Chi phí logistics, giá nguyên liệu cao hay điều gì đang xảy ra với xuất khẩu gỗ Việt?

0:00 / 0:00
0:00
Nửa đầu năm, xuất khẩu gỗ Việt Nam đạt 8,34 tỷ USD, chỉ tăng 2% so với cùng kỳ, rất khiêm tốn với các ngành hàng xuất khẩu mạnh mẽ như thuỷ sản và dệt may.

Là quốc gia xếp thứ 5 thế giới về xuất khẩu gỗ và lâm sản,ngành gỗ Việt Nam đã bước vào năm 2022 với kỳ vọng lạc quan có thể tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao (tương đương với mức tăng trưởng 19,7% của năm 2021), nhờ vào việc hưởng lợi từ các hiệp định thương mại quốc tế được ký kết và hoạt động ổn định trở lại của các doanh nghiệp sau đại dịch.

Tuy nhiên, thực tế 6 tháng đầu năm không như kỳ vọng với giá trị xuất khẩu ghi nhận đạt 8,34 tỷ USD (+2% so với cùng kỳ) - một con số khá đáng thất vọng, trái ngược với sự tăng trưởng mạnh mẽ của các ngành hàng xuất khẩu khác như thủy sản và dệt may.

Yếu tố được cho là sẽ cứu vớt tăng trưởng của năm nay đến từ quý III/2022, với dự báo sẽ tăng mạnh vì nền thấp do giãn cách xã hội trong quý 3/2021.

Vậy, xuất khẩu gỗ của các doanh nghiệp Việt Nam đang đối mặt với những thách thức nào.

Nguồn: Wichart

Nguồn: Wichart

Động lực tăng trưởng giảm theo đà hạ nhiệt của thị trường nhà ở tại Mỹ?

Con số tỷ trọng trong cơ cấu xuất khẩu theo thị trường tăng từ 51% (năm 2018) lên 66% (năm 2021) có thể thấy một sự thật rằng, đầu ra các sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam đang ngày càng phụ thuộc nhiều vào thị trường Mỹ.

Nguồn: Wichart

Nguồn: Wichart

Trong đó, nhóm sản phẩm gỗ được các doanh nghiệp Việt tập trung đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường này chủ yếu là đồ nội thất cho gia đình, bao gồm: đồ nội thất phòng khách, phòng ăn; đồ nội thất phòng ngủ và ghế khung gỗ… Cũng chính vì thế mà sự bùng nổ của thị trường nhà ở tại Mỹ trong năm 2021 đã đem đến nhiều tác động tích cực, kéo tăng trưởng xuất khẩu gỗ của Việt Nam lên mức 19,7% so với cùng kỳ, bất chấp câu chuyện cả ngành đã không có một quý 3/2021 thuận lợi vì các quy định về giãn cách xã hội.

Tuy nhiên, với việc lãi suất cho vay thế chấp bắt đầu tăng mạnh từ đầu năm 2022 và hiện duy trì ở mức trên 5% đã khiến cho xu hướng tích cực trước đó của thị trường nhà đất Mỹ không còn được duy trì. Lượng người có nhu cầu mua nhà giảm dần, trong khi giá bán nhà trung bình vẫn tiếp tục tăng cao - cán mốc 507.800 USD (+20% so với cùng kỳ năm 2021) đang là rào cản khiến thị trường nhà ở Mỹ trở nên hạ nhiệt kể từ đầu năm, kéo theo đó là sự sụt giảm về nhu cầu đồ gỗ nội thất.

Chính điều này là tác nhân chính khiến hoạt động xuất khẩu gỗ của Việt Nam sang Mỹ trở nên hụt hơi và đánh mất đi đà tăng trưởng trước đó.

Ngoài ra, tình trạng lạm phát cao tại Mỹ cũng đang có phần ảnh hưởng tiêu cực lên lực cầu tiêu thụ các sản phẩm gỗ nhập khẩu, do các khoản chi tiêu không thiết yếu bị thắt chặt so với trước.

Nguồn: Freddie Mac & Census; HUD

Nguồn: Freddie Mac & Census; HUD

Chi phí logistics cao dẫn đến xu hướng chuyển dịch vùng sản xuất

Giá cước vận chuyển container sang Mỹ liên tục duy trì ở mức cao so với cùng kỳ năm 2021, dao động từ 10.000-14000 USD cho mỗi container, đang khiến cho giá mỗi đơn hàng nội thất gỗ từ Việt Nam đến tay khách hàng, gần như đội lên gấp đôi giá trị.

Mặc dù, gần như 100% các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ Việt đều bán theo giá FOB. nhưng với mức giá cước duy trì ở mức cao như vậy, vô hình trung khiến cho khả năng cạnh tranh của sản phẩm gỗ Việt Nam suy giảm đi.

Cụ thể, các khách hàng tại thị trường Mỹ và EU đang ưu tiên lựa chọn các nhà cung cấp lân cận tại một số nước Nam Mỹ và Đông Âu, những nơi có chi phí nhân công sản xuất cao, nhưng đang được bù đắp bởi lợi thế về địa lý và chi phí logistics so với Việt Nam. Qua đó, tạo áp lực buộc các doanh nghiệp sản xuất trong nước chấp nhận giảm giá bán, nhằm chia sẻ rủi ro giá cước. Tình trạng này được dự báo sẽ còn tiếp diễn khi mà giá cước vận chuyển vẫn neo ở vùng giá cao như hiện tại.

Nguồn: Wichart

Nguồn: Wichart

Giá nguyên liệu đầu vào tăng cao khiến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn

Việc Nga bị cấm xuất khẩu gỗ bởi tổ chức FSC đã khiến thị trường gỗ nguyên liệu quốc tế rơi vào tình trạng thiếu hụt về nguồn cung. Điều này làm cho các nhà cung cấp gỗ từ EU buộc phải giữ lại một phần gỗ nguyên liệu để bù đắp cho sản lượng gỗ nhập từ Nga, qua đó thông báo tăng giá xuất khẩu gỗ nguyên liệu đến các đối tác (+20~60% so với cùng kỳ). Hệ quả là, hoạt động nhập khẩu gỗ của Việt Nam từ các thị trường khác cũng đối mặt với nhiều khó khăn.

Để giảm thiểu các tác động từ đợt tăng giá này, các nhà sản xuất trong nước đã buộc phải tìm đến các nguồn gỗ nội địa thay thế.

Dù vậy, khả năng đáp ứng của nguồn cung gỗ trong nước vẫn còn rất hạn chế. Do tỷ trọng gỗ rừng trồng đi vào chế biến đồ gỗ còn thấp, chỉ chiếm 30-40% trong tổng lượng gỗ khai thác, phần còn lại khoảng 60-70% chủ yếu phục vụ sản xuất dăm gỗ và viên nén. Cho nên, các doanh nghiệp chỉ có thể sử dụng gỗ nội địa để thay thế một số bộ phận trong sản phẩm.

Tuy nhiên, chi phí của nguồn nguyên liệu này cũng đang bị đẩy lên cao trong khoảng thời gian gần đây, đặc biệt là gỗ keo - tăng hơn 20% so với cùng kỳ (dao động từ 1.050.000 đồng đến 1.320.000 đồng).

Nguyên nhân là vì giá dăm gỗ tăng mạnh khiến hoạt động khai thác và thu mua keo để sản xuất dăm diễn ra ồ ạt. Những khó khăn trong việc tiếp cận nguồn cung gỗ đầu vào đang khiến cho nhiều doanh nghiệp không thể tiếp tục tiếp nhận đơn hàng mới và thậm chí một số phải tạm ngừng sản xuất.

Đồ thị: Giá gỗ bạch dương nhập khẩu. Đơn vị 1.000 VND/tấn

Đồ thị: Giá gỗ bạch dương nhập khẩu. Đơn vị 1.000 VND/tấn

Tin bài liên quan