của công chức khi tiếp xúc với doanh nghiệp, nêu cao tinh thần lấy doanh nghiệp làm trọng tâm phục vụ; trình Quốc hội thông qua luật doanh nghiệp nhỏ và vừa trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho Hiệp hội; chuyển giao một số dịch vụ công cho các hiệp hội; có giải pháp đột phá để huy động vốn nhàn rỗi trong dân với tinh thần "vay dân còn hơn vay chỗ khác".