Mike Muller, người đứng đầu khu vực châu Á của Vitol Group cho biết, người tiêu dùng đang bị ảnh hưởng bởi sự gia tăng của giá xăng, dầu diesel và các sản phẩm dầu khác.
“Có bằng chứng rất rõ ràng về căng thẳng kinh tế do giá cao gây ra, điều mà một số người gọi là sự phá hủy nhu cầu. Nó không chỉ là dầu, mà còn là khí tự nhiên hóa lỏng”, ông cho biết.
Giá nhiên liệu tinh chế đã đạt mức cao kỷ lục ở Mỹ trong năm nay và tăng mạnh ở hầu hết các nước khác, góp phần làm gia tăng lạm phát. Chúng thậm chí còn tăng cao hơn cả dầu thô với mức tăng gần 45% lên 110 USD/thùng - một phần lớn là do sự gián đoạn dòng chảy nhiên liệu của Nga và các lệnh trừng phạt của phương Tây. Điều đó càng làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu công suất dự phòng trên toàn cầu do đầu tư ít vào các nhà máy lọc dầu trong nhiều năm.
Chênh lệch giá Crack (Crack spread) là biên lợi nhuận mà các nhà máy lọc dầu thu được từ việc biến dầu thô WTI thành xăng và dầu diesel đã lên tới 50 USD/thùng, gấp hơn ba lần mức trung bình trong thế kỷ này.
“Biên lợi nhuận của việc tinh chế đang ở mức mà không ai có thể dự đoán được. Đa phần đều cho rằng dường như không thể đạt được cao hơn mức này”, ông Mike Muller cho biết.
Tuy nhiên, có khả năng giá nhiên liệu vẫn ở mức cao như hiện nay nếu nhu cầu dầu ở Trung Quốc tiếp tục phục hồi khi chính phủ nới lỏng các hạn chế để kiểm soát Covid. Giám đốc điều hành của Vitol, Russell Hardy cho biết ông dự kiến tiêu thụ dầu của Trung Quốc sẽ tăng 1 triệu thùng/ngày vào cuối năm 2022.
Trong khi đó, Trung Quốc có thể sẽ không sớm tăng đáng kể hạn ngạch xuất khẩu nhiên liệu mặc dù các nhà máy lọc dầu độc lập của họ có khả năng nâng cao sản lượng.
“Nhiều hạn ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sẽ được thị trường hoan nghênh và sẽ làm điều gì đó để bình thường hóa những biên lợi nhuận đó. Nhưng tháng này qua tháng khác, điều đáng thất vọng là hệ thống đang được giữ tương đối chặt chẽ. Có vẻ như sự chặt chẽ trong thị trường này vẫn còn rất nhiều", ông cho biết.