Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước.
Thưa ông, vì sao giải ngân vốn đầu tư công quá chậm so với kế hoạch?
Kể từ năm 2015 đến nay, chứ không gì riêng năm 2019, giải ngân vốn đầu tư công đều thấp, đặc biệt trong 6 tháng đầu năm 2019. Không tính những nguyên nhân do cơ chế, chính sách liên quan đến chuẩn bị, phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư; phân bổ vốn; đầu thầu; các quy trình, thủ tục liên quan đến hoạt động đầu tư xây dựng; giải phóng mặt bằng… chỉ nói đến khâu cuối cùng là giải ngân, nguyên nhân nằm ở chỗ nhà thầu, chủ đầu tư không có khối lượng thanh toán. Không có khối lượng thanh toán tất nhiên KBNN không thể giải ngân được.
Trước thực tế giải ngân vốn đầu tư công chậm, chúng tôi thường xuyên báo cáo Bộ Tài chính tình hình giải ngân vốn đầu tư công thuộc bộ, ngành, địa phương quản lý, trong đó chỉ đích danh bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp để Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ đôn đốc.
Công trình, dự án hoàn thành, nhà thầu, chủ đầu tư nào cũng mong muốn được thanh toán. Vì sao lại không có khối lượng để thanh toán?
Đối với dự án đã khởi công, theo quy định dự án khởi công năm trước được kéo dài đến hết 31/12 năm sau. Do được kéo dài thời gian thực hiện dự án nên nhà thầu, chủ đầu tư “không đi đâu mà vội”, nên không có khối lượng công trình hoàn thành để thanh toán.
Cụ thể, để thanh toán khối lượng công trình hoàn thành của năm trước, 31/12 năm trước là thời điểm cuối cùng để nhà thầu chốt khối lượng hoàn thành đến điểm dừng kỹ thuật. Sau khi chốt xong, chủ đầu tư tính toán, nghiệm thu khối lượng hoàn thành, xác định giá trị công trình đã hoàn thành để lập hồ sơ thanh toán.
Thông thường khối lượng công trình, giá trị công trình hoàn thành mà nhà thầu tính toán không trùng khớp với khối lượng, giá trị công trình do chủ đầu tư nghiệm thu, nên 2 bên mất rất nhiều thời gian tính toán, xác định lại để hoàn thiện hồ sơ thanh toán gửi KBNN giải ngân. Chúng tôi chỉ giải ngân khi hồ sơ thanh toán đầy đủ.
Còn đối với dự án đã hoàn thành, tỷ lệ dự án hoàn thành, nhưng chậm phê duyệt quyết toán cũng rất cao. Đơn cử, năm 2017, số dự án hoàn thành được phê duyệt quyết toán chỉ bằng khoảng 73% tổng số dự án hoàn thành; 51% số dự án hoàn thành nhưng quá hạn vẫn không nộp báo cáo quyết toán. Không có báo cáo quyết toán thì KBNN không có cơ sở, căn cứ để giải ngân.
Đối với dự án khởi công mới, không tính thời gian làm thủ tục liên quan đến lập, phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, đấu thầu, giải phóng mặt bằng, chỉ tính riêng khâu liên quan đến quy trình, thủ tục xây dựng như lập, phê duyệt thiết kế, bản vẽ thi công… cũng mất rất nhiều thời gian. Dự án khởi công chậm, không có khối lượng hoàn thành thì sao giải ngân được.
Nếu nhà thầu, chủ đầu tư đã có khối lượng, đã quyết toán dự án, có đầy đủ hồ sơ thanh toán mà KBNN từ chối giải ngân chắc chắn họ sẽ khiếu nại. Còn với KBNN, chúng tôi cũng chẳng được gì mà không giải ngân nếu chủ đầu tư, nhà thầu có đầy đủ hồ sơ thanh toán, tức là chúng tôi không có bất cứ động cơ gì mà không thanh toán đầy đủ, kịp thời.
Tại cuộc họp về giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2019 mới đây, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu KBNN rút ngắn thời gian kiểm soát chi. Thưa ông, điều này có thể hiểu một phần giải ngân vốn đầu tư công chậm nằm ở phía KBNN?
KBNN đã thực hiện nhiều cải cách về thủ tục hành chính trong việc thanh toán chi thường xuyên cũng như thanh toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản. Cụ thể, về thủ tục kiểm soát thanh toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản, chúng tôi đã giảm bớt số lượng hồ sơ, tài liệu.
Theo đó, khi thanh toán vốn xây dựng cơ bản, chủ đầu tư, Ban quản lý dự án không phải gửi đến KBNN văn bản thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn của cơ quan kế hoạch và đầu tư và cơ quan tài chính; văn bản thẩm tra phân bổ kế hoạch vốn đầu tư đối với dự án thuộc UBND các cấp quản lý; biên bản nghiệm thu khối lượng xây dựng cơ bản hoàn thành (thay vào đó là gửi bảng xác định giá trị khối lượng hoàn thành đề nghị thanh toán); bỏ quy định KBNN thông báo kế hoạch vốn cho chủ đầu tư.
KBNN cũng bỏ việc xét chuyển nguồn vốn kéo dài sang năm sau, mà chỉ thực hiện đối chiếu, xác nhận số liệu với chủ đầu tư để làm thủ tục chuyển nguồn sang năm sau, qua đó rút ngắn được thời gian thẩm định và xét duyệt chuyển nguồn. Chúng tôi đã và đang tập trung đẩy mạnh triển khai thực hiện giao nhận hồ sơ kiểm soát chi điện tử nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị sử dụng ngân sách, chủ đầu tư thực hiện giải ngân vốn đầu tư công.
Nhờ thực hiện các giải pháp trên, thời gian kiểm soát, thanh toán vốn đầu tư đã được rút ngắn xuống còn 3 ngày, thay vì 7 ngày như trước đây đối với dự án đủ điều kiện giải ngân. Thậm chí, đối với hợp đồng thanh toán nhiều lần, chúng tôi thực hiện nguyên tắc “thanh toán trước, kiểm soát sau”. Vì vậy, tôi khẳng định, việc giải ngân chậm vốn đầu tư công là ở các khâu khác trước đó.
Nói như vậy không có nghĩa KBNN không tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để rút ngắn hơn nữa thời gian giải ngân vốn đầu tư công, thưa ông?
Để góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư năm 2019, ngay từ đầu năm, chúng tôi đã chỉ đạo hệ thống KBNN thường xuyên phối hợp chặt chẽ và hướng dẫn nhà thầu, chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ, thủ tục tạm ứng, thanh toán, đảm bảo mọi hồ sơ, chứng từ đủ điều kiện thanh toán vốn gửi đến KBNN đều được tiếp nhận và giải quyết theo đúng chế độ và thời gian quy định.
Đồng thời, hệ thống KBNN có trách nhiệm đôn đốc chủ đầu tư, nhà thầu, Ban quản lý dự án đẩy nhanh tiến độ, nghiệm thu khi đã có khối lượng hoàn thành và hoàn chỉnh hồ sơ thủ tục để thanh toán, thu hồi vốn đã tạm ứng, tránh dồn vào những tháng cuối năm. Chúng tôi yêu cầu hệ thống KBNN tuyệt đối không được để tồn đọng bất kỳ hồ sơ thanh toán nào mà không rõ lý do.