Ngại đắt
Thông tin từ Bộ Xây dựng cho hay, đến cuối năm 2022, Việt Nam mới chỉ có 233 công trình với tổng diện tích khoảng trên dưới 6 triệu m2 sàn xây dựng đạt tiêu chí công trình xanh. Số công trình xanh còn khiêm tốn so với quy mô và tốc độ đô thị hoá cả nước đang là vấn đề nhận được sự quan tâm của nhiều phía, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực giảm thiểu phát thải các-bon và thực hiện các cam kết mạnh mẽ trong phát triển bền vững.
Bình luận về câu chuyện phát triển công trình xanh tại Việt Nam thời gian qua, chia sẻ tại hội thảo “Chi phí đầu tư và vận hành công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng” do Viện Vật liệu xây dựng, Công ty TNHH Edeec và Sen Vàng Group phối hợp tổ chức, nhiều quan điểm cho rằng, chi phí thực hiện dự án đang là rào cản lớn cho việc phát triển các công trình xanh.
Theo đại diện Viện Vật liệu Xây dựng, hiện nay, chi phí là một trong những khía cạnh đặc biệt quan trọng trong việc phát triển, quản lý các dự án công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng. Song, đây cũng là một trong các rào cản lớn đối với các chủ đầu tư, nhà phát triển bất động sản muốn xây dựng và vận hành công trình bền vững tại Việt Nam.
Chung nhận định, ông Trần Thành Vũ, Công ty TNHH Edeec cho biết, chi phí đầu tư công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng luôn luôn là câu hỏi đầu tiên của các nhà đầu tư khi có ý định thực hiện các sản phẩm bất động sản bền vững, thân thiện môi trường.
"Theo logic thông thường từ nhiều năm nay, chi phí đầu tư cho các dạng công trình này sẽ phải tăng lên và phần tăng này sẽ được bù đắp trong quá trình vận hành, đây là cách hiểu có phần rập khuôn từ các nước phát triển", ông Vũ nhấn mạnh.
Công trình xanh không chỉ là "xanh cây", mà còn là công trình sử dụng năng lượng hiệu quả, thân thiện môi trường. Ảnh: Shutterstock. |
Theo các chuyên gia, Việt Nam đã có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 09:2013/BXD về yêu cầu năng lượng, trong đó quy định chỉ tiêu độ dẫn nhiệt của các vật liệu nhằm mục đích góp phần vào việc xây dựng tòa nhà có công năng hiệu quả. Tuy nhiên, trên thị trường chưa có nhiều vật liệu xây dựng đáp ứng được những tiêu chuẩn này.
Bình luận về vấn đề này, theo ông Trần Quốc Khánh, đại diện Công ty Kính nổi Viglacera cho biết, việc phát triển các vật liệu xây dựng xanh, đảm bảo tiết kiệm năng lượng là điều không dễ dàng. Đây là lý do chính dẫn đến việc không có nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển các loại vật liệu xanh.
Xu hướng không thể đảo ngược
Đánh giá về xu hướng phát triển công trình xanh, ông Tạ Đắc Quý, chuyên gia Viện Vật liệu xây dựng cho rằng, công trình xanh đang dần trở thành xu hướng toàn cầu, mang lại nhiều giá trị dài hạn cho doanh nghiệp bất động sản. Vì vậy, sẽ là thiếu sót nếu cộng đồng doanh nghiệp không thực hiện chuyển đổi xanh cho các công trình của mình.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Bích Ngọc, Giám đốc Sen Vàng Group cũng nhìn nhận, khi đại dịch Covid-19 qua đi, nhu cầu về một chốn an cư trong lành, đảm bảo môi trường sống, cải thiện sức khoẻ đang là xu hướng chung được mọi người tìm kiếm.
“Bên cạnh các yếu tố về vị trí, chi phí, người mua nhà đang quan tâm nhiều hơn đến các yếu tố xanh trong công trình. Cùng với đó, các vấn đề liên quan đến bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng và trách nhiệm xã hội của các chủ đầu tư cũng được người mua đưa vào tiêu chí lựa chọn”, bà Ngọc nói và cho biết thêm rằng, đây được coi là “giai đoạn vàng” thúc đẩy ngành bất động sản phát triển các công trình xanh và bền vững, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng.
Giải thích thêm về băn khoăn của nhiều đơn vị trong phát triển công trình xanh, đại diện Viện Vật liệu Xây dựng cho rằng, việc xây dựng công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng không thực sự làm tăng chi phí đầu tư nếu các chủ đầu tư biết sử dụng vật liệu xây dựng phù hợp, phương án tài chính hợp lý, sử dụng mô hình dự báo vận hành công trình đúng cách.
Theo ông Vũ, vấn đề chi phí phát triển công trình xanh sẽ được làm rõ qua các dự án thực tế, được tính toán so sánh giữa thiết kế thông thường và thiết kế tối ưu hoá về chi phí đầu tư, về chi phí vận hành trong điều kiện chi phí, vật liệu, thiết bị tại Việt Nam.
Nhấn mạnh đến vai trò của cân bằng năng lượng trong các dự án, bà Lê Phương Anh, Giám đốc chương trình Sustainable Building Vietnam (SBVN) - Công trình bền vững Việt Nam cho rằng, để xây dựng công trình hiệu quả năng lượng, tiết kiệm chi phí cho phát triển công trình, chủ đầu tư nên thực hiện các tính toán tiềm năng tiết kiệm năng lượng. Từ đó, có những tính toán và đưa ra giải pháp ngay từ đầu cho mỗi công trình, giúp tiết giảm chi phí cũng như sử dụng năng lượng hiệu quả.
Theo bà Phương Anh, công trình loại này có thể giảm tới 35% điện năng tiêu thụ, cùng với đó là khả năng hỗ trợ để công trình đạt tiêu chuẩn công trình hiệu quả năng lượng, tiêu chuẩn hạng A và thu hút tệp khách hàng cao cấp, đem lại lợi ích cho các chủ đầu tư.