Cú lừa đắng hơn sâm
Mấy ngày nay, ông Lê Xuân Tư nhà tại huyện Bắc Trà My - Quảng Nam, ấm ức kể vừa dính quả lừa đắng hơn sâm.
“Cách đây hơn 1 tuần, thấy có cậu bé dân tộc ở Trà Linh mang bán 2 kg sâm Ngọc Linh giá hơn 60 triệu đồng. Nó bảo ba mẹ cho nó 2 kg sâm bán lấy tiền mua chiếc xe máy. Tui tin mua ngay, ai ngờ đó là sâm Ngọc Linh giả”, anh Tư kể.
Không chỉ anh Tư, nhiều người mua sâm Ngọc Linh đều dính vố lừa như vậy. Hiện trên thị trường nhan nhản sâm Ngọc Linh giả, giá từ 25 đến 30 triệu đồng/kg. Chỉ vì ham rẻ nên nhiều người mua về rồi ngậm đắng nuốt cay.
Ôm hũ sâm Ngọc Linh vừa mua hơn 20 triệu đồng, anh Nguyễn Xuân Lữ ở Tam Kỳ - Quảng Nam, rầu rĩ kể, mặc dù đã rất cẩn thận khi đặt mua 6 lạng sâm Ngọc Linh ngâm rượu để biếu sếp và uống Tết, nhưng không ngờ, đây lại là hũ sâm Ngọc Linh giả nên anh đành để ngắm chơi, không dám đem biếu.
Ngoài ra, theo các chuyên gia đông y, nói đến sâm Ngọc Linh thì còn phải biết sâm này trồng ở đâu mới có thể định được giá trị của nó.
Sâm Ngọc Linh tại xã Trà Linh được bà con nhổ bán rất hạn chế.
“Sâm trồng ở khu vực xã Trà Linh ,huyện Nam Trà My giá rất đắt. Với loại sâm từ 5 đến 7 tuổi giá từ 60-70 triệu đồng/kg. Sâm càng nhiều tuổi càng đắt. Đặc biệt, sâm tự nhiên mọc trên rừng thì vô giá. Còn sâm Ngọc Linh trồng ở các tỉnh miền núi phía Bắc thì rẻ hơn, chỉ khoảng từ 3-5 triệu đồng/kg, chẳng ai thèm mua vì dược tính thấp”, vị chuyên gia nói.
Giá sâm Ngọc Linh trồng trên núi Ngọc Linh (Quảng Nam) quá đắt đỏ nên rất ít dùng, trừ những trường hợp thật cần thiết.
Đỏ mắt tìm sâm ngâm rượu chơi Tết
Chị Nguyễn Thị Tình, một người chuyên buôn bán sâm Ngọc Linh ở Nam Trà My, kể rằng, có đến 90% sâm Ngọc Linh bán trên thị trường là loại sâm mạo danh Ngọc Linh trồng từ nhiều nơi rồi đưa về Quảng Nam để tiêu thụ, giá từ 25 đến 30 triệu đồng/kg.
Ngay bản thân chị, tuy là người sống ở Nam Trà My mấy chục năm nay, là người mua bán các loại sâm Ngọc Linh từ tự nhiên đến sâm trồng, quen biết nhiều chủ vườn sâm nhưng khi hỏi mua cũng rất khó. Bởi chỉ khi cần tiền mua sắm, bà con tại xã Trà Linh mới nhổ bán sâm nhưng cũng rất ít.
Cán bộ khảo sát và lập quy hoạch cho vùng sâm Ngọc Linh tại Nam Trà My
“Nhiều gia đình có vườn sâm trồng trong rừng, khi muốn có khoản tiền làm nhà hay cưới vợ cho con, họ nhổ 3-5 kg để bán, còn không chỉ thu hái lá và bán hạt giống là đủ chi phí hàng ngày. Chính vì vậy, không thể có lượng sâm lớn bán trên thị trường nhiều như vậy”, chị T. khẳng định.
Do vậy, để mua được đúng loại sâm Ngọc Linh trồng tại núi Ngọc Linh là không hề dễ dàng. Nhiều người từng cất công lên Trà Linh xin vào tận vườn hỏi mua sâm, nhưng đều bị chủ vườn sâm lắc đầu từ chối.
Anh Lê Văn Tâm, nhà ở Tam Kỳ - Quảng Nam, nhiều lần ôm tiền lên Ngọc Linh phục mấy ngày trời để tìm mua sâm nhưng đến bất kỳ nhà nào cũng nhận được cái lắc đầu. “Muốn lên tận vườn sâm, nhiều chủ vườn bảo phải có giấy giới thiệu của huyện, của xã, nếu không có thì 'không bao giờ'. Thậm chí hỏi mua sâm họ cũng lắc đầu bảo không bán vì chưa cần tiền”, anh Tâm kể.
Một củ sâm Ngọc Linh hàng chục năm tuổi được trồng tại xã Trà Linh, huyện Nam Trà My
Một gốc sâm trồng hàng chục năm tuổi tại Trà Linh dùng để làm giống.
Sau chuyến lên Trà Linh không mua được sâm đành phải trở về và nhờ người thân quen ở huyện Nam Trà My nhờ mua, anh Tâm mới mua được 1 kg sâm Ngọc Linh 7 năm tuổi với giá 75 triệu đồng.
Nhiều đại gia ở Hà Nội, Sài Gòn khi ra Quảng Nam công tác thường mang theo những hũ rượu sâm Ngọc Linh và bảo đây là loại rượu “đầu bảng”, đắt gấp nhiều lần rượu Tây rượu Tàu. Nhưng hỏi mua sâm Ngọc Linh ở đâu, mấy đại gia chỉ vào bình rượu có nước vàng nhạt bảo chỉ cần bỏ ra vài trăm triệu thiếu gì sâm Ngọc Linh.
Chỉ nghe vậy thôi thì dân trong nghề cũng biết là các đại gia đã dính quả lừa.