Đại biểu Bùi Văn Xuyền phát biểu tại phiên thảo luận.
Ủy ban Pháp luật không đồng tình, đại biểu cũng còn nhiều băn khoăn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tiếp thu theo hướng không phân cấp điều chỉnh quy hoạch thành phố mà chỉ điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị từ Thủ tướng Chính phủ cho HĐND và UBND thành phố Đà Nẵng.
Tiếp tục kỳ họp thứ 9, ngày 23/5 Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự thảo nghị quyết của Quốc hội thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.
Một trong những vấn đề khiến đại biểu băn khoăn nhiều là cơ chế về điều chỉnh quy hoạch. Chính phủ đề nghị quy định “phân quyền thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch Thành phố và điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị từ Thủ tướng Chính phủ cho HĐND và UBND Thành phố”.
Việc này, theo Chính phủ là nhằm tăng cường phân cấp, tạo sự chủ động cho địa phương và rút gọn thời gian, thủ tục lập điều chỉnh quy hoạch thành phố, điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị so với quy định hiện hành. Cơ chế này cũng giúp thành phố chủ động hơn trong công tác quản lý điều hành, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc và kịp thời triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố.
Tuy nhiên, Ủy ban Pháp luật đề nghị không thí điểm việc giao chính quyền thành phố thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh quy hoạch thành phố, vì nếu không kèm theo cơ chế kiểm soát có hiệu quả có thể dẫn đến không đạt được các yêu cầu, mục tiêu mà Luật Quy hoạch đã đề ra.
Lập luận này được sự đồng tình của nhiều ý kiến tại phiên thảo luận.
Đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) phân tích, Luật Quy hoạch vừa mới ban hành năm 2017, vậy tại sao Đà Nẵng lại phải xin cơ chế đặc thù khác với luật này?. Theo đại biểu thì cần xem xét xem có phải chỉ có Đà Nẵng vướng mắc không? Nếu như phân cấp như đề xuất của Chính phủ sẽ tốt cho tất cả các tỉnh thành trong cả nước thì tại sao không xem xét để điều chỉnh, sửa những điều khoản có liên quan trong luật?
Khẳng định hoàn toàn tán thành với lập luận của đại biểu Hạ, đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) nhấn mạnh Quốc hội rất khó khăn, phải tới 3 kỳ họp mới ban hành được Luật Quy hoạch. Chính phủ nói rất rõ là làm Luật Quy hoạch lần này là để nâng cao chất lượng quy hoạch, đặc biệt là siết chặt việc điều chỉnh quy hoạch một cách tùy tiện, nhất là ở các thành phố lớn và thành phố trực thuộc Trung. Nhưng lần này dự thảo nghị quyết lại đặt vấn đề giao quyền chủ động cho thành phố để điều chỉnh quy hoạch, như vậy là đi ngược lại quan điểm của chính Chính phủ khi trình Luật Quy hoạch, ông Xuyền nhận định.
Giao cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt điều chỉnh quy hoạch thành phố trên cơ sở quy hoạch thành phố đã được Thủ tướng phê duyệt là chưa thật sự phù hợp với Luật Quy hoạch vừa mới được ban hành, đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) nhận định.
Hồi âm ý kiến đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết từ đề xuất của Đà Nẵng, Chính phủ trình Quốc hội phân cấp cho thành phố cả điều chỉnh quy hoạch của thành phố và quy hoạch cục bộ đô thị của thành phố, Tuy nhiên, từ cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến của các đại biểu hôm nay , Bộ trưởng cho rằng quy hoạch của thành phố là quy hoạch rất quan trọng và phải kiểm soát chặt chẽ, không để phá vỡ quy hoạch vùng và quy hoạch quốc gia. Vì thế Bộ trưởng tiếp thu theo hướng có thể không phân cấp.
Nhưng còn quy hoạch cục bộ đô thị, theo Bộ trưởng thì đây là một quy hoạch cấp dưới của quy hoạch thành phố và chịu sự điều chỉnh bởi quy hoạch thành phố, lại thường xuyên thay đổi, thường xuyên phát sinh trong quá trình hoạt động. Để chủ động và rút ngắn thời gian thực hiện thì hoàn toàn có thể phân cấp được cho thành phố với một quy trình quản lý, giám sát chặt chẽ, đó là khi điều chỉnh phải có ý kiến của Bộ Xây dựng, theo Luật Quy hoạch, không được phá vỡ quy hoạch của cấp trên.
Dự thảo nghị quyết giao cho Đà Nẵng có thẩm quyền ban hành mới các loại phí, lệ phí và điều chỉnh tăng thêm mức phí, lệ phí. Theo đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) thì quy định này là hoàn toàn phù hợp, nếu như áp dụng tại một thời điểm khác. Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, khi Việt Nam chưa đi qua những tháng ngày dịch bệnh và tới đây người dân thành phố sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn để khắc phục hậu quả dịch bệnh COVID-19 thì việc áp dụng chính sách này thực sự rất nhạy cảm và khó khả thi, trong khi đó thì thời hạn có hiệu lực của nghị quyết áp dụng thí điểm chỉ có 3 năm, có khi đến khi hết thời hạn có hiệu lực chưa chắc đã áp dụng được quy định này. Vì vậy, đại biểu Mai cho rằng cần cân nhắc để xem có đưa chính sách nói trên vào nghị quyết hay không.