Chị gái ông Nguyễn Mạnh Tuấn kịp bán ra 704.300 cổ phiếu Licogi 14 (L14) trước phiên đảo chiều ngày 6/12

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau chuỗi tăng 274%, chị gái lãnh đạo CTCP Licogi 14 (mã L14 - sàn HNX) đã bán ra 704.300 cổ phiếu để giảm sở hữu về 2,69% vốn điều lệ.
Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, thành viên HĐQT của Licogi 14.

Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, thành viên HĐQT của Licogi 14.

Cụ thể, bà Nguyễn Thuý Ngư, chị gái ông Nguyễn Mạnh Tuấn, thành viên HĐQT Licogi 14 (hay còn gọi là thầy A7) vừa bán ra 704.300 cổ phiếu L14 để giảm sở hữu từ 4,97% về còn 2,69% vốn điều lệ, giao dịch được thực hiện từ 3/11 đến 2/12.

Sau chuỗi tăng trần liên tục, phiên ngày 6/12, cổ phiếu L14 có dấu hiệu đảo chiều và khớp kỷ lục.

Sau chuỗi tăng trần liên tục, phiên ngày 6/12, cổ phiếu L14 có dấu hiệu đảo chiều và khớp kỷ lục.

Từ ngày 15/11 đến ngày 5/12, cổ phiếu L14 đã tăng 274% từ 18.300 đồng lên 68.400 đồng/cổ phiếu với chuỗi tăng trần liên tục. Tuy nhiên, phiên ngày 6/12, cổ phiếu đảo chiều, giảm 400 đồng về 68.000 đồng/cổ phiếu với thanh khoản khớp lệnh lên tới 1,93 triệu cổ phiếu so với trung bình 20 phiên trước đó chỉ là 0,47 triệu cổ phiếu.

Như vậy, chị gái ông Nguyễn Mạnh Tuấn đã kịp bán ra 704.300 cổ phiếu L14 trước phiên có dấu hiệu đảo chiều ngày 6/12.

Chủ tịch Phạm Gia Lý mua xong 11 phiên mới báo cáo kết quả giao dịch

Ngày 30/11, theo thông tin công bố từ HNX, ông Phạm Gia Lý, Chủ tịch HĐQT Licogi 14 vừa mua vào 370.000 cổ phiếu trong tổng đăng ký là 500.000 cổ phiếu (tỷ lệ mua thành công 74% tổng đăng ký) để nâng sở hữu từ 7,07% lên 8,27% vốn điều lệ.

Giao dịch được thực hiện từ ngày 8/11 đến ngày 15/11/2022 và lý do không mua hết đăng ký là do không đạt mức giá kỳ vọng.

Như vậy, mặc dù kết thúc giao dịch ngày 15/11, nhưng tới ngày 30/11, ông Phạm Gia Lý mới thực hiện báo cáo kết quả giao dịch, tức sau 11 phiên giao dịch mới báo cáo.

Theo điểm đ, Điều 33 của Thông tư 96/2020/TT-BTC quy định: “Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày hoàn tất giao dịch (trường hợp giao dịch kết thúc trước thời hạn đăng ký) hoặc kết thúc thời hạn dự kiến giao dịch, người nội bộ và người có liên quan phải công bố thông tin về kết quả giao dịch đồng thời giải trình nguyên nhân không thực hiện được giao dịch hoặc không thực hiện hết khối lượng đăng ký (nếu có) theo mẫu quy định tại Phụ lục XV hoặc Phụ lục XVI ban hành kèm theo Thông tư này”.

Như vậy, căn cứ quy định luật pháp hiện hành, ông Phạm Gia Lý có dấu hiệu báo cáo kết quả giao dịch trễ hơn so với quy định.

9 tháng đầu năm trích lập 68,7 tỷ đồng đầu tư chứng khoán, chiếm 65,3% tổng danh mục

Trong quý III/2022, Licogi 14 ghi nhận doanh thu đạt 35,08 tỷ đồng, tăng 99,3% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 8,12 tỷ đồng, giảm 7,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm từ 77,1% về chỉ còn 62,7%.

Trong kỳ, lợi nhuận gộp tăng 62% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 8,42 tỷ đồng lên 21,99 tỷ đồng; doanh thu tài chính giảm 45,6%, tương ứng giảm 1,2 tỷ đồng về 1,43 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 35,53 lần, tương ứng tăng thêm 6,04 tỷ đồng lên 6,21 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 45,5%, tương ứng tăng thêm 1,86 tỷ đồng lên 5,95 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, Licogi 14 ghi nhận doanh thu đạt 129,1 tỷ đồng, tăng 51,2% so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 15,61 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 39,05 tỷ đồng.

Với việc ghi nhận lỗ trong 9 tháng đầu năm 2022, tính tới 30/9/2022, tổng lợi nhuận sau thuế lũy kế chưa phân phối ghi nhận 18,6 tỷ đồng, giảm 55,8 tỷ đồng so với đầu năm.

Xét về dòng tiền, trong 9 tháng đầu năm, dòng tiền kinh doanh chính âm 115,9 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 41,3 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư dương 90,6 tỷ đồng và dòng tiền tài chính âm 3,37 tỷ đồng.

Được biết, trước đó năm 2021, Công ty cũng ghi nhận dòng tiền kinh doanh chính âm 184,61 tỷ đồng. Như vậy, nếu dòng tiền kinh doanh tiếp tục âm trong quý IV, Công ty sẽ có 2 năm liên tiếp dòng tiền kinh doanh âm.

Tính tới 30/9/2022, tổng tài sản của Licogi 14 giảm 3,4% so với đầu năm về 553,9 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn đạt 205 tỷ đồng, chiếm 37% tổng tài sản; tồn kho đạt 155,9 tỷ đồng, chiếm 28,1% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn đạt 71,5 tỷ đồng, chiếm 12,9% tổng tài sản; đầu tư tài chính dài hạn đạt 56,1 tỷ đồng, chiếm 10,1% tổng tài sản và các tài sản khác.

Trong đó, đáng chú ý danh mục đầu tư chứng khoán kinh doanh đầu năm là 0 đồng, tính tới 30/9/2022 đã là 105,3 tỷ đồng, công ty đã trích lập dự phòng giảm giá tới 68,7 tỷ đồng, tương ứng mức lỗ 65,3% tổng danh mục.

Mặc dù ghi nhận lỗ lớn do đầu tư chứng khoán nhưng Licogi 14 không thuyết minh danh mục cổ phiếu đang đầu tư.

Tin bài liên quan